Tiểu sử Thiền sư Chân Nguyên

1809
Tiểu sử Thiền sư Chân Nguyên
Thiền sư Chân Nguyên họ Nguyễn húy Nghiêm, hiệu Đình Lân, sinh vào giờ Ngọ, ngày 11 tháng 09 năm Đinh Hợi (08/10/1647), thời Lê Chân Tông Thuận Hoàng đế, niên hiệu Phúc Thái ngũ niên. Quê quán làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Mẫu thân họ Phạm, một hôm bà nằm mộng thấy cụ già râu tóc bạc phơ, tướng mạo đoan nghiêm tặng cho bà một cành hoa sen sắc hương tuyệt mỹ, khi tỉnh mộng thấy trong người có hiện tượng lạ, từ đó bà mang thai.
 

Thiền sư Chân Nguyên

 

Đến tuổi cắp sách đến trường, mẫu thân gửi Ngài đến học với người cậu vốn là một giám sinh (học sinh Trường Quốc Tử giám). Ngài vốn thông minh mẫn tiệp, hạ bút thành văn, xuất khẩu thành thơ nên được mẹ, người cậu và cả thân tộc bạn hữu đều yêu quý, hy vọng khi học hành thành đạt, Ngài sẽ là một vị quan tốt.
Tuổi thiếu niên 16, khi đọc quyển “Tam tổ thực lục”, đọc đến hành trạng đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm, Huyền Quang (1254-1334), Ngài chợt tỉnh ngộ và rằng: “Cổ nhân ngày xưa đã từng đỗ Trạng Nguyên, sự nghiệp công danh, vinh hoa phú quý như thế mà rủ áo mão cân đai, tìm đến chốn thiền môn học đạo giải thoát, huống hồ ta chỉ là cậu học trò”. Ngài liền phát nguyện xuất gia.
Năm 19 tuổi, Ngài vượt suối băng rừng trúc, tùng, lên Yên Tử sơn, vào Hoa Yên Tự đảnh lễ Thiền sư Chân Trú – Tuệ Nguyệt cầu thế phát xuất gia và được Bổn sư ban pháp danh Tuệ Đăng.
Sau khi Bổn sư Chân Trú – Tuệ Nguyệt viên tịch. Ngài cùng bạn đồng liêu, Như Niệm tu hạnh đầu đà, vân du đó đây tham vấn thiền đạo. Nhưng sau đó, Như Niệm đổi ý không vân du và dừng chân trụ trì Cô Tiên Tự, (nay là Khu phố Vinh sơn, Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Ngài lên Vĩnh Phúc Tự (tức chùa Cao), núi Côn Cương, (nay thôn Đoàn Kết, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) tham học với Thiền sư Minh Lương – Nguyệt An và được ban pháp hiệu Chân Nguyên.
Ngài quỳ chắp tay hỏi Thiền sư Minh Lương – Nguyệt An rằng: “Bao năm dồn sẵn chứa Ngọc báu trong đãy, hôm nay tận mắt thấy thế nào?
Thiền sư Minh Lương – Nguyệt An đưa mắt nhìn thẳng vào Ngài, Ngài nhìn lại liền hoát nhiên tỏ ngộ tự tâm thấu suốt bản tính liền cúi đầu đảnh lễ. Thiền sư Minh Lương vui mừng khôn xiết phú chúc rằng: “Thiền phái Lâm Tế từ đây có người kế tục, ngươi tiếp nối ngọn đền thiền từ bi trí tuệ Phật Tổ, hưng thịnh Phật pháp, lợi lạc quần sinh.”
Thiền sư Minh Lương – Nguyệt An truyền pháp cho Chân Nguyên kế truyền dòng thiền Lâm Tế đời thứ 36, thuyết phú pháp rằng:
Mỹ ngọc tàng ngoan thạch
Liên hoa xuất ứ nê
Tu tri sinh tử xứ
Ngộ thị tức Bồ đề.
Dịch:
Ngọc ẩn sâu trong đá,
Sen nở giữa bùn tanh,
Tu biết nơi sinh tử;
Rõ ràng chân giác đạo.
(Thích Minh Thọ dịch)
Nơi đây, Ngài đốt hai ngón tay phát nguyện tu Bồ tát đạo, tác Như Lai hành Như Lai sự. Ngài xây dựng đài Diệu Pháp Liên Hoa tại Vĩnh Phúc Tự, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó Ngài được truyền thừa y bát thiền phái Trúc Lâm, trụ trì Long Động tự, Yên Tử sơn, nay thị xã Uông Bí và Quỳnh Lâm tự, xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, hai ngôi già lam nêu trên là những Tổ đình của thiền phái Trúc Lâm xưa.
Ngài kết hợp tinh hoa của hai thiền phái Lâm Tế và thiền phái Trúc Lâm, dung hợp “Tế – Trúc” song hành.
Thời Lê Hy Tông Hoàng đế (1675-1705), niên hiệu Chính Hòa ngũ niên, năm Giáp Tý (1684), Ngài dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại Tổ đình Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà đệ tam Tổ thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang đã dựng trước kia ở Ninh Phúc tự (chùa Bút Tháp), ở bên đê sông đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Thời Lê Dụ Tông Hoàng đế (1705-1729), niên hiệu Bảo Thái tam niên, năm Nhâm Dần (1722), Ngài được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và sắc tứ hiệu “Chính Giác Hòa thượng”.
Thời Lê Dụ Tông Hoàng đế, niên hiệu Bảo Thái thất niên, năm 27. Ngài tắm gội xong, gọi môn đồ pháp quyến để từ biệt và thuyết kệ truyền pháp rằng:
 
Hiển hách phân minh thập nhị thì
Thử chi tự tánh nhậm thi vi
Lục căn vận dụng chân thường kiến
Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.
Dịch:
Chính niệm phân minh được suốt ngày
Là đem thể tính tự phô bày
Giác quan vận dụng chân thường kiến
Vạn pháp tung hoành giác ngộ ngay.
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch)
Thuyết kệ xong Ngài ngồi kiết già an nhiên viên tịch vào ngày 28 tháng 10 năm năm Bính Ngọ (21/11/1726). Hưởng thọ 80 xuân.
Lê Dụ Tông Hoàng đế truyền lệnh xây Bảo tháp hiệu Tịch Quang tại hai Tổ đình Long Động tự, Yên Tử sơn và Tổ đình Quỳnh Lâm tự, tỉnh Quảng Ninh để tôn trí xá lợi của Ngài.
Những đệ tử ưu tú của Ngài như: Thiền sư Như Hiện – Nguyệt Quang (?-1756), khai sơn Nguyệt Quang tự, nay phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng; Thiền sư Như Trừng – Lân Giác (1696-1733), khai sơn Liên Hoa tự (Liên Phái tự, nay phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; và từng phương trượng trụ trì các ngôi đại già lam Hộ Quốc tự, nay phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Hàm Long tự, nay phường Nam Sơn, Tp.Bắc Ninh, Thiền sư Như Sơn, Thiền sư Như Nhuận, phương trượng trụ trì Long Động tự, Yên Tử sơn, Thiền sư Như Chúc, phương trượng trụ trì Ninh Phúc tự (chùa Bút Tháp), ở bên đê sông đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Thiền sư Như Trí (?-1723), phương trượng trụ trì Thiên Tâm tự (chùa Tiêu), Tiêu sơn, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Thiền sư Như Sơn, phương trượng trụ trì Hồng Phúc tự (chùa Hòe Nhai), nay phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội; Thiền sư Như Tùy (1696-1733), Như Đẳng. . .
Theo “Chân Nguyên toàn tập” của tác giả Thiền sư Lê Mạnh Thát, thì Ngài có đến 12 tác phẩm (trong số đó có những cuốn chưa thật chắc chắn):
– Kiến tính thành Phật
– Tôn sư pháp sách đăng đàn thọ giới
– Nghênh sư duyệt định khoa
– Long thư tịnh độ văn tự
– Long thư tịnh độ luận, bạt, hậu tự
– Tịnh độ yếu nghĩa
– Ngộ đạo nhân duyên
– Thiền tịch phú
– Thiền tông bản hạnh.
– Nam Hải Quan âm bản hạnh
– Đạt Na thái tử hành
– Hồng mông hành.
Một số bài tựa, bạt của Chân Nguyên như sau (do Đồng Dưỡng sưu tầm)
1. Bài tựa Kim cương kinh chú giải
2. Bài Kim cương kinh chú giải hậu bạt
3. Bài tựa Bát nhã ba la mật đa tâm kinh vô cấu thiền sư chú giải tự viết
4. Bài tựa Ngũ chủng bồ đề yếu nghĩa trùng san tự viết
5. Bài tựa Tây phương Di Đà Như Lai bản nhân tu hành tứ thập bát nguyện kinh trùng san tự viết
6. Bài bạt Tây phương Di Đà Như Lai bản nhân tu hành tứ thập bát nguyện kinh bạt hậu tự.
7. Bài Thánh đăng ngữ lục hậu bạt
8. Bài tựa Lí tướng công minh ty lục trùng san Chân Nguyên lược dẫn tự viết
9. Bài tựa sách Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục
Vân Tuyền
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB