Nói về truyền thông Phật giáo, không phải chỉ mới thời đại hôm nay truyền thông mới có mặt, mà nó đã tồn tại trải qua hơn 2.500 năm trước. Khi đức Phật chứng ngộ, xuyên suốt 49 ngày Ngài đã mang sự giác ngộ đó giáo hóa chúng sinh. Mỗi khi Ngài chuyển Pháp luân vang đến Tam Thiên – Đại Thiên và lợi lạc tất cả số đông. Nhưng hơn tất cả, truyền thông Phật giáo đã tồn tại không bằng vũ khí, không dựa vào một nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuần chỉ bằng sức mạnh của trí tuệ và đức hạnh.
Hình ảnh tại buổi khai mạc khóa bổi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông PG do Ban TTTT T.Ư tổ chức |
Sự tồn tại của truyền thông Phật giáo lúc bấy giờ không phụ thuộc vào mạng kết nối (qua trung gian) bởi vì tăng tượng trưng cho Tam Bảo, đã thừa hành sứ mạng, mang chánh pháp truyền thừa mạng mạch. Tăng cũng chính là hiện thân của những vị Thánh giả, những người đã giác ngộ chân lý tối thượng siêu xuất thế gian.
Từ đó truyền thông tiếp tục có những đóng góp quan trọng và cần thiết cho nhân loại. Đây thực sự là vấn đề quan trọng mà nó phụ thuộc vào chính những người làm truyền thông, vào mỗi thế hệ tiếp nối của những người vì tương lai của Phật giáo.
Như chúng ta đã biết, trải qua hơn 2500 năm truyền thông Phật giáo luôn luôn tồn tại trong mối tương quan mật thiết giữa cuộc sống và Phật giáo.
Trong truyền thông Phật giáo, người truyền thông tin, cung cấp các vấn đề sinh hoạt, truyền bá chánh pháp, các mối quan hệ khác, đến cộng đồng, nhằm mục đích mang đến cho mọi người những lời chỉ dạy và hình ảnh giải thoát của tăng đoàn khi đã sống đúng theo giáo pháp của đức Phật.
Trải qua hơn 25 thế kỷ, truyền thông tiếp tục tồn tại, nhưng với những hình thức khác, bằng những con đường khác nhau và hơn hết là những con người làm truyền thông khác nhau. Nhưng dù thời gian có thay đổi,không gian có đổi thay thì Tham-Sân-Si vẫn không hề thay đổi. Xã hội đã thay đổi nhiều, và sự thay đổi đó có thể sẽ đặt mối quan hệ này trên một vị thế mới.
Nhân tố trọng yếu nhất đang tác động đến Phật giáo là sự chuyển đổi.
Trước tiên, từ một trật tự xã hội truyền thống sang một trật tự xã hội hiện đại, và sau đó là sang một trật tự xã hội công nghệ.
Ngày nay dấu hiệu dễ nhận ra của sự thay đổi này là sự thay đổi từ việc chú trọng vào các mạng xã hội và truyền tải thông tin. Sự chuyển giao này đã xảy ra xuyên suốt phương Tây và trong tầng lớp xã hội tân tiến nhất trong tất cả các nước trên thế giới. Sự thay đổi này trong truyền thông có thể nói “…chúng ta đang đi từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin, từ nền văn minh dựa trên sản xuất sang nền văn minh dựa trên tri thức”.
Sự chuyển giao sang một xã hội “thông tin nhạy bén” đã làm biến đổi bản chất của mối quan hệ truyền thông PG và xã hội một cách đáng kể, và điều này làm cho truyền thông phải đưa ra những giải pháp mới để giữ được sự thích hợp của Phật giáo. Căn cứ trên những xu hướng hiện tại, chúng ta thử phác họa nên những vai trò quan trọng phải đối mặt với những người làm truyền thông như chúng ta nhận thấy.
Vai trò của việc nâng cao Dân Trí
Trong thời đại thông tin, tầng lớp có trình độ đại học chiếm tỷ lệ cao. Mọi người tiếp cận được nhiều kho tàng tri thức và thông tin hơn rất nhiều so với trong quá khứ. Tuy nhiên bên cạnh vẫn song hành một số lớn người dân vùng sâu vùng xa, vùng ít tiếp cận Phật pháp Dân trí còn thấp, hiểu biết cạn cợt, dễ nhầm lẫn giữa niềm tin Chính và Tà. Đây chính là vùng đất phì nhiêu cho những thông tin sai lệch, những tôn giáo lạ mang tính tà giáo len lỏi gieo mầm.
Bởi thế người làm TTTT phải được đào tạo, phải tra vấn và tìm tòi, và tiếp cận nhằm giúp họ tin sâu nhân quả, hiểu biết đúng, để áp dụng vào cuộc sống cũng như trên lộ trình tu học. Vì thế người làm truyền thông cũng phải sẵn sàng,đối đầu để trả lời rất nhiều câu hỏi. Nhất là tăng, ni không thể trông chờ đón nhận sự kính trọng khép nép từ phía người thế gian, mà họ phải nhận sự kính trọng qua việc giải thích giáo pháp rõ ràng, chính xác và thuyết phục.
Bản thân người làm TT cần phải được đào tạo nâng cao, chính yếu là trong Phật giáo nhưng phải có thêm những mảng liên quan trực tiếp đến giáo lý, chẳng hạn như triết học và tâm lý học hiện đại, và còn nhiều lĩnh vực chính đáng khác nữa. Làm thế nào để kết hợp hài hòa thế học vào trong môi trường xuất thế, để có thể uyển chuyển mang những thông tin đa dạng, đa chiều đến nhiều tầng lớp khác nhau.
Bản thân một người làm TT cần tự làm giàu kinh nghiệm,làm cho lan tỏa cái hay, cái đẹp của PG chứ không thể nói theo cách (Hữu xạ tự nhiên hương). Nếu hay, đẹp mà chỉ giấu trong phòng,tự viện càng kích thích người tìm tòi muốn biết: Đó là mùi hương gì, của ai, và từ đâu có, từ đó suy diễn sai lệch, mỗi người một thông tin trở nên nhiễu thông tin.
Thay gì dấu kín cả cái hay lẫn cái dở, người làm TT cần có thông tin đúng sự thật, đúng mục đích tiếp cận cộng đồng, sẽ có một mẫu số chung mà không hề sai lệch.
Cần trẻ hóa đội ngũ làm truyền thông, vì tuổi trẻ họ có hoài bảo,có sức khỏe,có thời gian và nhất là tri thức. Những vị cao niên thạc đức hãy làm chỗ dựa trao truyền kinh nghiệm,chuyển hóa tri thức của lớp trẻ thành trí tuệ siêu việt của PG. Thì mới mong Truyền thông PG đuổi kịp xu hướng hiện đại hoặc không rơi vào Tám nạn đó là (thông minh biện tài theo pháp thế gian)
Vai trò tiếp cận công nghệ hiện đại
Liên quan mật thiết đến điều kiện nâng cao TT giữa người và công nghệ hiện đại. Máy vi tính cũng đã cách mạng hóa ngành Phật học một cách sâu xa. Thông qua mạng lưới internet, chúng có thể tiếp nhận vô số nguồn tài liệu về Phật giáo và tham gia nhiều diễn đàn thảo luận một cách thiết thực về mọi đề tài liên quan đến đạo Phật.
Người làm TT thời hiện đại cũng nên tiếp cận chắt lọc những tinh hoa qúy giá từ nguồn kiến thức về giáo lý, vì giáo lý nhà Phật không còn là đặc quyền của những người xuất gia, và kho tàng kiến thức kinh luận Phật giáo cũng không chỉ để trưng bày trong tự viện như nó đã từng như vậy trong một nền văn hóa Phật giáo truyền thống. Các trường đại học cũng thường đưa ra các đề tài nghiên cứu Phật học, và ngày nay có nhiều học giả tại gia nổi tiếng đang nghiên cứu những lĩnh vực chuyên môn của Phật học.
Kéo theo người làm Truyền thông cần phải nỗ lực để có một trình độ chuyên môn uyên bác về Phật học, từ càng nhiều nguồn tài liệu càng tốt, và chúng ta sẵn sàng học hỏi từ phía những học giả tại gia những khi cần thiết. Chúng ta phải kết hợp khôn khéo, uyển chuyển kiến thức với thực hành, sự hiểu biết bằng tri thức với đức tin và bổn phận. Chúng ta không thể chỉ tìm kiếm kiến thức mà không có thực hành, cũng không thể thực hành một cách mù mờ mà không có sự soi sáng của hiểu biết. Nhất là người làm truyền thông phải hội đủ Nhân cách và Phẩm hạnh.
Vai trò của việc đào tạo Chuyên môn
Cái khó khăn rất lớn cho người tìm hiểu Thuật ngữ nhà Phật khi làm truyền thông là Từ ngữ. Từ ngữ của nhà phật thì phải có tu thì mới cảm nhận được cái nghĩa của nó. Bởi vì cái nghĩa thì phải có định nghĩa của từ điển để hiểu chữ nghĩa cho đúng nghĩa, nhưng nghĩa lại nằm ở thực tế của cuộc sống chứ không phải là cái xác mía không còn cái vị ngọt của nó. Từ ngữ rất khô khan và rỗng tuếch. Học từ ngữ thì rất nhức đầu và còn khó hơn học sinh ngữ. Hiểu được nghĩa theo đúng như từ điển đã là khó khăn và nhọc mệt rồi. Hiểu thêm được luận lý của kinh lại còn khó hơn. Rồi cái mà kinh nói, lại phải được chỉ cho đúng với cái có thực trong đời sống, thì lại thêm một bước để hiểu cho đúng với chân nghĩa của từ ngữ. Ví như để hiểu từ “cái bàn” và sự hiện hữu của cái bàn là khác nhau. Chúng ta hiểu “cơm” là từ ngữ với cơm đang dọn trên bàn là khác nhau, một cái là danh-từ để gọi tên, còn một cái là thực thể đang hiện hữu. Cái đang hiện hữu thì mầu nhiệm, còn cái danh từ thì chỉ là danh từ. Chúng ta cứ gọi tên của thuốc và thức ăn mà không có thuốc và thức ăn thì chỉ là cái thế giới ảo. Đó là điều hiển nhiên mà ai cũng biết không cần phải dẫn chứng rườm rà. Bởi vì người đói cần cơm, người bệnh cần thuốc, chứ không phải cái danh từ cơm và thuốc có thể thay thế cho hiện thực được.
Vì thế, cần có những từ ngữ xác thực với cuộc sống hiện đại, đây là điều rất quan trọng đối với đội ngũ làm TT. Cũng chính là “cánh cửa” cho những ai mong muốn giới thiệu cái hay, cái đẹp của Phật giáo đến cộng đồng nhằm giúp cho những yêu thích Giáo lý nhà Phật trong các lĩnh vực khoa học và có đầu óc hoài nghi, ưa tìm tòi.
Chúng ta không nghĩ chỉ truyền thừa bằng ngôn ngữ, bằng báo chí, bằng truyền hình mà vấn đề quan trọng ở đây là dùng phương tiện thiện xảo từ Thân – Khẩu – Ý (Hành động – Lời nói – và ý nghĩ). Tôi nghĩ một phương thức cân bằng rất cần thiết, đó là thế chân ba: đức tin – học hỏi Phật pháp – thực tập thiền định. Đức tin làm thay đổi những trạng thái tình cảm không tốt, học giáo lý để có được tri kiến đúng đắn, và thực tập thiền định mang lại sự bình an và trí tuệ. Thì công tác truyền thông cũng được mang tính thiết thực tiễn và hiệu quả hơn.
Vai trò xử lý thông tin
Chúng ta luôn nỗ lực bảo tồn và tôn trọng những truyền thống lâu năm, không để những nhu cầu vật chất trở thành gánh nặng. Theo cách đó, Phật giáo khuyến khích những người khác hướng đến một lối sống cần kiệm, kính trọng những gì lâu đời, tôn trọng môi trường tự nhiên. Trong thế giới hiện đại, bạo động đang nổ ra giữa những nhóm người khác sắc tộc, khác tôn giáo, những người này tin rằng họ có thể giải quyết được những khó khăn của họ bằng biện pháp vũ lực.
Riêng PG được tổ chức trên nguyên tắc bất bạo động, với niềm tin rằng nhẫn nại, thương thảo, và thỏa hiệp là hết sức cần thiết cho sự hòa hợp giữa con người với nhau. Theo ý nghĩa ấy người làm TT cũng giải quyết những khó khăn của họ thông qua sự hiểu biết, tha thứ và lòng thương yêu lẫn nhau.
Bằng việc nêu cao tinh thần Từ Bi, Truyền thông Phật giáo kêu gọi tất cả mọi người nỗ lực lắng nghe để hiểu nhau hơn. Nhưng bên cạnh cũng cần có tiếng nói khẳng định vị thế riêng của PG, cần có đội ngũ chuyên trách xử lý khủng hoảng truyền thông, xử lý những phản hồi nhạy cảm. Cần làm tỏa sáng cái hay, cái đẹp của PG, đồng thời cũng nên mạnh tay cắt bỏ những ung nhọt, những tế bào đã bị biến đổi gen trên cơ thể, thì mới mong PG có một thân thể lành mạnh, vững chắc trong xu thế hiện nay.
Tiếng nói của lương tâm
Theo người viết, nhiệm vụ của TT là phải nói lên tiếng nói của lương tâm Phật giáo,làm cho mọi người nhận ra cái Thật – cái Thiện Lành-Cái đẹp (Chân – Thiện – Mỹ) của Phật giáo. Nghĩa là, Tăng đoàn hoặc ít nhất là những cư sĩ hộ đạo làm công tác TT hãy nêu cao những giá trị đạo đức Phật giáo trong việc giải quyết những vấn đề to tát đang đối diện với nhân loại ngày hôm nay. Bằng Tinh thần Bác ái, bằng niềm tin đúng đắn và nhất là Tính chân thật. Không vì lợi ích riêng tư mà bóp méo sự thật, không giật tít kiểu câu like, không tranh luận đúng sai khi sự việc chưa rõ ràng. Luôn lấy tinh thần hòa hợp làm nền tảng.
Con đường truyền thông có lúc như dòng nước cuồn cuộn chảy qua những thác ghềnh,nhưng có lúc bằng phẳng nước lững lờ trôi, lúc ấy người làm TT không được buông lơi mái chèo, khiến cho quên đi những khủng khiếp đã qua và mất cảnh giác với đoạn thác ghềnh kế tiếp. Từng giai đoạn, từng sự việc,thay đổi thời gian, không gian,việc thất thường luôn xảy đến, chỉ có người luôn nhẫn nại, tinh tấn,tầm cầu học hỏi mới biết rõ đâu là vô minh sinh diệt còn hiểm nguy, khủng khiếp hơn thế nữa. Nếu không có những vị cao minh dẫn dắt, chỉ dạy thì sẽ bị trói buộc, chết chìm, hay chơi vơi trôi dạt giữa bể khổ mênh mông.
Nếu nhận thấy chưa đủ trí tuệ để làm cho cái ác cúi đầu, hãy dùng ngòi bút mà xiển dương cái thiện càng nhiều càng tốt, khi ánh mặt trời chiếu sáng thì mây mù ắt phải tan nhanh. Hơn tất cả, Truyền thông Phật giáo phải tồn tại không bằng vũ khí, không dựa trên nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuần chỉ bằng sức mạnh của Trí tuệ và Đức hạnh.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB