Từ bao đời nay, đi lễ chùa là đồng nghĩa với việc thắp nén hương rồi cầu khấn. 1 nén, 3 nén, 5 nén hay cả thậm chí là cả bó hương. Chúng ta những tưởng nén hương nhỏ bé ấy chẳng đáng là bao, nhưng nếu hàng trăm, hàng triệu người thắp nhiều hương thì trong một mùa lễ hội số tiền đó sẽ là bao nhiêu?
Những bó nhang hay còn gọi là hương thì có giá khoảng 5 nghìn đồng. Nhưng mọi người có tin được 5 tỷ đồng lại là tổng số tiền mà người dân đã bỏ ra chỉ để mua nhang để thắp tại một ngôi chùa trong mùa lễ hội?
Đây là sự thật diễn ra tại lễ hội chùa Bà tỉnh Bình Dương. Khi mà nhiều người đã lạm dụng đốt nhiều nhang không những gây lãng phí mà còn dấy lên mối lo ngại về sức khoẻ và cả bảo vệ môi trường.
Dòng người chen chúc hướng về chánh điện trong chùa, ai nấy đều cầm những nén nhang đã đốt. Nhưng chỉ cách một bên, số phận nén nhang đã khác. Một bên thành kính dâng hương, bên còn lại dập tắt và đưa thẳng nhang đến sọt rác. Đó là cách duy nhất, ban quản lý nhà chùa không còn cách nào khác.
Thử làm một phép tính nhỏ. Mỗi bó nhang rẻ nhất giá 5 nghìn đồng, đắt thì từ 10 đến 50 nghìn. Ưóc tính trung bình nếu mỗi người đến mua 1 bó nhang giá 5 nghìn đồng thì với 1 triệu lượt người đến chùa Bà trong 1 mùa lễ, số tiền nhang là khoảng…5 tỷ đồng. Một số tiền mà chắc ai cũng phải giật mình và không tưởng đến.
|
Ảnh minh họa |
Việc quá tải số nhang cũng gây nỗi lo sức khỏe cho người hành hương.
Theo ông Trần Vĩnh An – Ban quản lý lễ hội chùa Bà cho biết: “Khói hương có tác hại vô cùng to lớn. Có nhiều trường hợp khách hành hương còn bị ngất xỉu, bất tỉnh cần đến sự chăm sóc của nhân viên y tế. Theo như năm ngoái là gần 20 trường hợp.”
Chùa thì luôn kêu gọi chỉ thắp một nén hương là tỏ đủ lòng thành kính nhưng dòng người vẫn cứ đổ vào chánh điện. Cũng là một nhưng là một bó hương lớn nghi ngút khói trên tay. Có người vừa xì xụp khấn, nước mắt vừa dàn dụa vì khói hương. Người của nhà chùa còn phải với lấy ngay bó hương đó để dập đi, chắc họ lo lắng là tín chủ ấy sắp ngất mất.
Một bên thì ban quản lý nhà chùa cứ ra rả loa phóng thanh yêu cầu không thắp nhang nữa. Một bên thì du khách thập phương cứ “nhiệt tình” đốt nhang, từng bó từng bó tới tấp.
Biến tướng trong lễ hội không phải là vấn đề mới nhưng càng ngày mức độ biến tướng của nó càng tăng lên. Liên tục trên các chương trình thời sự gần đây đã dành thời lượng phát sóng khá dài để phản ánh về vấn đề bất cập này.
Sẽ thật thiếu sót nếu không kể tới 5000 người tham gia lễ hội cướp Phết ở Hiền Quang – Phú Thọ để làm dẫn chứng thiết thực cho những biến tướng của mùa lễ hội năm nay. Theo quan niệm từ xưa của cha ông ta truyền lại thì ai có được quả Phết thì trong năm đó sẽ đại may mắn.
Dù công tác chấn chỉnh an ninh ở lễ hội đã được nhắc đến nhiều lần, cả trước, trong và sau tết. Thế nhưng sự ẩu đả vẫn diễn ra tại lễ hội giống như rất nhiều năm trước. Nhìn vào lễ hội này, nếu chúng ta là du khách thì liệu có dám tham gia hay không?
Trước giờ cướp Phết một tiếng, hàng nghìn người đã ùn ùn kéo đến. Bãi đất rộng đến hơn 1 hecta cũng được lấp đầy. Chưa cướp Phết mà đã diễn ra màn “chào hỏi” đầy ồn ào của các trai làng.
Không nghe được tiếng còi, cũng chả thấy thông báo, cái dễ nhất để nhận biết hội bắt đầu chính là màn khói bụi dày đặc bao quanh đám đông. Những vòng tròn lớn, vòng tròn nhỏ được tạo ra. Chẳng có luật chơi thế nên cách duy nhất để chạm, sờ vào quả Phết là liều mình lao vòng trung tâm vòng tròn. Nhưng không phải ai cũng đủ khỏe mạnh để nhanh chân và may mắn giữ được quả Phết đó.
Theo tôi thấy thì đây nên được gọi là một trận đánh nhau “hợp pháp” thì đúng hơn là một lễ hội. Khi nhìn thấy những hình ảnh tranh, cướp kinh hoàng thì tôi chợt nghĩ lý do các lễ hội được tổ chức sau Tết phải chăng là do nếu tổ chức cận Tết thì chắc phải có hàng tá người “mất Tết”, phải đón cái Tết ngậm ngùi trong bệnh viện do “hăng máu” tranh, cướp quá ư?
Theo Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, mỗi năm chúng ta có hơn 8000 lễ hội lớn, nhỏ và 2/3 trong số đó diễn ra vào dịp đầu xuân. Trong những ngày đầu xuân vừa qua, dư luận và báo chí đã chứng kiến đủ những chuyện bi hài bắt nguồn chủ yếu từ ý thức của người dân tham gia lễ hội và cả những yếu kém trong công tác quản lý của những người làm văn hóa cũng như của chính quyền địa phương.
Người ta vẫn nói “vui như đi hội” nhưng nhìn những hình ảnh này nhiều người chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm và…sợ.
Gọi là lễ hội nhưng lại diễn ra những cảnh dẫm đạp, xô xát, cướp bóc, chửi bới, giành nhau những vật phẩm cúng tế mang tính tượng trưng cho may mắn, cho tài lộc.
Tình trạng lạm dụng lễ hội trở nên đáng báo động ở rất nhiều lễ hội cấp địa phương, cấp tỉnh và cả cấp quốc gia. Biểu hiện ở nhiều mặt khác nhau, cả ở phía người tổ chức cũng như người tham gia.
Điều đó đã làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát. Chính tư tưởng mê tín khiến hiện tượng buôn thần bán thánh nở rộ và những hiện tượng: bói toán, xóc quẻ, xin xăm, viết sớ, đốt vàng mã đã trở thành vấn nạn.
Theo các chuyên gia văn hoá thì tâm thế của nhiều người đi lễ hội đang bị “loạn chuẩn”.
Hơn bao giờ hết câu chuyện quản lý nghiêm túc và thay đổi nhận thức của người dân khi đi lễ hội đang được thực tế đặt ra như một thách thức. Tại sao những hình ảnh lễ hội nhếch nhác, phản cảm và đáng thất vọng vẫn tái diễn năm này qua năm khác?
Các nhà nghiên cứu văn hoá lễ hội khẳng định: Chúng ta đang phải chứng kiến những thay đổi về giá trị của văn hoá truyền thống. Những biến tướng của lễ hội phản ánh những biến đổi trong tâm lý của người dân. Chùa chiền sẽ không còn giá trị nếu không vun đắp tính nhân văn của cộng đồng và lòng nhân ái trắc ẩn của mỗi con người.
Đi lễ nhiều, cầu xin cũng nhiều nhưng tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu mỗi chúng ta không biết chăm sóc cho “mảnh ruộng” chân tâm của mình. Ai ai cũng có tâm Phật nhưng ngặt một điều là do nghiệp lực từ thời quá khứ, hiện tại và hoàn cảnh chi phối mà cái tâm ấy đã bị vẩn đục bởi những thứ ô trược của thế gian.
Phật cốt tại tâm. Có trí tuệ, đạo đức, tấm lòng nhân ái và từ bi sâu sắc trong tâm mỗi người thì đó chính là Phật. Phật đâu phải kiếm tìm ở đâu xa.
Phật hiện trong ta khi tâm lành hiện
Phật xa rời khi tâm ác phát sinh
Lánh trần gian cám dỗ khởi tình
Bước an lành trên đường giải thoát.
Chúng ta hãy cùng nhau phá bỏ bức màn vô minh đang che lấp tâm hồn của mình bằng những hành động cụ thể như bài trừ các hành vi mê tín dị đoan, đi ngược lại với giáo lý đức Phật và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Để những mùa sau lễ hội sẽ được diễn ra theo đúng nguyên bản ý nghĩa của nó. Đậm đà giá trị văn hóa dân tộc và thấm nhuần tình yêu quê hương đất nước.
Kim Tâm