Cảm niệm ân sư – Nhân lễ Đại tường cố HT.Thích Thiện Tánh

735

CẢM NIỆM ÂN SƯ

Nhân lễ Đại tường cố HT.Thích Thiện Tánh, nguyên Ủy viên Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Chánh đại diện Phật giáo huyện Thăng Bình, Chứng minh Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thăng Bình, Viện chủ chùa Giác Nguyên (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)

“Trăng Lăng Già ngã bóng, núi Linh Sơn ẩn khuất một ảnh thiền,

Thầy đi dép cỏ còn in, Giác Nguyên cô tịch đức Thầy âm vang.”

Thời gian thấm thoắt trôi đi, nhớ lại hai năm về trước, giờ phút định mệnh này, chùa Giác Nguyên chúng con, gạt nước mắt sầu bi tiễn biệt người Thầy kính quý về cõi Phật, Thầy đi trong sự kính thương vô vàn của môn đồ pháp quyến, thế quyến, của huynh đệ đồng môn pháp lữ và của hàng ngàn trái tim đạo hữu Phật tử đạo tâm xa gần.

Nhân lễ Đại tường của cố Hòa thượng Tôn sư thượng Thiện hạ Tánh (14-5-Mậu Tuất), trước Giác linh đài khói hương nghi ngút, đèn Bát Nhã lung linh, hàng đệ tử xuất gia và tại gia chúng con, xin đốt nén tâm hương với lòng thành kính, nước Bát đức trắng trong, hoa giải thoát thơm tho, kính dâng lên cúng dường Giác linh Hòa thượng, thể hiện lòng tri ân chân thành nhất, đối với bậc Tôn sư suốt một đời dày công giáo dưỡng chúng con nên người, đóng góp rất nhiều công đức cho sự phát triển của đạo pháp và dân tộc…

Kính bạch Giác linh Thầy!

Nhớ Giác Linh xưa! ký tích trần gian, làng Cẩm Phô, phố cổ Hội An nơi chôn nhau cắt rốn, cụ ông thân sinh Huỳnh Viết Liễn; cụ bà nhũ mẫu Nguyễn Thị Mỹ, se duyên kết nụ, kế thế tông đường, 8 người con trai gái chào đời, gia đình ấm êm thuận hòa. Tiếp nối truyền thống cha ông, lấy Phật Pháp làm định hướng vun bồi đạo hạnh, giáo dưỡng các con nên người. Hòa thượng người con thứ năm, trong một gia đình thuần nông mẫu mực, sớm được ươm mầm bồ-đề, túc duyên sẵn có, thường xuyên theo gót chân phụ mẫu đến chùa lễ Phật từ thuở còn thơ ấu.

Thế rồi! vào những năm cuối thập niên 1940, thời thế đất nước chiến tranh loạn lạc, đời sống bất an, vật chất nghèo nàn, gia đình di cư vào Trường Xuân, phủ lỵ Tam Kỳ sinh sống. Lúc bấy giờ Hòa thượng đã đến tuổi trung niên, Người vốn dĩ túc căn thâm tín Phật Pháp nhiều đời, tiếp tục tham gia Hội viên Hội Phật học tại chùa Đại An, xã Tam Thái, phủ lỵ Tam Kỳ (nay là xã Tam Đại huyện Phú Ninh). Từ đó, chủng tánh bồ-đề phất rễ xanh cành, Ngài phát chí nguyện xuất gia học đạo, được cố Hòa thượng thượng Từ hạ Ý (trú trì chùa Hòa An, phủ lỵ Tam Kỳ) thâu nhận làm pháp tử.

Dòng thiền Lâm Tế, chốn Hòa An tổ đình, một thời vang danh, bậc trưởng thượng bổn sư đầu đà, cao niên đạo hạnh. Nương đức ấy, vun bồi đạo nghiệp, căn tánh thuần hòa, Thầy tổ rủ lòng thương. Chùa Ấn Quang, Sài Thành đắc Sa-di giới 1968, bốn năm kinh luật trao dồi, trí tuệ khai thông, chùa Phật Ân, Mỹ Tho thành phố, tuyển Phật trường Đại Giới Đàn, đắc Cụ túc giới 1972. Giới thân huệ mạng chu toàn, về chốn tổ Hòa An nương Thầy tùng chúng tu học.

Rồi từ đó, phước đức đủ đầy, dòng Thích tử đâu từ gian khó, chí trượng phu phát túc siêu phương, chùa Giác Nguyên, Thăng Bình huyện, nơi đất lành chim đậu, hoằng hóa lợi sanh. Hơn 40 năm tọa chủ, điều hành Phật sự, biết bao nhọc nhằn gian khó, Thầy không từ nan, bằng mọi cách nhiều lần trùng tu Phật điện, cải tạo thiền đường để có nơi tiếp Tăng độ chúng và trang nghiêm cho tín đồ tu học, lễ Phật.

Không chỉ thế, Ngài còn nhận chân được trách nhiệm hoằng pháp độ sanh là sứ mệnh cao cả, Thầy thường xuyên tổ chức nhiều khóa tu bát quan trai, giáo giới Bồ-tát, Thập thiện hằng tháng cho hàng Phật tử tại gia, tổ chức nhiều đợt quy y, truyền Tam quy Ngũ giới cho thiện tín có niềm tin Tam Bảo. Ngài còn nhiệt tâm tham gia nhiều công tác Phật sự của Giáo hội huyện nhà, kinh qua các nhiệm kỳ, Ủy viên Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Chánh đại diện Phật giáo huyện Thăng Bình, rồi tiếp tục Chứng minh Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thăng Bình, Viện chủ chùa Giác Nguyên (thị trấn Hà Lam). Đức khiêm từ bủa khắp, lòng bi dung trải rộng, xứng bậc thiền lâm thạch trụ, nhiếp hóa, độ mê tình một thuở còn âm vang.

Từ độ trung niên đến lúc tuổi già, hạnh nguyện luôn giữ, nhị thời công phu cẩn mật, tùy duyên hoằng hóa, đem đạo vào đời bằng nghi lễ thiền môn, gậy trúc, ô dù, làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng có hình bóng Thầy. Hành giới luật trang nghiêm mật hạnh, thả thuyền từ xuôi ngược khắp bốn phương. Trải qua chín mươi lăm xuân thu trụ thế, tứ thập ngũ niên hạ lạp, phụng đạo giúp đời, giữa chốn hồng trần thị phi danh lợi, hình bóng hiền từ của Thầy lặng lẽ đi vào tâm khảm biết bao người con Phật.

Kính bạch Giác linh Thầy!

Dẫu biết rằng: “Sanh tử sự đại, vô thường lão bệnh, bất dữ nhân kỳ, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế…” con người sinh ra và lớn lên, rồi ai cũng một lần ra đi vĩnh viễn, đó là quy luật ngàn thu không đổi, nhưng sự ra đi của Thầy là nổi mất mát vô cùng lớn lao đối với chúng con.

Nhớ lại lúc sanh tiền, trong những năm tuổi già sức yếu, một mình cô quạnh nơi chốn Già lam, chúng con huynh đệ 6 người cũng chỉ lo tiến thân trên con đường học đạo, tìm cầu tri thức. Rồi một ngày lớn lên, con mới chợt thấu hiểu, Thầy thương chúng con biết dường nào. Mặc dầu chùa lớn, ít người, Thầy vẫn vui lòng sống một mình, sớm tối kệ kinh, cần lao chấp tác, để chúng con được cắp sách đến trường.

Ngoài những đệ tử được Thầy trực tiếp thế phát xuất gia, còn có biết bao Tăng Ni được Thầy nhận làm y chỉ hoặc cũng có người thọ năm giới với Thầy, rồi tâm lành nẫy nở, phát tâm xuất gia ở các chùa trong và ngoài huyện.

Ngày Thầy viên tịch, cũng như ngày nay, chúng con đồng lòng hội tụ về đây để được quỳ dưới chân dung từ hòa của Thầy, thầm nói với lòng mình câu cảm niệm ân đức Thầy sâu sắc nhất.

Thầy ơi! lời nào đây nói lên cho tận, bút mực nào diễn tả cho cùng, với đức hạnh hiền hòa, bao dung độ lượng, đời sống vô cùng mộc mạc giản dị, canh rau, tương chao đạm bạc qua ngày, là cả một bài pháp không lời cho chúng con học suốt đời không hết. Những ngày Thầy nằm trên giường bệnh, chịu biết bao nỗi đau từng cơn quằn quại, thương Thầy lắm nhưng chúng con chẳng làm được gì ngoài việc thăm viếng trông nom và lo thuốc thang theo sự chỉ dẫn tận tình của nhiều lương y bác sĩ.

Than ôi! rồi ngày cuối cùng cũng đã đến, Thầy xuôi thuyền nhắm mắt về Tây, trong cái nắng oi bức của mùa hạ miền trung, lòng chúng con vô cùng hối tiếc.

“Giác Nguyên Thiền Trượng ngã rồi.

Ngàn năm muôn thuở biết tìm nơi đâu.

Con nguyền khắc dạ ân sâu.

Tình Thầy vạn kiếp mãi câu ơn thầy”.

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, tứ thập tứ thế, Giác Nguyên tự Viện chủ, húy thượng Nguyên hạ Trí, tự Thiện Tánh, hiệu Quang Minh, Hòa thượng Giác linh, mật thùy chứng giám.

Giác Nguyên, ngày 14 tháng 5 năm Mậu Tuất (2018)

Kính cẩn!

Pháp tử Quảng Huệ

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB