Tháng tư lại về, những lễ kỷ niệm liên quan đến sự kiện về cuộc đời Đức Phật không chỉ diễn ra ở đất Việt mà khắp năm châu. Mỗi một truyền thống lại có một cách thức tổ chức kỷ niệm khác nhau, và kỷ niệm cho các sự kiện khác nhau về cuộc đời đức Phật.
Theo truyền thống Nam truyền, Vesākha là ngày lễ Tam hợp (kỷ niệm ba sự kiện Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn của đức Phật). Theo Phật giáo Tây Tạng, vào ngày lễ Saga-Dawa Duchen (ngày Phật giác ngộ và Niết bàn), các nhà sư Tạng phải tụng lại toàn bộ Kangyur (tập hợp những lời Phật dạy gồm: 75% kinh Đại thừa, 25% kinh Nguyên thủy và các thần chú). Với các quốc gia theo truyền thống Bắc truyền, ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch (Trung hoa âm lịch) được lấy làm ngày kỷ niệm Phật Đản sanh. Riêng Nhật Bản, sau thời Minh Trị Duy Tân, lễ kỷ niệm này chuyển sang ngày 8 tháng 4 dương lịch và thường gắn liền với lễ hội hoa Anh đào. Đó là những dị biệt của các quốc gia và truyền thống Phật giáo trên thế giới kỷ niệm những sự kiện trong cuộc đời đức Phật. Với Phật giáo Việt Nam, như các quốc gia theo truyền thống Bắc truyền khác, vào ngày mồng 8 tháng 4 lễ kỷ niệm sự kiện đản sanh thường tổ chức tắm Phật. Vậy quan niệm đầu tiên của người Việt về ngày Phật đản sanh như thế nào, lễ tắm Phật đầu tiên được sử gia ghi nhận là khi nào?
Quan niệm đản sanh theo ‘Lĩnh Nam Chích Quái’
Truyện cổ xưa nhất của nước ta ghi nhận ngày đản sanh là ‘Lĩnh Nam Chích Quái’, sách này có viết như sau: “Ngày mồng tám tháng tư âm lịch, Man Nương tự nhiên thác hóa, nhân dân lấy ngày đó làm ngày sinh của Phật”[1].
Truyền thuyết Man Nương gắn liền với sự tích du nhập Phật giáo, bà mang thai con Phật theo như lời thiền sư Khâu-đà-la, do vậy bà được xem Phật Mẫu của nước Việt và hiện nay điện thờ bà được đặt tại chùa Phúc Nghiêm (chùa Tổ). Bởi vì, một là bà đã dùng gậy tích trượng của Khâu-đà-la tặng để giúp người dân giải hạn hán. Hai, bà là mẹ của bốn chị em ‘Mây, Mưa, Sấm, Chớp’ đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp; bốn vị nữ thần: Pháp Vân – Pháp Vũ – Pháp Lôi – Pháp Điện được thờ tại Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng. Vì vậy, Man Nương có vị trí vô cùng quan trọng trong xã hội đương thời, từ đó đã giải thích được tại sao nhân dân lấy ngày bà thác hóa làm ngày sinh của Phật.
Cũng từ cách nhân gian lý giải nguồn gốc ngày đản sanh của Phật, có thể nhận thấy Phật giáo có mặt ở nước ta rất sớm, ngày lễ đản sanh đã là ngày hội sinh hoạt cộng đồng, có tính chất phổ biến, là ngày vui để mọi người đến chùa ca hát dâng cúng và nguyện cầu. Ngoài ra, khi ‘ngày hội Đản sanh’ trở thành một hiện tượng trong nhân gian, thì điều cần yếu là phải tiến hành lý giải sự kiện, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Phật giáo với đời sống thường nhật của nhân dân. Do vậy, những yếu tố huyền bí gắn liền với Phật giáo được góp mặt trong các điển tích văn học. Sự kiện Man Nương thác hóa mang tính thần kỳ nhưng chứa đựng thâm ý sâu xa của dân tộc Việt, đó là mong muốn ‘bản địa hóa Phật giáo’. Từ sự kiện này nói lên ý muốn của ông cha ta là cần có một Phật giáo Việt Nam bằng cách hiểu và lý giải có gốc rễ Việt. Vì để thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc và làm gốc rễ tinh thần cho dân tộc Việt, khát vọng chống lại một tinh thần Nho – Lão của Trung Quốc, hay ngay cả muốn lập một sự khác biệt với Phật giáo Trung Quốc. Ước nguyện một Phật giáo Việt Nam tự chủ là điều không mới, mà ta có thể thấy được qua việc lý giải sự kiện đản sanh của tiền nhân trong ‘Lĩnh Nam Chích Quái’.
Qua câu chuyện trong ‘Lĩnh Nam Chích Quái’, ta có thể nhìn nhận dưới ba góc độ. Một là tính phổ biến của Phật học trong nhân gian. Hai là giải thích Phật học bằng các điển tích của dân Việt. Ba là mong muốn ‘bản địa hóa Phật giáo’, một Phật giáo Việt Nam thể hiện rõ bản sắc dân tộc Việt. Qua đó, đã phản ánh được tình hình Phật giáo Việt ở thuở ban sơ, tư liệu và văn bản về Phật pháp còn nhiều hạn chế.
Lễ tắm Phật đầu tiên trong Đại Việt Sử Ký
Theo dòng sử liệu, tìm thấy trong ‘Đại Việt Sử Ký toàn thư’ ghi nhận vị trí của Phật giáo ở thời Đinh, với việc quy định các chức sắc đứng đầu quản lý Phật giáo nằm trong bộ máy nhà nước[2]. Đến thời Lý, vua Lý Thái Tổ (974-1028) dựng chùa xây tháp nhiều ở trong và ngoài thành Thăng Long[3] và còn tổ chức xuất gia cùng đúc chuông[4], đặc biệt là 1018 thì sai sứ qua nhà Tống thỉnh Tam tạng[5] và xuống chiếu chép Tam tạng kinh điển vào năm 1023[6] và năm 1927[7]. Lý Thái Tông (1000-1054) cũng mộ Phật, ông còn thờ cúng xá lợi của hai vị cao tăng Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm[8], được nhà Tống tặng Đại tạng[9] và sau đó chép kinh Tam tạng năm 1036[10]. Trên là những sự quan tâm của các vua quan đến Phật giáo, nhất là sự chú trọng đến Tam tạng kinh. Lý Thánh Tông (1023-1072) là vị vua kính Phật, có tấm lòng của vị Đại sĩ, xây chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ, Sùng Khánh Báo Thiên[11].
Vấn đề lễ hội tắm Phật được sách chép về vua Lý Nhân Tông (1066-1127), người lúc đó mới 7 tuổi đã tham dự lễ tắm Phật lần đầu tiên năm 1072: “mùa hạ, tháng 4, ngày mùa 8, vua xem lễ tắm Phật”[12]. Do đó, vua mở đầu cho lễ tắm Phật phải là vua Lý Nhân Tông, nhưng lúc đó vua còn quá nhỏ chưa hiểu biết, có thể là ý của Dương Thái Hậu và Thái sư Lý Đạo Thành[13]. Có lẽ thầy Nhất Hạnh bị nhầm lẫn hoặc giả sử dụng một nguồn tài liệu nào khác khi cho rằng: “Vua Lý Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên đã làm cho lễ Phật Ðản trở thành quốc lễ lớn. Lễ tắm Phật bằng nước Ngũ Vị Hương được cử hành sáng ngày mồng một tháng tư tại chùa Diên Hựu”[14]. Bởi vì, theo ‘Đại Việt Sử Ký toàn thư’, vua Lý Thánh Tông đã băng hà vào trong khoảng cuối tháng 12 năm 1071 hay đầu tháng 1 năm 1072[15], nhưng lễ tắm Phật đầu tiên được ghi nhận là vào ngày mồng 8 tháng 4 năm 1072. Do đó, có thể nói, Lý Thánh Tông là vị vua đặt nền tảng ban đầu và xây dựng cơ sở tư tưởng của lễ tắm Phật. Nhưng Lý Nhân Tông mới là người đầu tiên làm cho lễ tắm Phật trở thành lễ hội của quốc gia. Đặc biệt là khi trưởng thành, Lý Nhân Tông thường tham gia các buổi pháp sự, “hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một, mùa hạ, ngày mồng tám tháng tư, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường”[16]. Do vậy, vua Lý Nhân Tông đã là vị vua đầu tiên làm cho lễ tắm Phật trở thành quốc lễ ở nước Việt.
Sự quan tâm của giai tầng chính trị thời Lý đến Phật giáo cho thấy tính phổ biến và giá trị nối kết dân tộc của lễ hội Phật giáo, từ tầng lớp chính trị đến nhân dân đều tham dự. Lễ hội tắm Phật là ngày hội của đất nước, thể hiện nét văn hóa Việt và của cộng đồng người Việt. Hãy xem Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ghi nhận: “Qua các triều đại, nhà vua thường đến chùa lễ Phật, tổ chức lễ hội kỳ quốc thái dân an và dâng nước thơm tắm Phật vào những ngày sóc vọng”. Các vua nhà Lý thì quan tâm đến Phật giáo, tham dự các lễ hội, trong đó lễ tắm Phật được ghi nhận như một điểm đặc sắc trong văn hóa và nghi lễ Phật giáo thời Lý.
Lịch sử dân tộc gắn liền với Phật giáo, lễ hội Phật giáo là một phần của lễ hội dân tộc, văn hóa Phật giáo là bộ phận của văn hóa dân tộc, tư tưởng Phật giáo là tư tưởng dân tộc. Điều này biểu hiện qua lễ tắm Phật là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt. Lễ tắm Phật là ngày lễ của toàn dân, là cột mốc gắn liền với đời sống nông nghiệp. Ngoài ra, lễ tắm Phật còn đánh dấu báo hiệu một vụ mùa, bởi dân gian có câu: “Mồng tám tắm Bụt không mưa, bỏ cả cày bừa vất cả lúa đi”. Hơn nữa, trong An Nam Chí Lược được Lê Tắc viết vào thế kỷ 14, đã ghi nhận việc dùng hương liệu để làm nước thơm tắm Phật trong phần phong tục[17], điều này cho thấy vị trí quan trọng của lễ tắm Phật trong dòng chảy của văn hóa nước Việt. Tắm Phật đã trở thành một phong tục phổ biến trong nhân gian của người Việt, bắt nguồn từ thời Lý và được Lê Tắc ghi nhận ở đời Trần. Qua đó, có thể nói rằng: Phật giáo đời Trần ở đỉnh cao là sự kế thừa hai điều kiện quan trọng nhất, đó là sự hoàn thiện tổ chức quản lý Tăng sự từ thời Đinh và tư tưởng Phật học từ đời Lý. Vậy nên, lễ tắm Phật đã là ngày hội của quốc gia từ thời Lý, được nhà Trần tiếp tục kế thừa và phát triển.
Vì ý nghĩa cao quý của nó, tắm Phật là cơ hội để gội rửa tâm mình, gột sạch trần cấu để đạt thanh tịnh, trang nghiêm tự thân và tâm. Một dân tộc mong muốn làm mới mình, mong muốn sự phát triển và sống trong tinh thần đạo đức nhân văn, đây gọi là ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’. Tinh thần nhân văn, giá trị đạo đức là nhịp cầu giữa nhân dân và chính quyền dân tộc Việt chọn Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần. Đó là ý nghĩa cao nhất của lễ tắm Phật, nhắc nhở sự tự thanh tịnh thân tâm, cải hóa thân tâm. Bởi, tâm tịnh là mảnh đất Phật tâm thanh tịnh, để mỗi ngày mỗi người đều có thể ‘tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh’. Đó là nguyện cầu của người khi dâng nước thơm tắm Phật. Ôn cố tri tân, người người đều mong nếp sống tốt đẹp của dân tộc luôn bền vững và hưng thịnh. Phật giáo sẽ luôn mãi là chất liệu nối kết tinh thần của một dân tộc, như ngàn xưa dân tộc và Phật giáo là một.
Tóm lại, có thể nói, với các dữ kiện lịch sử được ghi chép trong thư tịch, từ thời Lý lễ Tắm Phật đã là ngày hội lớn cho toàn dân. Lý Nhân Tông là vị vua đầu tiên biến lễ tắm Phật trở thành quốc lễ, đánh dấu bằng sự kiện vua đã tham gia lễ tắm Phật vào ngày mồng 8 tháng 4 năm 1072. Lễ tắm Phật là sản phẩm hoàn thiện của điều từ thuở ban sơ, người Việt hiểu đản sanh như là ngày mồng 8 tháng 4, ngày ‘Phật Mẫu Man Nương’ thác hóa, đã được ghi nhận trong ‘Lĩnh Nam Chích Quái’.
Dharamsala, rằm tháng tư, 2018.
Đức Quang
[1] Lê Mạnh Thát, 1999, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, t.1, tr.144.
[2] “Tăng thống, Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục” Xem Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên v.v…, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, (Bản điện tử 2001 bởi Lê Bắc) Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.59.
[3] “Lại ở trong thành làm chùa ngự Hưng Thiên và tinh lâu Ngũ Phượng. Ngoài thành về phía nam dựng chùa Thắng Nghiêm.” Và “dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư”. Xem Sđd, tr.81.
[4] “Năm ấy độ dân làm sư. Phát bạc ở kho 1.680 lạng để đúc chuông lớn, treo ở chùa Đại Giáo”. Xem Sđd, tr.82.
[5] “Mùa hạ, tháng 6, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam Tạng”. Xem Sđd, tr.85.
[6] “Quý Hợi, năm thứ 14, Mùa thu, tháng 9, xuống chiếu chép kinh Tam tạng để ở kho Đại Hưng, đổi trấn Triều Dương làm châu Vĩnh An”. Xem Sđd, tr.86.
[7] “Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu chép kinh Tam tạng”. Xem Sđd, tr.86.
[8] “Bấy giờ hai nhà sư là Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm thiêu mình cháy kết thành thất bảo. Vua xuống chiếu đem thất bảo ấy giữ ở chùa Trường Thánh để hương đèn thờ cúng”. Xem Sđd, tr.93.
[9] “Sai Viên ngoại lang là Hà Thụ, Đỗ Khoan đem biếu nhà Tống hai con voi thuần. Nhà Tống lấy kinh Đại tạng để tạ”. Xem Sđd, tr.93.
[11] “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt.” “Làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn. Vua thân làm bài minh.” “Mùa đông, tháng 12, làm hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ. Đúc hai pho tượng Phạn Vương và Đế Thích bằng vàng để phụng thờ.” Xem Sđd, tr.105.
[13] “Tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, buông rem cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc”. Xem Sđd, tr.109.
[14] Xem ‘chương hai: sinh hoạt của tăng đồ và cư sĩ’ của Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb.văn học, Hà Nội, t.2, tr.353.
[15] “Nhâm Tý, [Thần Vũ] năm thứ 4 [1072], (Từ tháng giêng về sau là Nhân Tông, Thái Ninh năm thứ 1; Tống Hy Ninh năm thứ 5)”. Xem Sđd, tr.108.
[17] “Ngày mùng tám tháng tư, mài trầm hương và bạch-trầm-hương, dầm nước tắm rửa tượng Phật và dùng các thứ bánh giầy mà cúng Phật”. Xem Lê Tắc, 1961, An Nam Chí Lược, (Bản điện tử) Nxb. Thuận hóa, Huế, tr.16.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB