Xác định tín đồ Phật giáo: Nhiều rối rắm!

1460
Với lịch sử 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc nhưng đến nay, việc xác định số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải khi chưa có một thống kê chính thức nào được chấp nhận. Điều này tạo nên những suy luận và thông tin thiếu thống nhất cả trong Tăng Ni, Phật tử và trong giới nghiên cứu, khoa học.

Đó là ý kiến của đại đa số các tham luận được trình này tại các phiên thảo luận của Hội thảo Tăng sự toàn quốc 2016 hôm qua, 25-9.

tonghop (1).JPG
Toàn cảnh Hội thảo

Đâu là con số tin cậy?

Đặt câu hỏi này và là một trong những vị đăng đàn phát biểu đầu tiên, HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TT-TT T.Ư cho cho biết vào năm 2009, tổng điều tra dân số công bố Việt Nam có 6.802.318 người theo đạo Phật. Tuy nhiên, cùng khoảng thời điểm đó, trên website chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ (btgcp.gov.vn) – một cơ quan quản lý tôn giáo của Nhà nước con số thống kê số lượng tín đồ Phật giáo không như vậy.

Theo Hòa thượng, trong bài “Đôi nét về đạo Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam” tác giả Trần Thị Minh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo cho rằng, tính đến tháng 6-2010, ngoài các con số rất cụ thể: Phật giáo có 14.775 cơ sở thờ tự, 44.498 Tăng Ni (trong đó Bắc tông có 32.165 vị, Nam tông có 9.379 vị, Khất sĩ có 2.954 vị), còn số lượng tín đồ thì được ước tính “trên 10.000.000 tín đồ được phân bố trên phạm vi toàn quốc”.

Riêng ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo trong bài viết “Vì sao Phật giáo “đứng vững” trong tâm linh của đông đảo người dân”, khi đề cập đến số lượng tín đồ của 12 tôn giáo ở Việt Nam cũng dùng con số ước định trên 22 triệu, trong đó Phật giáo “có trên 10 triệu tín đồ, hơn 45 nghìn chức sắc và gần 17 nghìn cơ sở thờ tự…”, v.v…

“Chỉ với hai con số thống kê của hai cơ quan quản lý nhà nước khác nhau đã cho thấy sự không thống nhất và ít nhiều có thể sẽ gây nhiễu cho quản lý nhà nước về tôn giáo”, Hòa thượng bày tỏ hoài nghi và trăn trở.

Trong khi đó, hai năm sau, theo HT.Thích Thanh Nhã, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội trong báo cáo trình đại hội Phật giáo toàn quốc, Hội đồng Trị sự cũng chưa có được số liệu tổng hợp về tín đồ mà chỉ đưa ra con số mang tính ước lượng một cách chung nhất khi khẳng định trong vòng 15 năm (từ 1992 đến 2007), số lượng Tăng Ni cả nước đã tăng lên gần 3 lần và số tự viện cũng tăng lên hơn 2 lần.

Báo cáo nhấn mạnh rằng tuy không có số liệu thống kê về Phật tử, song qua sự phát triển về quy mô của các cơ sở thờ tự cũng như số lượng Tăng Ni đã phản ánh sự gia tăng ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội và có thể dự đoán rằng số lượng người theo đạo Phật đã có xu hướng gia tăng.

tonghop (2).JPG
Chư tôn đức dự Hội thảo

Cùng phát biểu về nội dung này, ông Nguyễn Lam, Phó ban Dân dân Trung ương khẳng định trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu thường trích dẫn số liệu ước tính của Ban Tôn giáo Chính phủ. Theo đó năm 2011, số lượng tín đồ Phật giáo vào khoảng 10 triệu người và tăng lên là hơn 11 triệu người vào năm 2013. Qua đó có thể thấy sự gia tăng số lượng tín đồ Phật giáo đã được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ghi nhận.

“Cho đến nay, có nhiều nguồn số liệu khác nhau và những con số khác nhau được công bố về tín đồ Phật giáo, song Việt Nam thực sự có bao nhiêu tín đồ Phật giáo vẫn là những con số ước định cảm tính, không có sự thống nhất”, vị Phó ban Dân vận Trung ương cũng ưu tư.

Cần một khái niệm chuẩn

Theo nhiều đại biểu, việc thống kê và công bố số lượng tín đồ có nhiều sai khác, chưa chính thức và không được nhiều giới thừa nhận cho đến thời điểm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trong đó căn bản vẫn chưa có sự đồng nhất về các khái niệm và căn cứ thống kê.

Theo TT.Thích Huệ Thông, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó văn phòng II T.Ư, trong quá trình đồng hành cùng dân tộc trên 2.000 năm qua, khi chưa có các tôn giáo ngoại lai thâm nhập, có thể nói rằng, đa số người dân Việt Nam đều là tín đồ Phật giáo. Mãi đến thời đại ngày nay, lòng yêu chuộng và ngưỡng mộ, sùng kính Phật giáo của người dân nước ta vẫn không hề suy giảm.

“Từ nhận định này, có thể tự tin cho rằng, số lượng người chính thức theo đạo Phật tại nước ta là rất đông, trong đó bao gồm số lượng người theo đạo ông bà chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi tư tưởng và đạo lý từ bi cứu khổ của nhà Phật”, TT.Thích Huệ Thông khẳng định.

tonghop (4).JPG
TT.Thích Huệ Thông phát biểu tham luận

TT.Thích Huệ Thông cũng trích dẫn Điều 60, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cho rằng khái niệm “tín đồ, cư sĩ Phật tử” được Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định là những người tin tưởng Phật pháp, thực hành theo giáo lý nhà Phật và tùy khả năng, tự nguyện thọ trì giới luật Phật chế. Còn căn cứ dự thảo Đề án Luật Tôn giáo, thì hai chữ “tín đồ” được cắt nghĩa: “Tín đồ là người có niềm tin vào tôn giáo đó”.

Từ hai khái niệm và định nghĩa trên về hai chữ “tín đồ” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, TT.Thích Huệ Thông đề nghị không thể dựa vào lá phái quy y Tam bảo, hay việc kê khai tôn giáo trên CMND mới có thể xác định người đó là tín đồ hay không phải tín đồ Phật giáo.

Quan tâm đến nội dung này, trong tham luận của mình, TS.Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo đề xuất một khái niệm chính thức về tín đồ: “Tín đồ Phật giáo (hay Phật tử) là người khẳng định sự tự nguyện tin tưởng vào lời dạy của Phật Thích Ca và Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Niềm tin đó được biểu thị qua thực hành nghi lễ và sinh hoạt Phật giáo ở các cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng”. Từ đề xuất khái niệm, vị lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo cũng đề xuất việc phân tín đồ thành 2 nhóm: nhóm thuần thành và nhóm tín đồ mở.

Trong khi đó, theo PGS.TS.Hoàng Thị Hương và PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Thoa, đồng giảng viên Trường Đại học KHXH&NV TP.Hà Nội, trong Giáo hội vẫn tồn tại quan niệm về tín đồ Phật giáo theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

tonghop (3).JPG
PGS.TS.Hoàng Thị Hương phát biểu tham luận

“Với cách xác định theo nghĩa hẹp thì dễ xác định tín đồ Phật giáo nhưng sẽ đem lại kết quả thống kê hết sức khiêm tốn, nên sự thừa nhận cách xác định tín đồ Phật giáo theo nghĩa rộng lại dễ nhận được sự đồng thuận rộng rãi hơn. Tuy vậy, với cách xác định tín đồ Phật giáo theo nghĩa rộng sẽ lại gây khó khăn cho công tác thống kê tín đồ”, hai vị giảng viên từ Trường Đại học KHXN&NV nhìn nhận.

Từ đó, những cán bộ giảng dạy này cho biết, để có thể thống nhất một cách xác định cụ thể về tín đồ Phật giáo rất cần có một nghiên cứu đánh giá về nhu cầu sinh hoạt Phật giáo trong cộng đồng cư dân. Hiểu được nhu cầu của người dân đối với các sinh hoạt Phật giáo là cơ sở cần thiết cho các hoạt động hoằng pháp, phát triển đạo Phật.

Bảo Thiên

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB