Ý nghĩa Phật đản: Trang nghiêm Giáo hội là củng cố ngôi Tăng bảo, duy trì mạng mạch Phật pháp

107

(QCB) – Bài giảng Ý nghĩa Phật đản Phật lịch 2566 – DL.2022 của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.

Trong không khí hân hoan của những ngày đầu hạ Nhâm Dần, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và Thế giới vui mừng chào đón đại lễ Vesak PL.2566 – DL.2022. Nhân kỷ niệm 3 sự kiện lớn: Đản sinh, Thành đạo và Niết-bàn của Đức Thế Tôn, chúng ta ôn lại thánh hạnh của Ngài cùng Tăng đoàn năm xưa để thấy được sự chuyển biến, đổi thay rõ nét của xã hội kể từ khi ánh đạo vàng xuất hiện.

Từ một Hoàng thái tử, Ngài đã rũ bỏ tóc xanh, trả lại vương bào để sống đời thoát tục với tấm cà sa và bình bát hành trì. Điều đó đã làm thức tỉnh giới thượng lưu, những người quyền thế thời bấy giờ về sự lựa chọn giữa lý tưởng và cách sống; giữa địa vị giàu sang cho bản thân hay lợi ích cho nhân loại. Cùng với đó, Ngài đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền văn minh sông Hằng qua việc thành lập Tăng đoàn (Sangha) của những vị khất sĩ áo vàng vân du khắp xứ Ấn, làm thay đổi những quy định khắc nghiệt về phân chia đẳng cấp của xã hội đương thời. Theo Đức Phật, tư cách con người được khẳng định bằng thân, khẩu và ý của chính người ấy, không do truyền thừa từ phả hệ. Tôn giả Vàsettha thuộc dòng dõi Bà la môn, xuất gia theo Phật đã bị chỉ trích: Tại sao đang ở giai cấp do Phạm Thiên sinh ra mà lại đi theo giai cấp thấp? Tôn giả rất ưu tư và đi đến bạch Phật, được Đức Thế Tôn dạy: Con người có mặt trên đời đều do “thai sinh”, không có một Phạm Thiên nào sinh ra. Bất kể là ai dù thuộc dòng dõi Bà la môn, Sát đế lỵ, Phệ xá hay Thủ đà la nếu giữ 5 tịnh giới, hay tu 10 điều thiện thì những vị ấy đáng được tán thán. Những ai phá giới, sống ác hạnh dù ở giai cấp nào cũng sẽ bị chỉ trích. Nếu có ai trong bốn giai cấp này trở thành vị tỳ kheo tu hành tinh tiến, đoạn trừ lậu hoặc, phạm hạnh viên mãn, dứt hết mọi hữu kiết sử, vị ấy được xem là vị tối thượng giữa các loài hữu tình trong đời này. Bậc trí cần có nhận thức như vậy. (Kinh Trường Bộ, phẩm kinh số 27 Khởi thế nhân bổn – Agganna sutta).

Năm tháng trôi qua, ánh đạo vàng đã chiếu sáng khắp năm châu và dẫn dắt nhân loại đi theo chính đạo. Có được vậy là nhờ liệt vị tổ sư theo dấu chân Phật, thực hành giáo pháp, củng cố Tăng đoàn để tiếp nối đạo mạch, làm sáng ngời hình ảnh đấng Đạo Sư trên thế gian này.

Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam xa xưa được hình thành bắt đầu từ những vị xuất gia trong một trú xứ là những ngôi chùa, thiền viện, tịnh xá… dần dần được phát triển thành sơn môn, pháp phái, hệ phái. Cho đến đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, Tăng đoàn được kết nối, định hình bằng một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là sự hòa hợp của 09 tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước lúc đó, theo nguyện vọng chân chính của những người con Phật Việt Nam, sau khi đất nước được thống nhất. Dù mới chỉ thành lập được 4 thập niên nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện được sức sống huyền nhiệm, kế thừa xứng đáng dòng Phật sử suốt gần 26 thế kỷ, với sự truyền thừa hơn 2.000 năm trên quê hương.

Người học Phật với sự thấy biết chân chính và tư duy chân chính, sẽ ý thức rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ trên bình diện là một cơ quan hành chính quản lý Tăng Ni, tự viện mà còn là biểu tượng của Tăng bảo, là đoàn thể hoà hợp chúng lớn mạnh, thực hành hạnh lợi tha với phương châm: “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”. Bản thể của ngôi Tăng bảo được biểu hiện qua ba đặc tính:

1. Hội chúng thanh tịnh: là đoàn thể của những người có lối sống phạm hạnh, sống đời trong sạch không tì vết. Cư sĩ tại gia hay tu sĩ xuất gia đều có những giới luật riêng. Lĩnh thọ giới pháp nào thì vâng giữ giới ấy được gọi là giữ sự thanh tịnh cho đoàn thể. Một người mất phẩm chất, không chỉ khiến người ấy rơi vào sự uế nhiễm, não phiền mà còn làm ảnh hưởng đến cả hội chúng cũng như vậy, như “Con sâu làm rầu nồi canh”. Do vậy, mọi biểu hiện của mỗi cá nhân đều phản ánh tính sinh hoạt của tập thể. Mỗi cá thể là nhân tố quan trọng để định hình tổ chức, mỗi người tịnh hóa thân tâm bằng giới luật chính là góp phần xây dựng Giáo hội vững mạnh.

2. Hội chúng hoà hợp: Hoà là có mặt cho nhau. Hợp là gắn kết với nhau. Hòa và hợp phải luôn đi cùng với nhau trên sáu pháp: hành động, lời nói, quan điểm, kiến giải, giới học và các nhu yếu cuộc sống. Các thánh đệ tử thời Đức Phật được dự vào dòng thánh là nhờ thực tập pháp hoà kính này. Tôn giả A Na Luật (Anurudha) – biểu tượng của tinh thần hoà hợp, thanh tịnh – đã trình bạch lên đức Thế Tôn niềm hạnh phúc có được nhờ sống nếp sống hoà hợp: “Bạch Thế Tôn, chúng con thường cùng hòa hợp an ổn, không tranh cãi nhau, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hòa hợp với nhau như nước với sữa, chứng đắc pháp Thượng nhân mà có an lạc. Bạch Thế Tôn, chúng con ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. (Kinh Trung A Hàm 1, phẩm Kinh Ngưu Giác Sa La Lâm số 185)

3. Hội chúng bình đẳng: Dù là ai, xuất thân từ thành phần xã hội nào, khi dự vào Tăng đoàn đều được xem là bình đẳng như nhau. Đoàn thể bình đẳng sẽ không phân biệt thành phần, địa vị xã hội, chủng tộc, giai cấp, giới tính… một khi đứng vào hàng ngũ Tăng đoàn thì tất cả đều được đối xử bình đẳng; lấy giới phẩm (Tỷ-khiêu, Tỷ-khiêu-ni, Sa-di, Sa-di-ni) theo giới luật làm y cứ và lấy giáo phẩm (Hoà thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư)theo giáo định để xác lập trên dưới. Tăng đoàn cũng không phân biệt là Nam tông (Theravada), hay Bắc tông (Mahayana)… tất cả đều là thành viên trung kiên của Giáo hội, lấy pháp tỳ-ni (Vinaya) làm nền tảng để giải quyết việc Tăng; lấy pháp yết-ma (Kamma) làm công cụ để dàn hoà Tăng sự trên tinh thần bình đẳng, hòa hợp và tạo tiếng nói chung.

Người đệ tử Phật cần chính tín Tam bảo, khi đã xác quyết với niềm tin bất động nơi Phật, Pháp và Tăng thì tâm bồ-đề phải luôn kiên định, không thoái chuyển. Người đệ tử Phật cũng cần hiểu rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính là biểu tượng của ngôi Tăng bảo. Giáo hội vững mạnh thì Đạo pháp hưng long. Xây dựng ngôi nhà Giáo hội trang nghiêm cũng chính là tôn kính Tam Bảo, khiến cho đạo pháp trường tồn nơi thế gian này.

Trong năm qua, các cấp Giáo hội địa phương trực thuộc tỉnh đã đại hội thành công viên mãn. Năm 2022, Giáo hội tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức và nhân sự cấp tỉnh để hướng tới đại hội lần thứ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại Thủ đô Hà Nội. Để việc xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp với yêu cầu của hiện nay, mỗi thành viên của Giáo hội cần nhận thức sâu sắc rằng dòng sinh mệnh đạo pháp tuần lưu trong lòng Giáo hội. Vậy nên nhiệm vụ trọng yếu của người thừa hành Phật sự là phụng sự Giáo hội, xây dựng và củng cố Giáo hội bằng chính đạo lực tự thân. Mỗi người nên thể hiện mình là tướng quân chính pháp, phát huy ánh sáng trí tuệ, nêu cao tinh thần hòa hợp chúng, dấn thân vì lợi đạo ích đời; nhận diện được vọng và chân, phương tiện và cứu kính, ứng dụng lý – cơ một cách nhuần nhuyễn vào nếp sống đạo. Có thể mượn vọng để tỏ chân nhưng không bị dính vào vọng, mượn phương tiện để đạt cứu kính nhưng không bị dính mắc vào phương tiện, đó mới là thiện xảo của người hành đạo.

Hướng về Đại lễ Vesak PL.2566 – DL.2022, chúng ta bày tỏ niềm tri ân đấng Đạo sư đã xuất hiện trên đời vì hạnh phúc, vì lợi ích và an lạc cho chư Thiên và loài người, đồng thời tri ân chư liệt vị Tổ sư, các vị tiền bối đã dày công xây dựng và củng cố Tăng đoàn để Phật pháp được trường lưu. Chúng ta với tuệ giác tương tức để thấy Thế Tôn vẫn đang có mặt trong Tăng đoàn, giáo pháp vẫn đang có mặt trong Tăng đoàn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một Tăng đoàn tiêu biểu của thời đại. Vì vậy, mỗi thành viên Tăng – Ni thực hiện hữu hiệu phương châm “Đoàn kết – Hoà hợp, Trưởng dưỡng đạo tâm – trang nghiêm Giáo hội” chính là lễ phẩm cao quý nhất dâng lên cúng dàng Đại lễ Vesak PL.2566 này. Đó cũng là phương cách hữu hiệu nhất để xây dựng ngôi nhà chung và duy trì, bồi đắp mạng mạch Phật giáo ngày càng vững mạnh, phát triển.

Nam-mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB