Ảnh hưởng của một số lĩnh vực đời sống xã hội đến sự phát triển Phật giáo thời Lý Trần

3625

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Từ đó đến nay, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Phật giáo đạt tới cực thịnh dưới thời Lý, Trần. Kinh tế, chính trị, văn hóa thời Lý, Trần tạo nhiều thuận lợi cho Phật giáo phát triển.

1. Chính trị với Phật giáo
Hai triều đại Lý, Trần tồn tại gần bốn trăm năm từ năm 1009 đến năm 1400. Các vua của hai triều đại này đều tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Phật giáo.
Nhiều vị vua, quan, quý tộc Lý, Trần rất sùng đạo Phật, từ họ, Phật giáo ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội. Có những ông vua là Thiền sư, có vị xuất gia, có vị không xuất gia. Phật giáo Đại Việt phát triển nhất dưới thời các vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông. Lý Thái Tông là một vị Tổ thuộc thế hệ thứ 7 phái Thiền Vô Ngôn Thông. Vua Lý Thánh Tông là Tổ thứ hai Thiền phái Thảo Đường. Vua Trần Thái Tông là người đã có nhiều đóng góp cho lý luận Thiền học. Ông luôn tìm cách để dẫn dắt mọi người tu Phật. Trần Nhân Tông, vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là người có công xây dựng Giáo hội Phật giáo thống nhất trong cả nước. Ông tu ở Yên Tử và đi nhiều nơi để giảng đạo. Vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm được Trần Nhân Tông kèm cặp, rèn dạy. Buổi lễ trao truyền pháp y cho Ngài Pháp Loa diễn ra một cách trọng thể trước sự chứng kiến của vua Anh Tông, các quan lại và đông đảo tăng chúng. Tư tưởng  và hành động sùng đạo của các vị lãnh đạo đất nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách phát triển Phật giáo, ảnh hưởng đến giải quyết các vấn đề xã hội, đến đạo đức xã hội.

 

Các vua Lý, Trần đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho Phật giáo truyền giáo và thuyết giáo tại nhiều địa phương trong cả nước. Mới lên ngôi được hai năm, Lý Thái Tổ đã cấp độ điệp cho nhân dân làm sư sãi (năm 1011). Độ điệp là chứng thư của chính quyền dùng làm thông hành cho tăng sĩ. Có độ điệp thì đi đến chùa nào của môn phái cũng được tiếp đón và nghỉ chân. “Năm 1014, tăng thống Thẩm Văn Uyển xin lập giới trường ở chùa Vạn Thọ trong thành Thăng Long để làm cho tăng đồ thụ giới. Năm 1016, vua chọn hơn nghìn người ở kinh đô để làm tăng và đạo sĩ. Năm 1019, lại độ dân làm tăng. Đến năm 1134, Thần Tông lại độ dân làm tăng một lần nữa. Thời Trần, quy định ba năm độ tăng một lần, sư Pháp Loa phụ trách việc này. Pháp Loa đã độ đến vạn rưỡi tăng ni” .
Chính quyền phong kiến Lý Trần còn tạo điều kiện cho phát triển kinh kệ, kinh điển, Phật pháp… Việc xin kinh Tam Tạng từ Trung Quốc, xây dựng các chùa lớn, làm nhà chứa kinh … được sự ủng hộ và chu cấp của nhà nước phong kiến. Năm 1295, triều đình cho khắc in kinh Đại Tạng. Kinh Phật được dân chúng học tập rộng rãi, nhà nước khuyến khích bằng cách tổ chức thi Tam giáo. Có những năm thi kinh Pháp hoa, Bát nhã. Đây là hai loại kinh Phật rất phổ biến ở Đại Việt lúc đó.
Triều đình, vua, quan, quý tộc nhà Lý, Trần cho xây dựng nhiều chùa, tháp lớn. Khi Lý Công Uẩn vừa lên ngôi đã xuống chiếu phát tiền cho thuê thợ làm chùa, dựng bia, tạc tượng rất nhiều nơi, đến mức độ Lê Văn Hưu phải phàn nàn: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, Tôn miếu chưa dựng, Xã Tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa chữa chùa quán ở các lộ, và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng, thế thì tiêu phí của sức dân về việc thổ mộc biết chừng nào mà kể…” .
Rất nhiều lần các vua Lý, Trần xuống chiếu cấp tiền, bạc, thợ, nông nô cho nhà chùa. Nhà vua còn ban lệnh cho tổ chức khánh thành một số chùa lớn, trùng tu chùa…
Đến thời Trần, bộ máy quan lại càng tỏ rõ quyền lực lớn và chi phối mọi mặt của đời sống xã hội. Vì sở hữu sản nghiệp lớn, được Nhà nước công nhận như thái ấp, điền trang, quý tộc nhà Trần mới có điều kiện đóng góp xây dựng chùa chiền hoặc xây dựng riêng cơ sở để thờ Phật ngay chính trong cung, phủ. Sau các ông vua, các phu nhân của quý tộc nhà Trần là những người trực tiếp quyên góp nhiều nhất cho xây dựng chùa chiền và trang trải các hoạt động Phật giáo.
Dưới hai triều đại Lý, Trần, Phật giáo có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Các vua Lý, Trần dùng tư tưởng Phật giáo để an dân, trị nước. Dưới triều đại Lý, Trần, các vua thường phong một vị sư có tài, đức toàn vẹn làm quốc sư – tương đương với tể tướng, tham mưu trực tiếp cho hoàng đế. Nhà nước đặt ra các chức quan trong triều như trương thống, trương lục, quốc sư. Buổi đầu thời Lý, quốc sư trở thành cố vấn chính trị cho vua. Sau đó, quốc sư là thầy về đạo cho cả nước. Nhiều vua Lý, Trần thường sử dụng các nhà sư có tài y thuật, mời họ về kinh để cầu mưa, cầu tạnh; hoặc mời các vị sư học rộng biết nhiều về để thỉnh đạo. Triều đại Lý, Trần trọng dụng Phật giáo bởi trí thức thời kỳ này phần lớn được đào tạo từ nền giáo dục Phật học; bởi Phật giáo có thế giới quan phù hợp với cuộc sống người Việt và bởi từ lâu trong lịch sử dân tộc, dân chúng có niềm tin vào Phật giáo. Tóm lại, Phật giáo có một vị trí không nhỏ trong đời sống chính trị đương thời.
Nhìn chung, những tác động của chính sách triều đình, tư tưởng chính trị, sự mộ đạo của vua quan, quý tộc đối với Phật giáo…là nguyên nhân căn bản tạo nên sự hưng thịnh của Phật giáo Lý Trần.
2. Kinh tế với Phật giáo
Sự biến đổi, phát triển và hưng thịnh của Phật giáo gắn liền với chế độ kinh tế đương thời. Đối với quốc gia phong kiến như Đại Việt thời Lý, Trần có nền kinh tế là nông nghiệp lúa nước thì cơ sở tạo nên chế độ kinh tế đó chính là chế độ sở hữu ruộng đất.
Để có thể sống và tiến hành các nghi lễ tôn giáo thì đội ngũ sư tăng cần phải có những tư liệu sinh hoạt tối thiểu. Như vậy, họ chỉ có thể có được những tư liệu sinh hoạt dựa vào hai nguồn chủ yếu: một là nguồn cung tiến các sản phẩm của nhân dân vào nhà chùa và phần hoa lợi mà nhà chùa nhận được từ sở hữu ruộng đất.
Thời Lý Trần, nhà chùa có rất nhiều ruộng đất. Nguồn cung tiến ruộng đất vào chùa từ nhiều thành phần khác nhau. Về cơ bản, ruộng nhà chùa được hình thành từ các nguồn sau:
– Do nhà nước ban cấp. Bia Đệ nhị đại tổ trùng tu sự tích ký đã ghi các sự kiện: “…Trần Nhân Tông bảo Anh Tông đem 100 mẫu ruộng ở hương Đội Gia cùng canh phu (người này) đổi cho các sư” . Trong sách Tam tổ thực lục viết, vào năm 1310, vua Trần Anh Tông cấp 80 mẫu ruộng cho sư Pháp Loa để nuôi tăng nhân, sau 4 năm thì đòi lại” . Đây là nguồn ruộng chủ yếu của nhà chùa.
– Trích một phần từ ruộng công làng xã. Bia chùa Hương Nghiêm chép: năm 1091, Thái uý Lý Công trùng tu chùa bằng cách “mua ruộng đất, dựng bia đá và chia ruộng cho giáp binh từ trên đi xuống đến đàm A Lôi, chia đàm làm hai phần cho giáp Bối Lý một nửa, cho giáp Viêm Đầm một nửa” . Loại ruộng này vẫn thuộc sở hữu làng xã, nhà chùa chỉ được hưởng hoa lợi mà thôi.
– Do các quan lại, vương hầu, công chúa, nhà giàu cung tiến. Đây là loại ruộng đất từ điền trang, thái ấp, ruộng tư của cá nhân cung tiến cho chùa. Trường hợp cúng ruộng cho chùa nhiều nhất  được ghi lại là vào đời Trần Minh Tông, năm 1324, Tư đồ Văn Huệ vương “cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm và hơn 1000 mẫu điền thổ ở trang Đông Gia và trang An Lưu, cùng hơn 1000 nông nô để làm của riêng thường trú của viện Quỳnh lâm” . Tư liệu như trên cho thấy các vua, quan, vương hầu, công chúa đã cúng khá nhiều ruộng và tiền cho các chùa.
– Do nhà chùa quyên góp được, mua ruộng cho mình. Phần ruộng này không nhiều.
Ruộng chùa không thuộc sở hữu riêng của một vị sư tăng nào, mà sở hữu của một nhóm sư tăng dưới quyền trụ trì chính. Do sư tăng không màng tới lợi lộc, do nguồn cung ruộng đất cho chùa nên sở hữu ruộng đất nhà chùa lỏng lẻo. Nếu có sự tranh chấp, thu hồi thì khó mà giữ nên ruộng chùa không phải tồn tại mãi theo chùa.
Như vậy, thời Lý, Trần, nhà chùa sở hữu một lượng ruộng đất khá lớn. Phải có người làm cho nhà chùa, những người cày cấy trên mảnh ruộng mà nhà chùa sở hữu. Việc có sở hữu ruộng đất của nhà chùa sẽ dẫn đến khả năng đội ngũ sư tăng cũng phải tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài thời gian dành cho Phật, họ còn phải lao động.
Tuy nhiên, sư tăng không phải là lực lượng chính trong sản xuất nông nghiệp. Lực lượng chủ yếu của quá trình sản xuất này trong nhà chùa (đối với những chùa lớn) là tam bảo nô. Tam bảo nô là những người cày ruộng cho chùa. Theo Nguyễn Lang: “người được gọi là tam bảo nô lại có những quyền lợi mà người ngoài không có” . Tam bảo nô thường có một lô đất để cất nhà và canh tác do chùa phát. Họ được pháp luật bảo vệ, không sợ bị chủ điền đàn áp. Vì chủ điền là nhà chùa, nhà chùa lại không có quyền hành trừng phạt nếu họ phạm pháp. “Đây là một sự cộng tác giữa nhà chùa và nhà nước để đảm bảo cho sự sống trong quyền tự do của những người cày ruộng cho chùa.” . Với nhiều điều kiện ưu đãi như vậy nên nhà chùa thu hút được nhiều người “theo ruộng” rồi họ “theo chùa”, “theo Phật”. Từ việc được ban cấp và cung tiến nhiều, có nhiều người tham gia lao động   nên nhà chùa có kinh tế khá mạnh.
Do nhà chùa (đặc biệt là những chùa lớn) có nhiều ruộng và do triều đình trọng Phật giáo nên số người theo đạo rất đông: “Trong thời đại thịnh nhất của Phật giáo Trúc Lâm, khoảng trên 15.000 người đã được thụ giới xuất gia trong các giới đàn do giáo hồi xuất gia trong các giới đàn do giáo hồi Trúc Lâm tổ chức” . “Ngoài ra, số lượng tăng sĩ và tự viện không hề thuộc giáo hội Trúc Lâm cũng là số lượng đáng kể … cố nhiên ta cũng nhận định rằng, có những tăng sĩ vốn không thuộc tăng phái Trúc Lâm nhưng đã gia nhập môn phái này, bởi đây là môn phái duy nhất được triều đình công nhận và ủng hộ” .
Không chỉ sự quan tâm, ưu đãi đặc biệt của triều đình đối với Phật giáo, mà việc dân chúng tín mộ Phật giáo cũng tạo nên sự lớn mạnh về kinh tế của đạo Phật. Đặc biệt, cuối thời Trần, chùa làng được xây dựng rất nhiều. Nguyễn Lang cho biết: “Dân chúng tự động cất chùa, cúng dường ruộng đất cho chùa để cung cấp lương thực cho tăng sĩ. Ta có thể nói rằng phần lớn những ngôi chùa nhỏ dựng lên khắp nơi ở các làng đều là của quần chúng tạo  dựng và nuôi dưỡng, không chính thức được triều đình công nhận và không thuộc môn phái Trúc Lâm”  .

Thời Lý mở đầu cho nền văn minh Đại Việt. Kinh tế xã hội thời Lý, Trần nói chung, thủ công nghiệp nói riêng, có bước phát triển đáng kể so với trước đó. Kỹ thuật thủ công nghiệp góp phần đảm bảo mọi nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội: ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, sinh hoạt… Điều đó tác động đến đời sống Phật giáo, làm cho nghi lễ long trọng và phong phú.

Các nghề mộc, nề, khắc chạm, sơn thếp cũng phát triển đáp ứng cho nhu cầu xây dựng nhiều chùa chiền của nhà nước và nhân dân. Ngoài ra, nước ta lúc đó còn có nghề in giấy, in bản gỗ đã ra đời. Sau khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, nhiều làng nghề làm giấy đã xuất hiện ở kinh thành như làng Yên Thái, Yên Hòa (làng giấy), làng Hồ, làng Nghè (Nghĩa Đô)… Sản phẩm đó phục vụ cho học hành, thi cử và để viết kinh Phật. Năm 1023, 1027, 1036, các vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tôn xuống chiếu viết kinh Đại Tạng cất vào trong kho. Năm 1299, “Cho in các sách Phật giáo pháp sự, Đạo trường tân văn, Công văn cách thức.” . Chính sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp đã tạo điều kiện cho Phật giáo có nhiều công cụ và chất liệu  để biểu đạt nội dung tư tưởng và các giáo lý.

Để có thể xây dựng các công trình có quy mô lớn như cung điện, thành quách, chùa tháp cao 12 tầng… thì cần có trình độ kĩ thuật cao.  Các kỹ thuật trong xây dựng thời Lý Trần ắt phải phát triển thì mới có thể xây dựng được các công trình lớn đó.

Kỹ thuật tráng men càng ngày càng phổ biến. Bấy giờ, men sứ còn được phủ lên cả gạch và ngói. Họa tiết hoa văn trang trí trên mặt gốm cũng tỏ rõ óc thẩm mỹ của thợ thủ công lúc này đã đạt đến trình độ rất tinh tế. Các công trình của Phật giáo như gạch, ngói, cột đá, tượng, bát hương, lư hương… nhờ đó mà giàu tính nghệ thuật.
Trình độ phát triển kỹ thuật cùng với sự phát triển của các ngành thủ công của Đại Việt thời Lý, Trần là điều kiện cho phát triển các thiết chế văn hóa nói chung và các sinh hoạt theo nghi lễ của các tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng. Phật giáo nhờ đó mà có những hoạt động phong phú hơn, hấp dẫn hơn, các công trình kiến trúc và điêu khắc của Phật giáo giàu tính nghệ thuật và mang đậm dấu ấn của một  thời kỳ Phật giáo hưng thịnh.
3. Văn hóa với Phật giáo
Cùng với nền chính trị độc lập nêu cao ý chí tự lực tự cường, nền kinh tế có bước phát triển đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, Đại Việt có một nền văn hoá phát triển tương thích. Văn hoá Đại Việt thời Lý Trần để lại một dấu ấn khá đậm trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc. Như Lê Quý Đôn đã nhận định “Nước Nam ở hai triều Lý Trần nổi tiếng là văn minh.”

Trên tinh thần dân tộc, phát huy yếu tố nội sinh là chủ yếu, văn hóa  Đại Việt thời Lý, Trần có sự giao lưu với các nước trong khu vực. Sự chủ động tiếp thu, cải biến những yếu tố văn hoá Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ của người Việt đã tạo nên sự dung hợp giữa các tín ngưỡng, tôn giáo dưới thời Lý Trần.

Triều đại Lý, Trần thực hiện chính sách khoan dung, hoà hợp giữa các tín ngưỡng và tôn giáo đương thời. Các tôn giáo Phật, Nho, Lão và các tín ngưỡng khác cùng được coi trọng. Từ lâu trong lịch sử dân tộc, Phật, Nho, Lão đã ảnh hưởng lẫn nhau, được xem là hiện tượng tam giáo đồng nguyên. Triều đình nhà Lý, Trần thường tổ chức các cuộc thi Tam giáo gồm Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Việc tổ chức thi Tam giáo vừa tiếp nối sự bao dung của người Việt đối với các tôn giáo vừa thể hiện tư duy mở của các vua Lý, Trần về hệ tư tưởng. Sự khéo léo trong chính sách khoan dung, hòa hợp giữa các tôn giáo, tín ngưỡng của triều Lý, Trần đã không để xảy ra chiến tranh giữa các tôn giáo đương thời.
Chữ Nôm được đưa vào sử dụng đồng thời với chữ Hán tạo nên sự phong phú trong các sáng tác đương thời, đạo Phật cũng nhờ đó mà phát triển giáo lý rộng rãi vào trong nhân dân. Chữ Hán không thoả mãn được nhu cầu quảng đại của quần chúng nhân dân. Chữ Nôm xuất hiện từ trước đó và được dùng khá phổ biến thời Trần. Chữ Nôm ra đời  biểu đạt ngôn ngữ rõ hơn, cụ thể hơn mà dùng chữ Hán thì người Việt không biểu lộ được hết. Chữ Nôm dựa trên những ký tự của chữ Hán, ghi âm tiếng Việt. Cùng với chữ Hán, chữ Nôm đáp ứng rộng rãi hơn nhu cầu của xã hội. Tác phẩm Khoá hư lục của Trần Thái Tông được ít người biết đến bởi sáng tác bằng chữ Hán, sau này Tuệ Tĩnh phải giải nghĩa bộ Kinh này bằng quốc âm để được phổ biến rộng rãi trong tín đồ của đạo Phật. Tác phẩm Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông được viết bằng chữ Nôm nên phổ biến rộng rãi, giúp cho tư tưởng Phật giáo đến gần với quảng đại quần chúng. Sự ra đời và sử dụng phổ biến chữ Nôm thể hiện tinh thần tự chủ của dân tộc Đại Việt.
Thời Lý, Trần có nhiều tác phẩm văn học có giá trị lớn. Các tác phẩm văn học thời kỳ này phản ánh tinh thần dân tộc, phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự cường của một thời được gọi là “hào khí Đông A”. Những tác phẩm tiêu biểu như: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Phú sông Bạch Đằng… với tác giả lớn như: Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trương Hán Siêu… Thời kỳ này cũng để lại nhiều văn bia dài, nhiều bài phú lưu loát đẹp đẽ như: Đông hồ bút, Trảm xà kiếm, Ngọc tỉnh liên, Thiên Hưng trấn…
Ngoài ra, thể loại truyện cũng ra đời như Báo cực truyện, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Nam ông mộng lục.. Hai tác phẩm “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái” hiện nay trở thành tư liệu quý để chúng ta tìm hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo giai đoạn này.
Thời kỳ Lý, Trần có nhiều công trình về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tạo thành một nền nghệ thuật đặc sắc. Các công trình kiến trúc lớn tiêu biểu như: hoàng thành Thăng Long, cung điện ở khu Tức Mặc – Thiên Trường (Nam Định), thành nhà Hồ, thành quách với các khu lăng mộ và phủ đệ. Các công trình kiến trúc của Phật giáo cũng lớn như: tháp Báo Thiên, chùa Quỳnh Lâm, chùa Phật Tích, chùa Phổ Minh, quần thể các chùa ở Yên Tử…
Điêu khắc và đúc tạo hình thời Lý, Trần có các loại tượng, chuông, vạc, các bức phù điêu. Các tác phẩm đó chủ yếu phục vụ cho Phật giáo. Mỹ thuật, ca múa nhạc, các loại nhạc cụ phát triển. Đặc sắc nhất thời Lý là nghệ thuật rối nước, có liên quan đến nhà sư Từ Đạo Hạnh. Các lễ hội thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian. Đặc biệt, chùa chiền thường hay tổ chức các lễ hội. Thậm chí nhiều lễ hội đó mang tính quốc gia, do triều đình tổ chức.
Tóm lại, Phật giáo Lý Trần là giai đoạn phát triển thịnh nhất trong lịch sử giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cơ sở để đạo Phật phát triển như vậy là bởi những điều kiện rất thuân lợi về chính trị – kinh tế – văn hóa. Bên cạnh đó, chính tư tưởng Phật giáo với hệ thống những quan điểm về: tâm, vô ngã, vô thường, nhân – quả, kiếp luân hồi…mang giá trị nhân bản sâu sắc, giúp con người có thể hóa giải những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, dẫn con người đến cuộc sống an lành đã thu hút nhiều người theo đạo. Từ những quan điểm nhân văn đó, Phật giáo đã tạo nên sức hút rộng rãi đến mọi giới. Vì lí do đó mà Phật giáo có thể tồn tại hơn hai nghìn năm ở Việt Nam và ảnh hưởng ngày càng rộng trên khắp thế giới. Tư tưởng Phật giáo lại được các vua Lý Trần tạo điều kiện phát triển rộng rãi trong xã hội nên có thể thấy rằng, từ trước đến nay, không có triều đại nào Phật giáo phát triển hưng thịnh như thời Lý Trần.
Th.s Phạm Thị Hằng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6 năm 2014
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB