Thực trạng công tác Tăng sự và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Tăng sự của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam

411

Nhìn nhận và đánh giá thực trạng công tác Tăng sự hiện nay là cơ sở giúp cho Ban Tăng sự các cấp có giải pháp thiết thực và chủ động trong việc nâng cao hiệu quả trong các hoạt động chuyên ngành, tăng cường năng lực giám sát, đôn đốc, kiểm tra các hoạt động Phật sự chung, tiến hành tham mưu, đề xuất trực tiếp với Ban Thường trực và lãnh đạo Giáo hội các cấp để đạt kết quả tốt trong điều hành Phật sự…

Ảnh: Đăng Huy

1. Đối tượng của công tác quản lý Tăng sự, đối tượng chịu sự điều chỉnh trong công tác:

Tăng sự là Tăng Ni và tự viện. Xét về phương diện niềm tin, Tăng Ni và tự viện là nơi hiện hữu của ngôi báu Tam bảo: Phật – Pháp – Tăng. Do đó, công tác Tăng sự luôn luôn là một trong những Phật sự quan trọng hàng đầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiệm vụ đặt ra của công tác Tăng sự là thống nhất sự lãnh đạo và quản lý, giám sát, hướng dẫn, hộ trì việc tu học, hành đạo, sinh hoạt của Tăng Ni và các hoạt động diễn ra của các tự viện.

Căn cứ để thực hiện nhiệm vụ này căn cứ vào việc thực hành và tuân thủ đúng giới luật Phật chế trong hệ thống luật Phật giáo, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các quy chế của Giáo hội và nội quy Ban Tăng sự Trung ương, hệ thống pháp luật Nhà nước như Luật tín ngưỡng – tôn giáo; Nghị định 162/NĐ-CP và những văn bản quy phạm pháp luật khác.

Trụ trì các cơ sở tự viện, theo sách Thiền lâm bảo huấn là Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng. Theo nội quy Ban Tăng sự thì trụ trì là người ở tại một cơ sở tự viện Phật giáo là người đại diện, thay mặt Giáo hội nắm giữ trú xứ đó, chịu trách nhiệm trước Giáo hội trong việc quản lý cơ sở vật chất, điều hành các hoạt động Phật sự, lãnh đạo đồ chúng xuất gia và tại gia, truyền bá và hoằng dương chính pháp.

Cơ sở tự viện Phật giáo là nơi mà mọi hoạt động Phật sự diễn ra, từ các hoạt động hoằng pháp, giáo dục, hướng dẫn Phật tử, các hoạt động nghi lễ, văn hóa, hoạt động giao lưu quốc tế, nghiên cứu kinh điển và thông tin truyền thông, công tác từ thiện xã hội, quản lý kinh tế tài chính, công tác pháp chế, kiểm soát… Các cơ sở tự viện được xác định là cơ sở, là giáo sản của Giáo hội. Do đó, công tác Tăng sự bao hàm mọi hoạt động Phật sự chuyên ngành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2. Thực trạng công tác quản lý, Tăng sự hiện nay của các cấp Giáo hội:

Trong hệ thống tổ chức công tác Tăng sự của Giáo hội có Ban Tăng sự Trung ương là một trong các ban, viện chuyên ngành thuộc Hội đồng Trị sự được giao nhiệm vụ quản lý Tăng Ni, tự viện, tổ chức các hoạt động Tăng sự và các Ban Tăng sự thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố. Phân ban Ni giới trực thuộc Ban Tăng sự ở các cấp Giáo hội.

Theo báo cáo tổng hợp từ các Ban Trị sự địa phương, hiện nay Giáo hội đang quản lý các cơ sở tự viện Phật giáo trong cả nước khoảng 18.500 tự viện bao gồm chùa Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, chùa Phật giáo người Hoa, các tịnh xá hệ phái Khất sĩ và các tịnh thất, niệm Phật đường với tổng số Tăng Ni trong cả nước khoảng gần 55.000 Tăng, Ni bao gồm tất cả các hệ phái trong tổ chức Giáo hội cùng với hơn 50 triệu những người yêu mến đạo Phật.

Công tác Tăng sự cũng đặc biệt quan tâm đến sự đoàn kết các hệ phái Phật giáo thông qua việc cho thành lập các Phân ban Tăng sự đặc trách các hệ phái, hỗ trợ các hoạt động Phật sự của các hệ phái thông qua các hội nghị chuyên đề… đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Tăng sự ở tất cả các cấp Giáo hội, chúng ta cần phải đề cập đến một số vấn đề như sau:

Về quản lý cơ sở tự viện: Giáo hội chưa thực sự thống nhất quản lý tất cả các cơ sở tự viện theo Điều 57, Chương X Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VI do có tồn tại các loại hình cơ sở tự viện khác nhau (chùa di tích lịch sử, chùa làng, chùa sơn môn, hệ phái, chùa gia tộc…) và các cơ sở tự viện có hoàn cảnh lịch sử khác nhau (hình thành trước và sau năm 1981)… Vì vậy, theo quy định của Hiến chương và nội quy Ban Tăng sự thì cơ sở tự viện là giáo sản của Giáo hội, đặt dưới sự quản lý của Giáo hội và Giáo hội giao quyền quản lý cơ sở tự viện cho các Ban Trị sự tỉnh quản lý nhưng không có các quy định ràng buộc, chế tài trong việc này dẫn đến không xác định cụ thể quyền trực tiếp định đoạt và quyền quyết định khi xử lý các tranh chấp phát sinh và các vấn đề nảy sinh khi bổ nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện.

Các công tác Phật sự chuyên ngành của Ban Tăng sự các cấp từ Trung ương đến các địa phương đều thực hiện tốt các mục tiêu đề ra tập trung vào tổ chức, quản lý tốt công tác Tăng Ni, tự viện. Việc hướng dẫn thống kê Tăng Ni, tự viện cấp giấy chứng nhận Tăng Ni, an cư kiết hạ, thuyên chuyển vùng tu học và sinh hoạt Phật sự, bổ nhiệm trụ trì các chùa trên cả nước theo đúng quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Luật tín ngưỡng – tôn giáo…

Phân ban Ni giới Trung ương trực thuộc Ban Tăng sự hoạt động rất có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực Phật sự, đóng vai trò quan trọng trong thành tựu Phật sự chung của Giáo hội, nhất là công tác Từ thiện xã hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh tiếp tục củng cố và thành lập mới Phân ban Ni giới trực thuộc Ban Tăng sự cấp tỉnh.

Về quản lý Tăng, Ni: Mặc dù có hệ thống giới luật Phật chế, quy củ thiền môn, thanh quy của cơ sở tự viện, các quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nội quy Ban Tăng sự Trung ương, nội quy Ban Trị sự tỉnh, thành phố và các quy định cụ thể khác… là cơ sở để điều chỉnh hành vi thân, khẩu, Tăng Ni, tuy nhiên thì vấn đề quản viện, việc thực ý, đạo hạnh của lý Tăng Ni vẫn là một lĩnh vực khó khăn và có nhiều vấn đề nổi cộm trong những năm qua. Các vấn đề này chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đạo hạnh của Tăng Ni, nhất là Tăng Ni trẻ trong sinh hoạt, trong việc sử dụng và xuất hiện trên các trang mạng xã hội với những hình ảnh được xem như lệch chuẩn, làm xói mòn niềm tin, ảnh hưởng đến uy tín của Tăng Ni nói chung và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về quản lý tự viện, bổ nhiệm trụ trì và thuyên chuyển sinh hoạt Tăng Ni vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất trong quản lý chung của Giáo hội. Hiện nay các địa phương còn có những cách hiểu khác nhau về vai trò của sơn môn, hệ phái trong công tác quản lý tự viện, bổ nhiệm trụ trì. Trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sơn môn và hệ phái chỉ được đề cập trong phần mở đầu của Hiến chương là tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp, mà không nằm trong bất kỳ điều khoản nào của Hiến chương.

Do đó, vấn đề này được quy định rõ trong nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ VIII, vai trò của sơn môn và hệ phái được ghi tại khoản 3, Điều 18 Chương V: Quản lý tự viện và tại khoản 2, Điều 56, Chương X: Trụ trì và Bổ nhiệm trụ trì nêu rõ vai trò này được xác định ở mức độ là phải trao đổi đi đến thống nhất với sơn môn và hệ phái, còn quyền quyết định về tự viện và các hoạt động Phật sự của tự viện đều đặt dưới sự thống nhất quản lý về mặt tổ chức của Giáo hội các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Trong quản lý tự viện ở một số Ban Trị sự địa phương, nhất là các Ban Trị sự đang quản lý các cơ sở tự viện có lịch sử lâu đời, được coi như chùa của làng xã mà chưa có bổ nhiệm trụ trì đã có những quy định không tiếp nhận Tăng Ni từ các địa phương Ban Trị sự tỉnh khác thuyên chuyển về địa phương mình. Do đó, xuất hiện những câu hỏi và những đặt vấn đề về tính nguyên tắc trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về sự thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức trong Giáo hội. Vấn đề này đòi hỏi Ban Tăng sự Trung ương phải có những đề án tổng thể và riêng biệt với các địa phương trong quản lý Tăng Ni, tự viện và thuyên chuyển sinh hoạt của Tăng Ni cho phù hợp với thực tế đặt ra trên tinh thần thống nhất chung, đoàn kết và hòa hợp.

Trong khi các Ban Trị sự khu vực phía Bắc gặp phải những khó khăn trong việc quản lý tự viện, bổ nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện được xem như tài sàn thuộc sở hữu toàn dân đó là các ngôi chùa làng xã… như đề cập ở trên, thì các Ban Trị sự khu vực phía Nam xuất hiện những khó khăn trong việc quản lý các cơ sở tự viện là những am, thất, tịnh thất được xây dựng tự phát của các Tăng Ni, mà ở đây đa phần là các Tăng Ni trẻ sau khi tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo giáo dục Phật giáo đã hình thành nên loại hình tự viện này mà các Ban Trị sự địa phương rất khó khăn trong quản lý. Qua đó cho thấy còn chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý Tăng sự giữa Ban Tăng sự Trung ương với Ban Tăng sự các địa phương và giữa Ban Tăng sự các địa phương với địa phương trong quản lý Tăng Ni. Cũng như chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Trị sự các cấp với chính quyền địa phương các cấp trong phối hợp quản lý về cư trú và thực hiện các quy định trật tự xây dựng tại địa phương.

Vấn nạn giả làm nhà tu hành, giả sư để trục lợi đang làm nhức nhối trong công tác Tăng sự hiện nay. Mặc dù đã có sự phối hợp giữa Ban Tăng sự với Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát nhằm giải quyết vấn nạn này qua một số sáng kiến thành lập Ban kiểm Tăng… Tuy nhiên cho đến nay vấn nạn này vẫn còn tồn tại, cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của các Ban Trị sự, sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan để giải quyết.

Một trong những thực trạng cần tập trung triệt để thực hiện ở các Ban Trị sự là phải thực hiện nghiêm các quy định của Giáo hội trong việc đặc biệt chú trọng tới chất lượng, tiêu chuẩn của người xuất gia và sự trang nghiêm, chất lượng của các Đại giới đàn. Trong nội quy Ban Tăng sự có quy định rất rõ về điều kiện, tiêu chuẩn của người xuất gia tại Điều 36, Chương VIII; quy định rất rõ về tiêu chuẩn thụ giới tại các Đại giới đàn tại Điều 44, Điều 45, Điều 46, Chương IX. Song vẫn còn tồn tại thực trạng là một số Ban Trị sự, một số các thầy nghiệp sư đã chưa thực hiện nghiêm theo các quy định của Giáo hội.

Việc tổ chức các Đại giới đàn với số lượng giới tử quá đông sẽ là một khó khăn trong việc xem xét các hồ sơ đáp ứng theo tiêu chuẩn của nội quy Ban Tăng sự, sẽ là một khó khăn trong việc khảo hạch, xác định chất lượng của các giới tử… Trang nghiêm Đại giới đàn sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng, đạo hạnh của Tăng Ni. Thực hiện nghiêm cẩn quy định tiêu chuẩn, chất lượng bổ nhiệm trụ trì cho Tăng Ni có một tác động mạnh mẽ tới hoạt động Tăng sự ở tất cả các cấp của Giáo hội.

An cư kiết hạ là một hoạt động Phật sự đóng vai trò quan trọng trong công tác Tăng sự. Tất cả các Ban Trị sự đều tổ chức An  cư kiết hạ theo luật Phật chế, theo quy định của Giáo hội, theo thông bạch hàng năm của Ban Tăng sự Trung ương. Mặc dù tất cả Tăng Ni đều hiểu an cư kiết hạ là yếu vụ của một vị Tỷ-kheo, tuy nhiên vẫn còn sự lỏng lẻo trong sinh hoạt an cư kiết hạ ở một số trường hạ địa phương. Từ những thực trạng nêu trên, vấn đề quản lý Tăng Ni, tự viện đòi hỏi nhiều giải pháp thiết thực và thống nhất.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tăng sự hiện nay:

Thứ nhất: Các ban, viện, Ban Trị sự và Tăng Ni phải thực sự xác định tầm quan trọng của công tác Tăng sự là sự sống còn của niềm tin của đạo pháp, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó trong mỗi hoạt động Phật sự, mỗi sinh hoạt, mỗi hành vi của Tăng Ni đều phải đặt niềm tin và hình ảnh của Giáo hội lên trên hết. Ban Tăng sự Trung ương cần phải chủ động trong phối hợp công tác và thiết lập sự khăng khít trong công tác quản lý Tăng Ni, tự viện giữa Ban Tăng sự Trung ương và các Ban Tăng sự thuộc Ban Trị sự các địa phương trên tất cả các chuyên ngành Tăng sự.

Thứ hai: Tăng cường phổ biến nội dung Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nội quy Ban Tăng sự Trung ương cho Tăng, Ni ở tất cả các cơ sở tự viện. Kêu gọi Tăng Ni, thành viên của Giáo hội phải tôn trọng và nghiêm túc chấp hành theo Hiến chương và Nội quy của Giáo hội. Trên cơ sở các quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước, Ban Tăng sự Trung ương nghiên cứu, tham mưu cho Hội đồng Trị sự có sự nhất quán, thống nhất, tập trung quyền quản lý của Giáo hội đối với tất cả các loại hình cơ sở tự viện trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ban hành các chế tài và nghiêm khắc chấp hành các chế tài trong việc quản lý Tăng Ni, tự viện, nhất là chế tài đối với trụ trì các cơ sở tự viện. Có như vậy, Giáo hội mới đảm bảo kỉ cương trong công tác quản lý Tăng sự hiện nay.

Thứ ba: Cần nhấn mạnh tới việc Tăng, Ni và các cấp Giáo hội cần thực hiện nghiêm các quy định và làm tốt công tác bổ nhiệm trụ trì, thuyên chuyển sinh hoạt Tăng Ni các cơ sở tự viện. Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định về vấn đề này tại Chương X và Chương XIV. Tuy nhiên, cần phải nâng cao ý thức chấp hành theo đúng quy định, quy trình của việc bổ nhiệm trụ trì và thuyên chuyển sinh hoạt Tôn giáo. Ban Tăng sự cần thiết tham mưu cho Hội đồng Trị sự có quy định chế tài ràng buộc giữa Tăng Ni trụ trì và thực hiện thuyên chuyển với trách nhiệm của các thầy nghiệp sư, bổn sư, y chỉ sư trong suốt quá trình thực hiện tại các cơ sở tự viện.

Thứ tư: Ban Tăng sự Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ban Pháp chế Trung ương, Ban Kiểm soát Trung ương  trong việc quản lý, giải quyết các vấn đề Tăng sự. Sự vào cuộc chủ động, kịp thời của các Ban ở cấp Trung ương sẽ có tác động thúc đẩy hoạt động của các Ban Trị sự địa phương, nâng cao hiệu quả trong việc xử lý các công việc phát sinh tại địa phương. Sự phối hợp giữa các Ban Trung ương và các Ban chuyên ngành địa phương sẽ tránh tình trạng phức tạp của sự việc Tăng sự trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay trong xã hội.

Thứ năm: Ban Tăng sự Trung ương và Ban Tăng sự các địa phương cần đẩy nhanh việc thống kê Tăng Ni, tự viện. Thực hiện chuyển đổi và quản lý Tăng Ni, tự viện áp dụng kỹ thuật số, thẻ Tăng Ni, Phật tử bằng thẻ kỹ thuật số.

Thứ sáu: Ban Tăng sự Trung ương cần có quy định cụ thể và ban hành các quy định chung về tổ chức Đại giới đàn, về sinh hoạt an cư kiết hạ. Có sự khảo sát, đánh giá kết quả, đúc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, sinh hoạt an cư kiết hạ ở các Ban Trị sự, từ đó có các mô hình sinh hoạt an cư phù hợp với hoàn cảnh thực tế vừa thực hành theo giới luật Phật chế, vừa có hiệu quả tăng trưởng đạo tâm cho Tăng, Ni.

Trên đây là một vài giải pháp kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Tăng Ni, tự viện của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

TT. Thích Đức Thiện

Văn hóa Phật giáo số 352

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB