(QCB) – Đồng loạt các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới và trong nước vừa đưa tin về sự viên tịch và ca ngợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một vị Thầy hướng dẫn tâm linh, cho một lối sống an trú hiện tại với phương pháp thiền Chánh niệm.
Tờ tạp chí kinh doanh Inc. (Mỹ) từng đăng bài viết có tiêu đề “Vị thiền sư làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ: Nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy về cách sống”
Tờ tạp chí kinh doanh Inc. (Mỹ) từng đăng bài viết có tiêu đề “Vị Thiền sư làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ: Nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy về cách sống”. Bài viết của tác giả Susan Steinbrecher nhận định Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những bậc thiện tri thức của Phật giáo được công chúng quốc tế yêu kính hàng đầu hiện nay.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được người phương Tây biết tới trước tiên qua những bài học về cách sống an yên, tĩnh tâm, cách sống tỉnh thức để đạt tới những điều ý nghĩa trong đời sống.
Thiền sư đã đưa những bài học trong Phật giáo một cách giản dị, dễ hiểu và thiết thực tới công chúng phương Tây, đã làm thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận của hàng ngàn người phương Tây qua năm tháng bằng những bài giảng của mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn là tác giả của những đầu sách bán chạy luận bàn về Phật giáo, về thiền, về cách sống tỉnh thức. Trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, những bài học của Thiền sư càng trở nên có ý nghĩa thiết thực.
Những điều mà Thiền sư truyền đạt thông qua các cuốn sách và bài giảng của mình như đưa lại câu trả lời cho những câu hỏi rất lớn và rất khó về đời sống, về đời người, những câu hỏi lớn lao muôn thuở đã và đang “ám ảnh” con người xuyên suốt dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian.
Những bài học mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh đời sống hiện đại nhiều áp lực và biến động hôm nay.
Bài viết trên tờ tạp chí Inc. nhận định Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với công chúng quốc tế qua những bài giảng ý nghĩa về cuộc sống.
Tờ tạp chí Inc. cũng đã nhiều lần đăng tải những điều tinh túy trích dẫn từ các cuốn sách hay bài giảng của thiền sư; về sự trân trọng cuộc sống trong khoảnh khắc của hiện tại; về cách để tìm thấy niềm vui, sự bình an và nuôi dưỡng tình yêu thương trong nội tâm…
Tờ tin tức The Huffington Post (Mỹ) cũng đã đăng khá nhiều bài viết về những thông điệp ý nghĩa mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng gửi gắm qua những lần thuyết giảng lúc sinh thời. Bài đăng của tác giả Michelle Cove trên tờ The Huffington Post nhấn mạnh vào bài học về cách lắng nghe mà bà đã có dịp tiếp thu từ thiền sư lúc ngài còn tại thế.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tin rằng để giải quyết những vấn đề của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng, thậm chí là của nhân loại, chúng ta cần học được nghệ thuật của việc lắng nghe một cách sâu sắc.
Việc lắng nghe sâu sắc đòi hỏi người nghe phải thực sự hiện diện trước người mà họ đang đối thoại, lắng nghe bằng một tấm lòng yêu thương, rộng lượng, để người nói có thể thoải mái trút bỏ tâm sự, giãi bày tất cả những gì chất chứa trong lòng, để họ muốn mở lòng chia sẻ nội tâm.
Thiền sư khuyên rằng chúng ta không nên vội vã bày tỏ quan điểm, ý kiến, hay đưa ra lời khuyên trước những gì ta vừa được nghe, thay vào đó chỉ nên tiếp tục lắng nghe một cách sâu sắc. Khi một người lắng nghe một cách chân thực để thực sự thấu hiểu đối phương một cách sâu sắc và đầy đủ, chỉ riêng hành động đó thôi đã giúp làm giảm đi những nỗi đau khổ ở người đang chia sẻ.
Bài học về sự lắng nghe sâu sắc có thể làm thay đổi trải nghiệm trong cuộc sống của chúng ta. Không chỉ riêng tác giả Michelle Cove mà còn nhiều tác giả khác từng chia sẻ trong những bài viết của họ, rằng họ đã chứng kiến những sự đổi thay kỳ diệu trong công việc và cuộc sống khi thực hành việc “lắng nghe sâu sắc”.
Những khi trong công việc hay trong đời sống cá nhân của họ nảy sinh vấn đề, các tác giả này đều đã thử thực hành việc “lắng nghe sâu sắc” và nhận thấy hiệu quả bất ngờ trong việc đối thoại, xử lý vấn đề phát sinh với đồng nghiệp, với người thân.
Tờ tin tức The Guardian (Anh) cũng đã nhiều lần đăng tải những bài viết chuyên sâu về các bài học được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra với công chúng phương Tây.
The Guardian đặc biệt quan tâm tới những bài thuyết giảng của Thiền sư về lối sống tỉnh thức, nhằm đạt được sự cân bằng, an yên, tĩnh lặng trong đời sống hiện đại, khi chúng ta đều đang sống giữa những bộn bề, lo toan, áp lực trong công việc, trong cuộc sống.
Lúc sinh thời, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ của thế giới đã mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới để giảng giải cho họ về cách sống tỉnh thức, cân bằng, về phương pháp thiền với hy vọng có thể tìm được sự phát triển bền vững cho tập đoàn, để họ có thể đóng góp những điều tốt đẹp vào sự phát triển của nhân loại.
Đồng thời, những tập đoàn công nghệ lớn này những mong thiền sư đưa ra những chỉ dẫn, để giúp nhân viên của họ có thể tìm ra cho cá nhân mình những hướng phát triển bền bỉ, để tìm được niềm vui và sự cân bằng giữa công việc và đời tư.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng đưa ra những lời khuyên về việc thực hành lối sống tỉnh thức và việc tập thiền ngay cả ở nơi làm việc, về cách mỗi người cần tự đối thoại với nội tâm của chính mình, học cách tự chăm sóc cho thân và tâm của mình để đạt được sự cân bằng.
Thiền sư cũng nhấn mạnh về ý nghĩa của “tính không”, rằng mỗi chúng ta trong một số giai đoạn cần học được cách dừng lại để trải nghiệm sự tĩnh lặng tối cao của đời sống, để hiểu hơn về những gì là phù phiếm, hư vô, ảo ảnh trong cõi đời này, dám tạm rời xa khỏi guồng quay không ngừng của công việc và đời sống thường nhật để cân bằng lại bản thân và trở nên an lạc.
Ngoài ra, Thiền sư cũng nhấn mạnh rằng các tập đoàn công nghệ cần phải hiểu được tính hai mặt của những phát minh, tiến bộ trong khoa học, phải hiểu về cách mà những phát minh này tác động tới đời sống con người và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của con người.
Tờ tin tức The Guardian đánh giá thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhân vật nổi tiếng và truyền cảm hứng nhưng cả cuộc đời mình, Thiền sư đã luôn chủ động sống bên ngoài sự quan tâm lớn của truyền thông – công chúng.
Dù vậy, Thiền sư vẫn luôn bằng cách này hay cách khác không ngừng chuyển tải những thông điệp tốt đẹp và ý nghĩa tới công chúng thông qua những cuốn sách, những bài thuyết giảng của mình.
The Guardian cũng đánh giá thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nỗ lực rất lớn để có một đời sống giản dị và tĩnh lặng, thiền sư tránh những cuộc giao tế ồn ào, ông chỉ nhận trả lời phỏng vấn với những nhà báo đã có thời gian tập thiền với mình, những người này về cơ bản đã hiểu phần nào về thiền và những nội dung cơ bản của lối sống tỉnh thức bằng chính trải nghiệm thực hành của họ.
Dù có lối sống tĩnh lặng, tránh xa những ồn ào, xô bồ, nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh không hề “quay lưng với thế gian”, lúc sinh thời, bằng nhiều cách khác nhau, thiền sư đã luôn nỗ lực chuyển tải những bài học và thông điệp ý nghĩa tới công chúng với hy vọng rằng mỗi người đều có thể gieo những nhân lành trong đời sống của mình để qua thời gian, những nhân lành ấy rồi sẽ trổ quả:
“Nếu chúng ta bắt đầu luyện tập cách sống tỉnh thức, chúng ta sẽ được trải nghiệm niềm vui, sự an lạc, sự biến đổi trong chính mình, chúng ta sẽ có thể sửa mình, để tìm thấy nguồn cảm hứng trong đời sống này. Tiền tài, danh vọng không thể mang lại hạnh phúc đích thực nếu chúng ta không biết sống và quan tâm tới thân – tâm của mình để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, sửa đổi tâm tính”.
Một số câu nói truyền cảm hứng của thiền sư Thích Nhất Hạnh
“Khi chúng ta sống tỉnh thức, thực sự trải nghiệm khoảnh khắc của hiện tại, chúng ta sẽ hiểu rõ ràng về những gì đang diễn ra một cách sâu sắc, chúng ta sẽ bắt đầu thực sự chấp nhận được những gì đang diễn ra trong đời sống của mình, bắt đầu có được niềm vui, sự an yên và tình yêu thương dành cho cuộc sống”.
“Khi ta yêu thương ai đó, điều tuyệt vời nhất mà ta có thể mang lại là sự hiện diện của ta. Làm sao ta có thể yêu thương người khác khi ta không hề hiện diện trong đời sống của họ?”.
“Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”.
“Bạn cần phải yêu thương theo cách khiến người bạn yêu thương cảm thấy họ được tự do”.
“Vẻ đẹp đích thực là khi ta được là chính mình. Bạn không cần phải được những người khác công nhận. Bạn cần phải chấp nhận được chính mình trước đã”.
“Chúng ta cần học cách sống cuộc sống này một cách sâu sắc. Chúng ta cần thở sâu từng nhịp để thấy rằng mình có sự bình an, niềm vui, sự tự do trong từng nhịp thở”.
“Những điều không như ý, thậm chí khốn khổ mà bạn gặp phải trong đời sống có thể rất nặng nề, nhưng đừng đợi cho tới khi bạn không còn gì đau khổ nữa mới cho phép mình được cảm thấy hạnh phúc, an lạc”.
“Kiên nhẫn chính là biểu hiện của yêu thương đích thực. Nếu bạn thực lòng yêu thương một ai đó, bạn sẽ cần kiên nhẫn với người đó”.
“Việc buông xả đưa lại cho chúng ta sự tự do, sự tự do là điều kiện duy nhất để cảm thấy hạnh phúc, an lạc. Nếu trong trái tim mình, chúng ta vẫn còn bám giữ lấy những nỗi giận dữ, sự âu lo, điều tham vọng, chúng ta sẽ không thể đạt được sự tự do trong tâm mình”.
“Để sự việc bộc lộ bản chất thật của nó trước mắt chúng ta, chúng ta cần phải từ bỏ định kiến của mình về sự việc trước đã”.
“Hy vọng là điều quan trọng bởi nó có thể khiến hiện tại trở nên bớt khó khăn hơn. Nếu chúng ta tin rằng ngày mai rồi sẽ tốt hơn, chúng ta sẽ có thêm nghị lực để chịu đựng những khó khăn của ngày hôm nay”.
“Sự giận dữ giống như cơn bão phát xuất từ đáy sâu của nhận thức. Khi bạn bắt đầu cảm thấy cơn giận dữ thành hình, hãy chuyển sự tập trung của bạn vào nhịp thở”.
“Chúng ta phải không ngừng học hỏi. Chúng ta phải giữ tâm thức cởi mở để có thể học hỏi. Và chúng ta còn cần phải sẵn sàng xả bỏ những điều cố chấp, định kiến của mình để có thể trở thành một con người thấu hiểu sâu sắc bản chất thực của con người và sự việc”.
“Lắng nghe và thấu hiểu những xúc cảm nội tâm của bản thân mình chính là cách để giải quyết phần lớn những vấn đề mà chúng ta gặp phải”.
“Những xúc cảm đến rồi đi giống như những đám mây trên bầu trời trong một ngày nhiều gió. Tỉnh thức trong từng hơi thở chính là chiếc mỏ neo vững chãi trong cuộc đời này”.
Đức Hoàng/Dân Trí tổng hợp
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB