Tứ Tất đàn với Hoằng pháp thời hiện đại

547

Nguyên tắc Hoằng pháp lợi sanh của một sứ giả Như Lai đã được đức Thế Tôn ân cần chỉ dạy rất tỉ mỉ, sâu sắc trong các kinh điển, đặc biệt là Tứ Tất đàn. Phạm vi nội dung chúng tôi xin được chia sẻ để tài “Tứ Tất đàn với Hoằng pháp thời hiện đại”.

Tứ Tất đàn là bốn cách thức giúp cho việc Hoằng pháp, thuyết pháp được thành tựu rốt ráo. Đó là: Thế giới Tất đàn. Vị nhân Tất đàn. Đối trị Tất đàn và Đệ nhất nghĩa Tất đàn.

1. Thế giới Tất đàn: Vì sự an lạc và hạnh phúc cho chúng sanh đức Phật đã dùng phương tiện tùy thuận chúng sanh mà thuyết pháp giảng dạy. Thế giới Tất đàn còn gọi là thế gian Tất đàn.

Kinh Duy Ma Cật Phật dạy: “Này Bảo Tích, tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ tát. Vì sao? Bồ tát tùy chỗ giáo hóa chúng sanh mà lãnh lấy cõi Phật, tùy chỗ điều phục chúng sanh mà lãnh lấy cõi Phật. Tùy chúng sanh ưng theo quốc độ mà lãnh lấy cõi Phật nào…” (HT.Huệ Hưng dịch, Kinh Duy Ma, trang 22).

Thế giới Tất đàn có thể nói theo cách hiện nay là Thời hiện đại Tất đàn. Thời hiện đại là thời mà khoa học công nghệ phát triển tột bực, khai thác mọi tính năng công nghệ khoa học để phục vụ cho sản xuất, cho đời sống con người, đặc biệt về công nghệ thông tin và những tiện nghi phục vụ đời sống. Tuy nhiên, song song với sự phát triển đó, những hiểm nguy, tai họa của con người cũng phát triển tinh vi và tàn khốc. Như nhà bác học Einstein đã nói ở thế kỷ XX: “Nhân loại là một người điên, khoa học là một cái búa, chúng ta đang đặt cái búa trong tay một người điên”.

Theo Phật pháp mà nói, đây là thời mà trong kinh điển gọi là: “Ngũ trược ác thế” (đời ác thịnh hành với 5 thứ ô nhiễm).

– Kiếp trược: thời đại ô nhiễm.

– Kiến trược: kiến thức ô nhiễm.

– Phiền não trược: tâm lý ô nhiễm.

– Chúng sanh trược: con người ô nhiễm.

– Mạng trược: đời sống ô nhiễm.

Cho nên, khoa học công nghệ phát sinh phục vụ đời sống con người thì con người cũng khai thác công nghệ để tạo tác việc ác tinh vi và tàn bạo. Chúng ta đang Hoằng pháp trong một thời đại khá nhiều thuận lợi với nhiều tiện ích nhưng cũng khá nhiều thách thức bởi những mặt trái của văn minh công nghệ.

Hiện tại, với chủ trương chính sách thông thoáng của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhiều giáo phái mới xuất hiện vay mượn giáo lý đạo Phật để trang bị cho học thuyết của họ lan truyền trên các trang mạng xã hội làm cho tình hình tín ngưỡng Phật giáo phức tạp. Vì vậy việc khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác Hoằng pháp đưa Phật pháp đến với quần chúng rộng rãi trên các thiết bị nghe nhìn là điều cần thiết, nhưng không thể bỏ qua phương thức truyền thống của ba đời chư Phật và lịch đại Tổ sư. Pháp Phật nói phải có đủ hai cách là khẩu thuyết và tâm thuyết thì người nghe mới dễ thâm nhập, lãnh hội.

2. Vị nhân Tất đàn: Tùy căn cơ trình độ cao hay thấp, tâm lý, chủng tử của mỗi người mà dùng phương tiện này hay phương tiện khác để người nghe dễ tiếp thu.

Con người muốn nói ở đây là “con người hiện đại”. Con người hiện đại là gì? Con người hiện đại là con người đánh mất mình vào các thiết bị và tiện nghi, không còn sống ở thế giới hiện thực mà đã hóa thân vào thực tế ảo trong Internet, Smart phone. Những ánh trăng thanh, những làn gió mát không còn ý nghĩa với họ mà chỉ có máy điều hòa. “Con người hiện đại là con người máy, con người robot. Con người đó chỉ biết hưởng thụ một cách thụ động, nó sống rất cô đơn, sống không có tình thương, không có lý tưởng… con người bị đánh mất chất người.” (Minh Chi – Hà Thúc Minh biên soạn, Đại cương Triết học Đông phương, Trường đại  học tổng hợp TP.HCM, xuất bản năm 1993, trang 32).

Về mặt xã hội, chúng ta thấy tình trạng tội phạm hình sự tuổi vị thành niên mỗi ngày một gia tăng, những vụ thảm sát xảy ra mỗi ngày càng nhiều, xã hội gần như bất lực, những biện pháp xử lý của luật pháp không tác dụng nhiều. Công tác Hoằng pháp của chúng ta cũng còn hạn chế chưa thâm nhập nhiều và sâu trong nhiều lĩnh vực xã hội, nhất là thiếu niên nhi đồng. Cần phát triển mạnh Hoằng pháp viên cư sĩ để phát triển và đẩy mạnh công tác Hoằng pháp thiếu niên nhi đồng, đặc biệt từ trong gia đình của họ.

3. Đối trị Tất đàn: Tùy thuận chỗ sai lầm và tâm bệnh của chúng sanh mà nói pháp đối trị, như một vị bác sĩ giỏi tùy bệnh cho thuốc. Kinh nói, thời mạt pháp chúng sanh lòng nhiều tham dục, tà kiến khó điều phục. Phương tiện truyền bá giáo pháp thì có nhiều thuận lợi nhưng phương tiện điều phục con người thì rất khó. Mục đích Hoằng pháp không đơn giản là để con người theo đạo mà cần con người hiểu biết Phật pháp, tu tập theo Phật pháp, có an lạc, hạnh phúc theo Phật pháp.

Về mặt lý thuyết, thì tất cả pháp thế gian là chất liệu của Phật pháp, nhưng không phải ai cũng có kỹ năng biến chất liệu thế gian pháp thành Phật pháp. Việc lập các pháp môn phương tiện chỉ có bậc Đại giác Thế tôn có đầy đủ mười trí lực (trong đó có tri nhất thiết chúng sanh nghiệp báo trí lực), mới có năng lực lập ra pháp môn phương tiện – Nếu không, tùy tiện sẽ trở thành người phá giáo pháp.

Chúng sanh có vô biên phiền não, Phật cũng lập vô lượng pháp lành để đối trị, chúng sanh có vô lượng tâm bệnh, Phật có vô lượng pháp môn chuyển hóa. Những pháp môn truyền thống lâu nay trải qua hàng ngàn năm đã được lịch đại Tổ sư tu tập truyền thừa có Tông chỉ rõ ràng, giáo nghĩa minh bạch không nên cực đoan cục bộ bài bác, đả kích. Thiền hay Tịnh, Mật hay Hiển đều có giá trị về mặt hành trì tu tập đoạn hoặc chứng chơn. Đứng trên quan điểm pháp môn này phê phán, bài xích pháp môn khác, hệ phái khác chỉ làm cho Phật tử hoan mang, Phật pháp chóng suy tàn, rơi vào kế sách tà giáo.

4. Đệ nhất nghĩa Tất đàn: Mục đích tối hậu của sự thuyết pháp là đưa đến chứng ngộ thật tướng. Ở các bước Thế giới Tất đàn, Vị nhân Tất đàn, Đối trị Tất đàn là mượn các pháp thế gian các pháp giả tướng để minh thuyết giáo nghĩa thật tướng, nếu không đạt mục đích này việc thuyết pháp trở thành vô nghĩa. Thuyết pháp không vì danh, không vì lợi, không vì tham cầu đệ tử mà chỉ vì chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc cho chúng sanh – Lạc ở đây là Niết bàn lạc.

“Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng vậy, vòng luân hồi sẽ tiếp nối mãi với kẻ ngu si không minh đạt Chánh pháp” (Trí Đức dịch, Kinh Pháp cú 60). Chỉ có trí tuệ giác ngộ được thật tướng các pháp mới thoát ly khổ não, đưa chúng sanh thoát ly khổ não là mục đích cao cả và duy nhất của đạo Phật. Vì thế mà đức Thế Tôn đã nói: “Ta chỉ nói có hai điều là khổ và phương pháp diệt khổ” (Kinh Nikaya và A hàm).

Tứ Tất đàn là phương thức ứng dụng cho việc thuyết pháp được thành tựu viên mãn, được đức Phật ứng dụng trong sự nghiệp giáo hóa của Ngài, dù ở thời đại nào sứ giả của Như Lai cũng không thể đi ngoài phương thức ấy. Trên cơ sở bốn pháp này quán sát, tư duy, ứng dụng người làm Hoằng pháp sẽ đạt được mong muốn trong sự nghiệp Hoằng pháp lợi sanh.

Quan điểm của người làm Hoằng pháp cần phải vượt lên trên mọi giáo điều, mọi sự cực đoan. Lịch sử đã ghi nhận, vào khoảng thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, ở Ấn Độ và vào khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 ở các nước cận Đông, sự thịnh đạt của Phật giáo vô cùng rực rỡ, nhưng sau đó đã bị ngừng lại và suy giảm dần, một phần bởi Bà-la-môn giáo biến thành Ấn-độ-giáo sáp nhập một số tư tưởng của Phật giáo vào tôn giáo mới, dùng mọi cách để đẩy lùi Phật giáo, cho đến khi Hồi giáo tràn sang chiếm toàn cõi Ấn Độ, lúc bấy giờ Phật giáo đã phải chuyển ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ để tồn tại.

Ở Trung Hoa, Nho gia đời Tống cũng đã lấn át và vay mượn giáo lý Phật giáo để trang bị cho sự truyền bá của họ. Những sự kiện lịch sử ở thời đại này đã làm cho Phật giáo suy vi, lý do ngoại tại chỉ là phần nổi, phần chính là vì nội lực Phật giáo không được phát huy, chú trọng quá nhiều vào việc phá chấp giáo điều làm phương châm khép mình trong việc chuyên học, chuyên tu.

May mắn ở Việt Nam, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13, thời đại Lý – Trần các vị Thiền sư đã Hoằng pháp tích cực làm cho Phật giáo có vị trí xứng đáng ở quốc gia Đại Việt. Cho nên sứ giả Hoằng pháp cần tích cực đủ ba phương diện là học, tu và dấn thân truyền bá mạnh mẽ. Học để phát triển trí tuệ, tu để phát triển đạo hạnh và phá trừ phiền não làm chất liệu cho sự dấn thân truyền bá chánh pháp khiến tồn tại lâu dài.

Thượng tọa Thích Đồng Nguyện

Ủy viên Ban Hoằng Pháp T.Ư GHPGVN

Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Quảng Nam

Tài liệu tham khảo:

  • Hòa thượng Thích Huệ Hưng dịch, Kinh Duy Ma Cật;
  • Luận Đại trí độ;
  • Giáo sư Minh Chi, Hà Thúc Minh biên soạn, Đại phương triết học Đông phương, Đại học tổng hợp TPHCM, Xuất bản 1993;
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB