Phát huy trí tuệ kỷ cương hướng đến chiến lược phát triển bền vững

180

(QCB) – Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng trích đăng các bài viết thuộc tác phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển của Hòa thượng Thích Huệ Thông. Các bài viết được sắp xếp và biên tập để cung cấp cho độc giả gần xa biết về những khó khăn, thách thức và nỗ lực không ngừng nghỉ của bao thế hệ chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong suốt nhiều năm, nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kỷ cương cũng là yếu tố quan trọng gắn liền với trí tuệ trong công tác hoạch định chiến lược phát triển bền vững của Giáo hội. Thật ra, một khi nói đến trí tuệ tức là đã có kỷ cương và ngược lại nói đến kỷ cương tức là đã có trí tuệ,…

Như chúng ta đã biết, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay khi vừa ra đời đã hoạch định ngay một kế hoạch mang tính chiến lược ổn định lâu dài, đó chính là Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiếp đó là việc kiện toàn tổ chức và ban hành các văn bản, quy phạm như: Quy chế, nội quy, quy định, điều luật để Giáo hội các cấp y cứ thừa hành nhằm tăng cường sự ổn định bền vững và làm nền tảng để từng bước phát triển. Như vậy, chiến lược ổn định là không có những thay đổi đáng kể trong cơ cấu nhân sự của toàn bộ hệ thống Giáo hội, chẳng hạn duy trì nguồn nhân sự đã suy cử, giữ nguyên khung sườn cơ cấu tổ chức của Giáo hội, giữ nguyên những điều, mục quan trọng cơ bản của Hiến chương Giáo hội và các nội dung cần thiết trong các quy chế, giữ nguyên hiệu lực của các quyết định đã ban hành trước đây…

Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước yêu cầu phát triển trong điều kiện đã gặt hái nhiều thành quả khả quan, cũng như đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá trong quá trình hoạt động Phật sự suốt 40 năm qua, chính vì vậy việc kế thừa và phát huy trí tuệ trong công tác hoạch định chiến lược cho toàn bộ hoạt động của Giáo hội sẽ là điều kiện tốt nhất để hiện thực hóa những mục tiêu mà Giáo hội đã đề ra. Theo đó, chiến lược phát triển bền vững là vừa tăng cường sự ổn định, vừa hướng đến sự phát triển trong tương lai, trong đó một số công tác quan trọng như đào tạo nguồn nhân sự kế thừa, cải cách các thủ tục hành chánh, cải cách phương thức làm việc khoa học hiện đại, cơ cấu nhân sự phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Phật sự, tăng cường phối hợp với các cấp Giáo hội, các Ban, Viện để công tác Phật sự hanh thông và hiệu quả, ban hành các quy chế thích ứng với hoàn cảnh và xu hướng phát triển của Giáo hội.

Đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp, trí tuệ là yếu tố đầu tiên và căn bản cho mọi hành dụng của tu sĩ Phật giáo, trí tuệ phản ảnh tầm nhìn và khả năng quan sát cũng như tiên liệu trước mọi tình huống sắp xảy ra, quan trọng hơn, trí tuệ sẽ giúp chúng ta hoạch định một chương trình hoạt động đúng hướng, tránh bị sai sót, rủi ro cũng như đỡ tốn kém thời gian mà lại đạt hiệu quả chất lượng, chính vì vậy sự phát triển bền vững của Phật giáo rất cần đến yếu tố trí tuệ, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, trên tinh thần hòa nhập, chúng ta dùng trí tuệ của Phật giáo để vận dụng một cách linh động, sáng tạo sao cho phù hợp với công tác tổ chức, lãnh đạo, điều hành Phật sự, cũng như phục vụ mục đích tu học và hoằng pháp, chắc chắn chúng ta sẽ có một nguồn năng lượng trí tuệ vừa khoa học, vừa giữ vững truyền thống tâm linh trong quá trình phụng sự chúng sanh và phát triển ngôi nhà Giáo hội một cách bền vững.

Mặt khác, kỷ cương cũng là yếu tố quan trọng gắn liền với trí tuệ trong công tác hoạch định chiến lược phát triển bền vững của Giáo hội. Thật ra, một khi nói đến trí tuệ tức là đã có kỷ cương và ngược lại nói đến kỷ cương tức là đã có trí tuệ, bởi trên thực tế, không có một vị Tăng hay vị Ni nào có trí tuệ mà không tuân thủ Hiến chương của Giáo hội hay không chấp hành những quy định của Pháp luật, cũng như một thành viên Giáo hội có giới luật, sống nề nếp kỷ cương thì bản thân vị này đã có trí tuệ. Chính vì vậy, hai yếu tố này tuy nói là hai nhưng thực chất là một và đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một chiến lược phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta đang sống trong thời đại mà sự văn minh, tiến bộ trong thời đại khoa học – kỹ thuật phát triển, nhất là sự phát triển tốc độ của hệ thống mạng xã hội, điều này đã phần nào làm thay đổi đời sống sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử. Trong xu thế toàn cầu hóa và trên tiến trình hội nhập của đất nước, đã buộc Phật giáo phải hòa nhập vào đời sống xã hội, chính vì vậy mà yếu tố trí tuệ kỷ cương càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Việt Nam Quốc tự nhân dịp Lễ Phật đản (Ảnh: VGP).

Từ nhận định này và y cứ theo định hướng từ tầm nhìn trí tuệ của tập thể chư Tôn đức Hội đồng Trị sự, đó là chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” đã được Giáo hội khởi xướng tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, cũng trên nền tảng Trí tuệ – kỷ cương, chúng tôi cũng mạo muội phát thảo một số mục tiêu bao quát và căn bản, cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Thông qua đó, chúng ta sẽ có cơ sở thiết lập một chương trình hoạt động Phật sự vì sự nghiệp phát triển về lâu, về dài. Từ cơ sở này, chúng tôi mong muốn Trung ương Giáo hội sẽ vận dụng trí tuệ vào công tác hoạch định một chiến lược phát triển vĩ mô để vững bước trên tiến trình hội nhập.

Các mục tiêu bao quát cho chiến lược phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bao gồm:

1. Xây dựng con người xuất gia vẹn toàn trí đức, trong đó có hai mục tiêu cụ thể: Một là thẩm tra, chắt lọc nguồn đầu vào cho Giáo hội (việc thâu nhận đệ tử xuất gia của các vị thầy Bổn sư); hai là nâng cao chất lượng nhân sự từ công tác giáo dục đào tạo Tăng tài.

2. Xây dựng guồng máy, không ngừng kiện toàn tổ chức, trong đó có các mục tiêu cụ thể, đó là công tác quy hoạch cán bộ, công tác tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn.

3. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế đáp ứng yêu cầu phát triển thời hội nhập, trong đó có các mục tiêu cụ thể, đó là năng động, sáng tạo trong việc tu chỉnh, cải tiến, bổ sung các nội dung cần thiết, đáp ứng tình hình thực tế của Giáo hội.

4. Xây dựng chương trình hoạt động Phật sự bao quát, trong đó có các mục tiêu cụ thể, đó là xây dựng các bộ phận tổ chức nhân sự, tham mưu, giám sát cho Hội đồng Trị sự bằng nguồn lực nhân sự sẵn có từ Ban Tăng sự Trung ương, các Trưởng Ban Trị sự Giáo hội các tỉnh, thành, các Trưởng Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; xây dựng chương trình hoạt động Phật sự cho các Ban, ngành và Ban Trị sự các tỉnh thành, trong đó chú trọng ngành Thông tin Truyền thông; hình thành các mô hình phát triển kinh tế mang dấu ấn thời đại Công nghiệp 4.0; tăng cường công tác đối ngoại của Giáo hội; nâng cao hiệu quả hoạt động Phật sự của ngành Thông tin Truyền thông; cải cách và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục và môi trường giáo dục đào tạo Tăng tài; chỉnh đốn hoạt động hoằng pháp (đúng chánh pháp) đáp ứng yêu cầu học Phật của quần chúng; nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Tăng sự…

Nhìn lại quá trình 40 năm hình thành, ổn định và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, chúng ta dễ dàng nhận thấy Phật giáo Việt Nam đã thật sự lớn mạnh trên nhiều phương diện,…

Trên tinh thần Trí tuệ – kỷ cương đúng như định hướng tại Đại hội Đại biểu Phật giáo lần thứ VIII nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đề ra, 4 mục tiêu tổng thể này sẽ là cơ sở ban đầu để chúng ta thực hiện công tác hoạch định cho một chiến lược phát triển bền vững. Từ việc xác lập bốn mục tiêu tổng thể và khái quát các điểm chính của mục tiêu cụ thể, chúng tôi mong rằng Giáo hội sẽ vận dụng tinh hoa trí tuệ của tập thể Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và sự đóng góp trí tuệ rộng rãi từ hệ thống bộ phận nhân sự, giám sát, tham mưu (Trưởng Ban Trị sự Giáo hội các tỉnh, thành) và chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo đầu ngành trực thuộc Trung ương Giáo hội, để đề ra kế hoạch thực hiện các mục tiêu này bằng một chương trình hoạt động Phật sự mang tính đột phá trong bối cảnh thời hội nhập.

Tạm kết tác phẩm

Nhìn lại quá trình 40 năm hình thành, ổn định và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, chúng ta dễ dàng nhận thấy Phật giáo Việt Nam đã thật sự lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được kết quả khả quan trong các lĩnh vực Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, từ thiện xã hội, ban hướng dẫn, nhất là trên mặt hoạt động đối ngoại và thông tin truyền thông trong thời gian gần đây, thông qua các Hội nghị, Hội thảo quốc tế, đã không ngừng nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc, trên trường quốc tế.

Từ nhiệm kỳ VIII trở đi, công tác lãnh đạo điều hành của tập thể chư Tôn đức Hội đồng Trị sự đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự năng động nhạy bén trong việc đưa ra những quyết sách đúng đắn kịp thời đã tạo nên sức sống mới của Giáo hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Phật sự, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh thời đại, điển hình như để chuẩn bị cho công tác Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp được đi vào nề nếp, ổn định, đáp ứng nhu cầu cho sự kế thừa của các cấp Giáo hội, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã ký ban hành Chỉ thị về tổ chức Đại hội cấp tỉnh cũng như thành lập Ban Chỉ đạo công tác Đại hội. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong cơ chế điều hành, Giáo hội ban hành một Chỉ thị và thành lập Ban Chỉ đạo cho công tác Đại hội. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Hiến chương Giáo hội đã được sửa đổi lần thứ VI, trong lần tu chỉnh này đã quy định rất cụ thể về các tiêu chuẩn trong Hội đồng Trị sự. Chẳng hạn như tại Chương 5 (Hội đồng Trị sự) Điều 21, quy định về tiêu chuẩn và thời hạn làm việc như: “Thành viên tham gia Hội đồng Trị sự không quá 80 tuổi; mỗi thành viên không kiêm nhiệm quá 02 chức danh trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; mỗi chức danh không quá 3 nhiệm kỳ”… Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội đã ban hành Nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022) gồm 15 Chương, 85 Điều rất sâu sát với sinh hoạt, tu học và công tác Phật sự đối với mọi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, không ngoài mục đích chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường sự ổn định và làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Những nội dung được tu chỉnh, cải cách nêu trên đã nói lên tính quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội đồng Trị sự cho định hướng nhân sự có tính kế thừa trong hệ thống Giáo hội. Ngoài ra, nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VIII (2017-2022) cũng đã rất chú trọng hoạt động thông tin truyền thông, xem đây là một trong những thế mạnh hoằng pháp. Theo đó, việc thành lập tổ Thông tin Tuyên truyền của Văn phòng II và sau đó thuộc Văn phòng Trung ương Giáo hội đã kịp thời cập nhật những thông tin quan trọng và giải quyết, xử lý một cách có hiệu quả trong thời kỳ Công nghiệp lần thứ 4. Triển khai hiệu quả Văn phòng Hành chánh điện tử cho 2 văn phòng, tiến tới xây dựng Văn phòng Hành chánh điện tử cho các Ban Trị sự để phục vụ cho công tác điều hành Giáo hội.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trên dòng chảy thời gian, cứ trong mỗi giai đoạn lịch sử, bên cạnh những thuận lợi mới, đều luôn phát sinh thêm những vấn nạn thời đại, cường độ thách thức giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Công tâm mà nói, khả năng hòa nhập để phát triển đúng với bản chất giác ngộ giải thoát của Phật giáo vẫn còn nhiều giới hạn, nhất là khả năng chế ngự của tu sĩ trước thế giới vật chất, ở giai đoạn sau thì lại thấp hơn giai đoạn trước. Đó là chưa nói đến sự tụt hậu và bất cập trong chương trình giáo dục các cấp của Phật giáo; công tác hoằng pháp mang tính tùy tiện tự phát, nội dung chưa đi sâu vào mục tiêu giác ngộ giải thoát của đạo Phật, một bộ phận tu sĩ khi thuyết giảng thường là khai thác tâm lý của người sơ cơ học đạo để được tán thưởng; nói cách khác là chưa có sự thống nhất đồng bộ trong nội dung hoằng pháp. Nhìn chung nguồn nhân sự của Phật giáo hiện nay vẫn chưa bắt kịp trước yêu cầu phát triển của xã hội, chính vì vậy mà qua mỗi nhiệm kỳ, Giáo hội một mặt phải nỗ lực đổi mới trên mọi phương diện, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân sự có năng lực và thể chất để phù hợp với yêu cầu thời đại; một mặt phải chấp nhận sống chung với những giới hạn nhất định và phải thuận theo trào lưu tiến hóa trong đời sống xã hội.

Đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp, trí tuệ là yếu tố đầu tiên và căn bản cho mọi hành dụng của tu sĩ Phật giáo

Từ thực tế này, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII với chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” và nhất là 9 nội dung trong chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đã mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đó là nghiêm túc nhận chân một cách khách quan và trung thực về những mặt tồn đọng, nhìn vào thực trạng, phân tích đặc điểm tình hình nhằm phấn đấu hoàn thiện công tác Phật sự; cũng trên nền tảng này, với quyết tâm và nỗ lực phấn đấu trong việc hướng đến một chiến lược phát triển bền vững, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận dụng nguồn năng lượng cống hiến từ trí tuệ chư Tôn đức giáo phẩm trong Hội đồng Trị sự và sự đóng góp trí tuệ rộng rãi của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội các tỉnh, thành, các Ban Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội để thực hiện 9 nội dung chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017- 2022).Đồng thời, mọi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội giữ vững kỷ cương trong sinh hoạt, tùy duyên bất biến trong mọi công tác Phật sự, luôn giữ vững bản chất giác ngộ giải thoát của đạo Phật trong quá trình hội nhập. Trên cơ sở này, chúng ta có quyền tin tưởng Giáo hội sẽ tạo nên bước đột phá mạnh mẽ trong tương lai và ở đó, bốn mục tiêu chúng tôi nêu trên, nếu được Trung ương Giáo hội quan tâm xây dựng kế hoạch, hoạch định và triển khai thực hiện chương trình, thì đây sẽ là một chiến lược lâu dài cho sự nghiệp phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới. Chúng tôi kỳ vọng, tầm nhìn trí tuệ từ tám chữ vàng “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, cùng với việc hình thành chương trình hoạt động Phật sự được xây dựng trên cơ sở 4 mục tiêu tổng thể, sẽ là kim chỉ nam không chỉ cho Trung ương Giáo hội hay các cấp Giáo hội, mà là cho tất cả mọi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, không chỉ áp dụng trong nhiệm kỳ tới, mà sẽ là kim chỉ nam cho một chiến lược lâu dài nhằm hướng đến sự phát triển chất lượng và bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

* HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

VĂN HÓA PHẬT GIÁO 374

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB