Du lịch tâm linh chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Đà Nẵng (ThS. Đinh Đức Hiền)

464

Du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu để thỏa mãn nhu cầu con người trong đời sống tinh thần. Loại hình du lịch này chủ yếu khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức con người về thế giới, những giá trị về đức tin trong tín ngưỡng, tôn giáo; từ đó mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch. Vì thế, du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng đã và đang trở thành một xu hướng phổ biến, được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm.

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, du lịch tâm linh Phật giáo nói chung, tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt nói riêng cơ bản đã được các ban/ngành chức năng của thành phố và nhiều công ty lữ hành quan tâm khai thác, tuy nhiên so với tiềm năng vốn có vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được chú trọng và quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

MỘT ĐỊA ĐIỂM NHIỀU TIỀM NĂNG

Đà Nẵng là thành phố có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước, vừa có vùng biển, vừa có vùng núi, trung du, đồng bằng,… Những nét đặc trưng về địa lý cùng yếu tố văn hóa truyền thống phong phú, bản chất con người thuần hậu… đã hình thành nên một vùng văn hóa – xã hội Đà Nẵng đặc sắc, và tạo thành những cơ sở quan trọng, hấp dẫn cho nhiều tổ chức tôn giáo sớm hội tụ, trong đó có Phật giáo…

Theo đó, về mặt lịch sử, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng Phật giáo được truyền vào Đà Nẵng vào khoảng thế kỷ XVII, trong đó Ngũ Hành Sơn được xem là cái nôi đầu tiên của Phật giáo TP. Đà Nẵng, đồng thời cũng là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng của Đàng Trong. Khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào Đà Nẵng người Việt đã tạo dựng ở Ngũ Hành Sơn một hệ thống các ngôi chùa dày đặc, hầu như ngọn núi, hang động nào cũng có thờ Phật, hoặc thờ những vật linh khí của nhà Phật. Nơi đây cũng đã đón tiếp rất nhiều vua chúa, quan lại, Tăng Ni trong và ngoài nước viếng thăm.

Đến nay, Phật giáo tại TP. Đà Nẵng có các hệ phái thuộc Phật giáo Bắc Tông, Nam Tông và hệ phái Khất sĩ, với hơn 110 ngôi chùa và có khoảng hơn 500 chức sắc. Tại TP. Đà Nẵng, đối với Phật giáo có các lễ hội quy mô lớn như:

– Lễ Phật đản tổ chức hằng năm vào tháng 4 âm lịch;

– Lễ Vu lan tổ chức hằng năm vào tháng 7 âm lịch;

– Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn tổ chức hằng năm vào tháng 2 âm lịch;

– Lễ Vu lan Báo hiếu – Ngũ Hành Sơn diễn ra từ các năm 2017, 2018, 2019;

– Trong đó, lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn là 1 trong 15 lễ hội lớn, khá ấn tượng mang tầm cỡ quốc gia, cùng với những giá trị độc đáo vốn có của mình, lễ hội là kênh thông tin để quảng bá hình ảnh thành phố, cầu nối đưa hình ảnh TP Đà Nẵng vươn tầm đến mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, đáng chú ý trong số các ngôi chùa Phật giáo thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trên địa bàn thành phố hiện nay như: chùa Vu Lan, Tân Ninh, Linh ứng Bà Nà, Linh ứng Bãi Bụt, Linh Ứng Non Nước… có chùa Linh Ứng Bãi Bụt, hiện đang tọa lạc tại khu vực Bán đảo Sơn Trà, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Chùa nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 10km về hướng Đông Bắc, được khởi công xây dựng năm 2004 và khánh thành vào năm 2010, với diện tích khoảng 12 héc ta, do cố Hòa thượng Thích Thiện Nguyện xây dựng.

Điểm độc đáo và nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc chùa là bức tượng Phật Quan Thế Âm. Đây là công trình kiến trúc mỹ thuật tâm linh độc đáo, có chiều cao 67m với đường kính tòa sen 35m, được xem là tượng Phật cao nhất Việt Nam. Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, trên mão tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”.

Thêm vào đó, chùa còn gắn với địa danh bán đảo Sơn Trà – là nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông và gắn liền với một câu chuyện huyền bí. Tương truyền, vào thời vua Minh Mạng, dân chài ven biển nơi đây đã phát hiện một tượng Phật trên bãi cát bằng, lập am thờ tự, kể từ đó sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn, từ đó nơi đây có tên gọi là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian. Về lễ nghi, hằng năm chùa đều tổ chức những ngày lễ tế lớn như lễ vía Phật Đản sanh, lễ vía Quan Thế âm; lễ Vu Lan báo hiếu, lễ vía Đức Phật thành đạo, riêng ngày 19 âm lịch hằng tháng chùa đều tổ chức khóa tu một ngày cho Phật tử… Hiện nay, Đại đức Thích Chúc Trí được cử làm tri sự chùa.

Có thể nói, chùa Linh Ứng – Bãi Bụt hiện được xem là ngôi chùa lớn nhất tại TP. Đà Nẵng cả về quy mô cũng như kiến trúc nghệ thuật. Ngôi chùa mang một phong cách hiện đại kết hợp với tính truyền thống vốn có của chùa chiền Việt Nam, với mái ngói uốn cong có hình rồng, những trụ cột vững chắc được bao quanh bởi những con rồng uốn lượn rất tinh xảo. Toàn khuôn viên của chùa rộng khoảng 12 hecta, chùa không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam mà còn mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Đà Nẵng và khách du lịch thập phương.

Trong những năm qua, chùa Linh Ứng Bãi Bụt đã trở thành địa điểm thu hút du khách trong ngoài nước đến thăm viếng và đã được công nhận là điểm du lịch địa phương trên địa bàn TP. Đà Nẵng tại Quyết định số 3023/QĐ-UBND, ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng. Theo đó, tên điểm du lịch là Điểm du lịch chùa Linh Ứng – Bán đảo Sơn Trà, tên tiếng Anh là Tourist Site Linh Ung Pagoda – Son Tra.

Đặc biệt, tính đến ngày 28/5/2019, trong số 58 bức ảnh du lịch đẹp nhất năm 2019, có bức ảnh chụp tượng Phật Quán Thế Âm hiện đang tọa lạc tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, đã được các biên tập viên của kênh CNN bình chọn là ảnh du lịch đẹp nhất nửa đầu năm 2019.

Hằng năm có nhiều đoàn khách quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến hoạt động giao lưu tại TP. Đà Nẵng ghé thăm nơi đây…Ngoài ra, theo thống kê của Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các Bãi biển du lịch Đà Nẵng, riêng tại chùa Linh ứng – Bãi Bụt Sơn Trà vào các ngày trong dịp lễ tết Nguyên đán hằng năm trung bình có khoảng 15.000 người/ngày đến viếng, tham quan.

Như vậy, tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt (TP. Đà Nẵng) tương đối lớn, điều này không chỉ thể hiện ở việc nơi đây chính là một địa điểm du lịch nổi tiếng của TP. Đà Nẵng có nhiều khách du lịch đến tham quan, một điểm đến không thể bỏ qua của bất kỳ ai khi tới Đà Nẵng; là nơi có những dấu ấn riêng với nhiều quan cảnh đẹp, kiến trúc độc đáo, không gian bình yên; bên cạnh đó, nơi đây còn gắn với ưu thế vị trí địa lý của Đà Nẵng vốn là nơi có nhiều thuận lợi và tiềm năng về phát triển du lịch.

NHỮNG ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP

Để góp phần vào việc nâng cao hiệu quả khai thác các tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt (TP. Đà Nẵng). Trước hết, cần có sự thay đổi, nâng cao về mặt nhận thức, tư duy trong việc khai thác các tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt nói riêng cũng như tại TP. Đà Nẵng hiện nay nói chung, trong đó chú trọng đến việc khai thác toàn diện các tiềm năng hiện có, không đơn thuần dừng lại ở việc khai thác những mặt nổi; đồng thời không chỉ tập trung khai thác vào một thời điểm hay mùa vụ nhất định mà có thể nghiên cứu khai thác quanh năm.

Tiếp theo cần chú trọng vào việc khai thác các hoạt động du lịch tâm linh mang tính cộng đồng trong Phật giáo như mời du khách tham gia các khóa tu, nghe thuyết giảng Phật Pháp tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt; thực hành các nghi thức thiền định, khám phá ẩm thực chay của Phật giáo tại chùa… từ đó giúp du khách có những trải nghiệm mới, nhất là trong việc khám phá nội tâm tinh thần của bản thân mỗi du khách.

Thêm vào đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tại khu du lịch Bãi Bụt – Sơn Trà, nhất là trong việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên xung quanh khu vực chùa Linh Ứng Bãi Bụt, tăng cường khai thác các dịch vụ, tu bổ và nâng cấp, bảo vệ cảnh quan, công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách tham quan du lịch tại chùa, kịp thời phát hiện, xử lý các hoạt động trái mục đích, hoặc các hành vi vi phạm pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông của các phương tiện vận chuyển khách du lịch, đồng thời đảm bảo giữ gìn sự tôn nghiêm và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế… trong việc khai thác các tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại TP Đà Nẵng nói chung và tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt nói riêng. Bên cạnh đó, trong địa bàn thành phố, nên có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở Phật giáo có giá trị về mặt du lịch, từ đó hình thành các tour du lịch Phật giáo nội thành liên hoàn, hấp dẫn.

Cuối cùng, cần nghiên cứu thiết kế, xây dựng các khu vực ở lại qua đêm cho du khách có nhu cầu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang dấu ấn tâm linh Phật giáo của chùa Linh Ứng Bãi Bụt, phấn đấu tạo dựng nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia gắn với các sự kiện Phật giáo lớn của đất nước và TP. Đà Nẵng.

Th.S Đinh Đức Hiền (Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng)

Tài liệu tham khảo:

1. Thạch Phương – Nguyễn Đình An (Chủ biên): Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
2. Thích Như Tịnh, Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008.
3. Nhiều tác giả, Những gương sống tốt đời đẹp đạo, Nxb Tôn giáo, 2001.
4. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 5, 2020.
5. Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa, số 205, tháng 7/2019.
6. Http://www.baodanang.vn, Cổng thông tin của Báo Đà Nẵng điện tử.
7. Http://tourism.danang.gov.vn, Cổng thông tin của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng.
8. Https://danang.gov.vn Cổng thông tin của UBND thành phố Đà Nẵng.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB