Vấn đề dựng tượng tôn giáo tại tư gia “Nếu có tác động đến công trình thì phải xin phép”. Đó là câu trả lời của ông Tống Đức Tiến – Trưởng phòng Cấp phép thuộc Sở Xây dựng TP.HCM. Sau hai số báo nói về tình trạng dựng tượng tôn giáo tại TP.HCM cũng như các nơi, GN đã có cuộc trao đổi với cơ quan có thẩm quyền về quản lý và cấp phép xây dựng để làm rõ vấn đề này. Xin tiếp tục thông tin đến bạn đọc. Trao đổi với GN, ông Tiến cho biết:
Trước hết, chúng ta cần xem xét và thống nhất khái niệm về “tượng tôn giáo” là gì? “Tượng” – theo quan niệm cá nhân tôi thì “tượng là sản phẩm kiến trúc, mỹ thuật được tạo ra để đáp ứng nhu cầu sử dụng vào một mục đích nào đó của con người”. Còn tôn giáo? Theo quy định tại khoản 5, Điều 2 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”.
Như vậy có thể hiểu: “Tượng tôn giáo là sản phẩm kiến trúc mỹ thuật được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu về niềm tin đối với đối tượng tôn thờ để thực hiện lễ nghi (thờ, cúng) của con người”. Và tôi nghĩ khái niệm tượng tín ngưỡng cũng tương tự như vậy.
Khi chúng ta xác định được đối tượng ở đây là “tượng tôn giáo” với khái niệm đầy đủ như vậy thì sẽ dễ dàng xác định được “tượng tôn giáo” sẽ “thuộc” chỗ nào, khi áp dụng hoặc không áp dụng vào Luật Xây dựng. Bởi với quy định như hiện nay thì pháp luật không thể quy định một cách cặn kẽ hết các đối tượng xã hội trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật; chỉ có thể quy định một cách chung nhất, tiêu biểu nhất cho các đối tượng điều chỉnh.
Trường hợp “tượng tôn giáo, tín ngưỡng” đặt trong khuôn viên đất nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân là biểu hiện của sự tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân, được nhà nước cho phép. Tuy nhiên cần phải xác định rõ trường hợp nào phải xin phép và trường hợp nào không xin phép. Đến nay văn bản pháp luật điều chỉnh về “tượng tôn giáo” là chưa có. Như chúng tôi đã nói pháp luật không thể điều chỉnh tất cả các đối tượng trong xã hội, mà hiện tại chúng ta chỉ lấy các tiêu chí quy định chung của pháp luật đề ra để áp dụng trong những trường hợp tương tự. Ở đây có hai trường hợp với nhà người dân khi muốn dựng “tượng tôn giáo, tín ngưỡng”.
Theo quy định tại điểm a, khoản 14, mục 1.2 QCXDVN 01:2008/BXD Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – Quy hoạch xây dựng: các tiểu cảnh trang trí, bể cảnh… trong khuôn viên đất không tính vào mật độ xây dựng, nên không ảnh hưởng đến các tiêu chí kiến trúc quy hoạch của công trình xây dựng. Do vậy, nếu “tượng tôn giáo, tín ngưỡng” được gắn vào các tiểu cảnh trang trí, bể cảnh… đặt trong khuôn viên tư gia (nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân), không làm thay đổi chức năng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; không ảnh hưởng đến kiến trúc công trình chính và cảnh quan, môi trường xung quanh thì không cần phải xin phép.
Ở đây phải hiểu rõ “tượng tôn giáo” được bố trí để trang trí, bể cảnh… đặt trong khu vực nào đó của vườn nhà. Khu vực được bố trí đó không ảnh hưởng đến công trình kiến trúc như về kết cấu, trọng tải…
Trường hợp “tượng tôn giáo tín ngưỡng” được gắn với công trình nhà ở, mà ở đây là gắn trên các sàn của các tầng nhà của công trình, thì phải xin phép. Vì đây là trường hợp tác động trực tiếp đến công trình như kết cấu, trọng tải… nên phải tuân theo các thủ tục về xây dựng và quy chuẩn xây dựng công trình.
Đối với trường hợp có ý định dựng tượng ngay từ ban đầu thì người dân phải đưa mục này vào trong bản thiết kế để đơn vị thiết kế tính toán, thể hiện trên hồ sơ xin phép xây dựng. Đơn vị thiết kế sẽ dựa vào độ nặng của tượng để tính toán tải trọng, kết cấu chịu lực… của khu vực để tượng và toàn bộ ngôi nhà.
Trường hợp công trình đã hoàn công, xây dựng xong và đã đưa vào sử dụng mà người dân muốn dựng thêm tượng thì phải thực hiện các thủ tục về xây dựng như: thuê đơn vị giám định công trình để xem xét kết cấu thêm trọng tải có ảnh hưởng đến toàn bộ công trình không, kích thước tượng tương xứng với công trình, lập các thủ tục xin phép như hồ sơ xin phép sửa chữa, gia cố công trình… Theo luật xây dựng, thủ tục này được thực hiện ở cấp quận huyện.
Một điều lưu ý nữa là khi dựng “tượng tôn giáo, tín ngưỡng” các yếu tố về kích thước tương xứng với công trình, tính mỹ thuật, sự hài hòa với cộng đồng xung quanh… cần phải được quan tâm.
* Ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ:
“Không cấm nhưng phải tuân theo Luật Xây dựng trong những trường hợp cụ thể”
Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc dựng tượng tôn giáo tại nhà của tín đồ Phật tử. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có thông tư hướng dẫn dựng tượng đài và tranh hoành tráng ở nơi công cộng, nhưng nhà dân không phải nơi công cộng. Vậy thì theo nguyên tắc: những gì pháp luật chưa quy định, không cấm và việc làm không ảnh hưởng đến người khác thì người dân, tín đồ được phép thực hiện.
Tuy nhiên, việc dựng tượng trong khuôn viên, đất vườn hay căn nhà của tín đồ Phật tử nhưng làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của gia đình khác vì tượng quá lớn, hoặc dựng tượng của tôn giáo khác nhằm bài xích nhau,.. thì việc dựng tượng đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến người khác, không được làm. Đối với việc đặt tượng trên các tầng của căn nhà, kể cả tầng sân thượng, phải có sự tính toán theo khoa học xây dựng, đảm bảo an toàn cho căn nhà chịu được trọng tải bức tượng, phù hợp trong bố cục, cảnh quan tương xứng với pho tượng…
Đối với công trình xây mới, cần đặt tượng thì bản thiết kế công trình phải có phần thiết kế dựng tượng. Nếu không tính trong thiết kế khi dựng tượng có trọng lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, độ vững chắc của ngôi nhà,… Vì thế dựng tượng lớn và nặng phải đảm bảo quy định về xây dựng để an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Như vậy, việc dựng tượng trong nhà của tín đồ Phật tử không có văn bản cấm, tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Đối với việc dựng tượng trong nhà của tín đồ, Phật tử, tôi nghĩ nên có quy định, hướng dẫn, không đơn thuần là thực hiện quản lý mà quan trọng là tạo ý thức, xây dựng nếp văn hóa tự giác, tôn trọng và tuân thủ quy định chung đảm bảo an toàn, tiết kiệm và văn minh trong thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo.
* TT.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN:
“Phật tử được phép dựng tượng nhưng phải chấp hành các quy định cụ thể của pháp luật”
Theo chúng tôi được biết thì hiện nay Nhà nước chưa có một văn bản nào cấm người có niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng dựng tượng tôn giáo theo tín ngưỡng mình theo. Việc dựng tượng trong khuôn viên nhà – đất của người Phật tử theo chúng tôi không trái với pháp luật quy định thì được phép thực hiện. Chúng ta vẫn thấy nơi này nơi khác người dân nói chung và người Phật tử nói riêng thể hiện việc dựng tượng – theo nguyên tắc “luật không cấm thì người dân được phép làm”. Trước đây chúng tôi cũng có góp ý một số điểm liên quan trong quá trình xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể trong đó có vấn đề này. Vì đó là sự thể hiện quyền tự do tôn giáo mà Hiến pháp và pháp luật quy định.
Tuy nhiên, vẫn có một số nơi chính quyền địa phương không cho người dân dựng tượng trong khuôn viên nhà – đất thuộc quyền sử dụng riêng của mình. Có nhiều lý do khác nhau. Nếu dựng tượng để thực hiện các hình thức mê tín dị đoan, tụ tập quần chúng sinh hoạt mà không được sự cho phép của chính quyền… thì việc can thiệp của chính quyền là có cơ sở. Bởi đây không phải là vì nhu cầu tín ngưỡng cá nhân tại tư gia nữa. Ngược lại, Phật tử dựng một bức tượng Đức Phật hoặc Bồ-tát Quán Thế Âm để thể hiện tôn giáo đạo Phật của mình, để cầu nguyện, cầu sự bình an cho gia đình mình… thì pháp luật không cấm và cũng không thể cấm – vì đó là quyền thể hiện sự tự do tôn giáo mà pháp luật quy định.
Ngoài ra, các Phật tử khi dựng tượng cũng nên lưu ý một số quy định pháp luật của Nhà nước về xây dựng. Nếu bức tượng đó chiếm không gian lớn, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh thì phải cân nhắc. Hoặc bức tượng có kích thước quá lớn, trọng lượng quá nặng mà dựng ở các tầng cao thì phải thực hiện các thủ tục pháp luật liên quan mà Nhà nước đã quy định.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB