Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: HẠNH PHÚC KHI TA CÒN MẸ

136

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: HẠNH PHÚC KHI TA CÒN MẸ
MS 046 Báo viết

Trong cuộc sống hôm nay đã có rất nhiều những tấm gương hiếu thảo hết mực với mẹ mình thật đáng trân trọng, tôn vinh. Cạnh nhà tôi cũng có một anh hàng xóm tuổi đã gần 60. Cứ mỗi buổi sáng sớm tôi lại thấy anh dùng xe lăn để đẩy mẹ mình đi vòng quanh thành phố. Vừa đi anh vừa nói chuyện với mẹ mình với thái độ thật từ tốn, nhỏ nhẹ, tôn kính. Phía sau là người vợ với những trái cây tươi và bình sữa cho người già. Họ dừng chân tại các ghế đá công viên để mẹ anh dùng trái cây và uống sữa. Chồng kể chuyện, vợ gọt trái cây. Cả 3 khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Lại có những lúc bà mẹ cau gắt không hiểu do khó ở trong mình hay lẩn thẩn vì tuổi tác nên bà cáu gắt, chưởi rủa thậm tệ. Vậy mà cả đôi vợ chồng ấy vẫn cười, vẫn ôn tồn năn nỉ mẹ. Tuần nào họ cũng đưa mẹ đi chơi cùng con cháu. Có lần đang ăn sáng bà bị sặc và phun thức ăn bắn đầy mặt người con dâu do không làm chủ được bản thân, thấy ánh mắt bối rối vì lo lắng, vì ân hận, người phụ nữ ấy vẫn ôn tồn nói bà «Không có gì đâu mẹ, trong người mẹ có làm sao không ? » Vừa nói chị vưa dùng khăn lau mặt cho bà và cho cả chính mình với nụ cười thật đôn hậu, đáng yêu đến dường nào.

Mấy ngày liên tiếp không thấy hình ảnh ấy, tôi bắt đầu suy nghĩ đến những điều không may đã xảy đến cho bà. Quả đúng như tôi dự đoán. Bà mới qua đời trong sự viên mãn bởi luôn được cháu con lo toan chu đáo. Tôi càng bất ngờ hơn khi chứng kiến đôi vợ chồng kia vẫn đẩy chiếc xe lăn quen thuộc vào công viên mỗi sáng, trên xe vẫn có đầy đủ những loại thức ăn, nước uống mà bà đã quen dùng mỗi ngày nhưng bây giờ đã vắng bóng một con người già nua ngồi trên chiếc xe ấy, thêm vào đó là 2 mảnh vải nhỏ màu đen cài lên ngực áo của đôi vợ chồng hiếu thảo kia. Người đàn ông kể «Mẹ chúng tôi mất rồi. Nhớ bà quá nên mỗi sáng chúng tôi lại đẩy chiếc xe lăn quen thuộc nầy vào đây như mẹ vẫn còn sống quanh đây. Hạnh phúc lắm khi ta còn có mẹ. Chúng tôi thì… » Anh bật khóc. Những giọt nước mắt đàn ông khiến tôi, một người đàn ông cũng bật khóc trước lòng hiếu thảo của vợ chồng anh. Tôi chợt xấu hỗ vì trong thời gian qua tôi chưa thật sự lo lắng, chăm sóc mẹ mình chốn quê sâu. Có chăng là những cuộc điện thoại qua loa thăm hỏi chiếu lệ hay những khoản tiền tôi gởi về để mẹ trang trải cuộc sống, thậm chí có lần nghe tin mẹ ốm, tôi cũng tìm mọi cách để tránh né việc chăm sóc mẹ trong bệnh viện ở quê với rất nhiều lý do do tôi ngụy tạo. Tôi chợt giật mình và ân hận vô chừng. Hóa ra tôi đang còn may mắn hơn nhiều người khác là còn có mẹ, vậy mà tôi quá vô tâm, vô tâm đáng lên án.

Cũng là hàng xóm, đối diện nhà tôi lại là một hoàn cảnh xót xa cho một bà mẹ già. Bà cụ chắc cũng đã trên 70 tuổi dáng nhà quê rất mực. Cả hai vợ chồng và hai đứa con rời nhà từ rất sớm để đi học, đi làm đến chiều mới trở về nhà. Ở nhà một mình, bà quét dọn miệt mài căn nhà 3 tầng to nhất xóm nầy ; xách nước tưới cây ; rửa chén dĩa chiều hôm trước ; giặt đồ, phơi đồ, làm thức ăn cho cả nhà…Vậy mà có yên đâu, cứ vài hôm là nghe tiếng nàng dâu chì chiết vì thức ăn mặn, lạt, chua, chát hay tiếng hai đứa trẻ mắng nhiếc bà nội «ở dơ », giặt đồ không sạch (dù giặt bằng máy giặt)…Nhiều lần bà đã toan về quê nhưng đứa con trai cứ nài nì nên bà cứ nấn ná ở lại với suy nghĩ : Thôi thì tiếp giúp gì được cho chúng thì cứ làm. Chấp nhất chi những lời nói hỗn hào khó nghe.

Cứ mỗi lần thấy bà cặm cụi lao động trong căn nhà sang trọng ấy, tôi tự hỏi : Bà đang là mẹ, là bà hay đang là O Sin không lương trong ngôi nhà ấy ? bà định làm như vậy cho đến bao giờ ? Và đến bao giờ đứa con trai, con dâu, hai đứa cháu nội chợt nhận ra điều nầy và có thái độ cư xử khác.

Tháng trước bà mẹ lam lũ chịu đựng ấy qua đời. Đứa con trai và nàng dâu vô cảm ấy cứ khăng khăng tổ chức đám tang bà tại nhà dù họ hàng dưới quê đề nghị mang bà về dưới đó. Họ khó rất thảm thiết, kể lể rất thương tâm ra chiều đau đớn lắm khi bà đã không còn. Khách đến viếng tang rất đông bởi họ đang là những quan chức khá có tiếng ở địa phương nầy, ai cũng khen họ quá hiếu thảo với mẹ đến lúc lâm chung. Còn tôi, tôi nhìn họ với ánh mắt rất xa lạ, dửng dưng, nói đúng hơn là lên án những hành vi gian dối, vô cảm, bất nhân với một người đàn bà từ khi có mặt trên cõi đời nầy đến lúc mất đi chỉ biết hy sinh vì con, vì cháu.

Mới đây tôi đã bật khóc vì ngậm ngùi thương xót những bà mẹ già đã bị chính những đứa con gái do mình đứt ruột sinh ra đã hành xử với mình như thời tiền cổ khi cho ăn, tắm rửa…Có lẽ chúng chỉ muốn mẹ mình sớm chết đi để rảnh nợ lo toan mỗi ngày. Tôi chợt nghĩ những bà mẹ bất hạnh kia cũng chẳng thiết sống mà chi khi mỗi ngày phải chịu những trận tra tấn quá đớn đau và đớn đau hơn cả là sự mất mát trong vô vọng về những đứa con của chính mình. Tôi lại chợt nhớ đến câu ca dao nói về mẹ «Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương». Mẹ bao giờ cũng bao la và vĩ đại đến vậy. Thế mà…

Ảnh minh họa:  Cầu nguyện mùa Vu lan

Mùa Vu lan báo hiếu đang về. Có những người cài lên ngực mình bông hồng đỏ thắm với niềm hạnh phúc vô biên khi còn có mẹ ; có người cài lên ngực chiếc bông hồng trắng với niềm thương nhớ khôn nguôi bởi đấng sinh thành đã vĩnh viễn đi vào cõi hư vô.

Người ta thường nói : mình chỉ biết quý trọng những gì đã mất đi mãi mãi vậy thì cơ sao mỗi người chúng ta lại vô tình quên lãng những tài sản vô giá là cha, là mẹ đang quanh quẩn bên ta, hy sinh vì ta suốt cả cuộc đời.

——-

Tác giả dự thi: Trần Trấn Giang
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB