Từ lâu, Quảng Nam được mệnh danh là vùng đất “ngũ phụng tề phi”, có truyền thống học hành khoa bảng. Chính mảnh đất địa linh này, nhiều dòng thiền đã du nhập và làm nên một diện mạo Phật giáo với nhiều hệ thống truyền thừa khác nhau như: Liễu Quán – Thiệt Diệu; Minh Hải – Pháp Bảo… Phật học viện Đồng Dương là nơi lưu dấu của dòng thiền Thảo Đường, vẫn đang còn hoang phế vừa có kế hoạch phục dựng bảo tồn, nhưng vẫn còn trong tư duy và chưa đi vào thực hiện.
Tổ ấn chưa phai đã làm nên một truyền thống Phật giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử…
Nhìn lại nhiệm kỳ qua
Năm 1997, tách khỏi TP.Đà Nẵng, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực xây dựng, phát triển và hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa. Phật giáo đất Quảng, cũng nỗ lực không ngừng để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tạo nên diện mạo Phật giáo trẻ trung với những nhân tố đóng góp và phụng sự tích cực, làm tốt đạo đẹp đời.
Cùng với sự chia tách địa giới hành chính, Phật giáo tỉnh được thành lập – đến nay đã 20 năm (1997), qua IV nhiệm kỳ, với nhiều thành tựu Phật sự đáng ghi nhận. HT.Thích Thiện Duyên, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh mở đầu câu chuyện với PV Giác Ngộ như vậy.
Hồi ức về những ngày đầu đó, đồng thời nói về những thành tựu trong nhiệm kỳ IV, Hòa thượng cho biết: “Tôi làm Trưởng BTS Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam từ đó đến nay, đã trải qua 4 nhiệm kỳ, với cơ cấu nhân sự ở mỗi nhiệm kỳ khác nhau, riêng nhiệm kỳ IV có 58 thành viên, 12 ban ngành trực thuộc, 14 BTS Phật giáo các huyện, thị xã, thành phố và 2 huyện miền núi có đơn vị cơ sở trực thuộc”.
Hòa thượng Trưởng ban khẳng định, nhìn lại chặng đường qua, có thể thấy được sự thay đổi của Phật giáo đất Quảng đều nhờ sự lãnh đạo và chỉ đạo của Thường trực HĐTS GHPGVN; sự nỗ lực của Tăng Ni và cư sĩ Phật tử tỉnh đến các cơ sở, cùng sự giúp đỡ của lãnh đạo chính quyền, các ban ngành liên quan. Hòa thượng phấn khởi cho biết công tác Phật sự trong nhiệm kỳ qua được hoàn thành tốt đẹp và diễn dịch bằng kết quả cụ thể: “Nhiều cơ sở trực thuộc Giáo hội được thành lập, một số ngôi chùa được mở rộng, trùng tu tôn tạo khang trang, các cơ sở tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, nhiều Tăng Ni và Phật tử tham gia trong các tổ chức xã hội, như đại biểu HĐND tỉnh và các cấp huyện, thị xã, thành phố cũng như xã, phường tại địa phương, thể hiện mối gắn kết tốt đẹp giữa đạo và đời”.
Bên cạnh những thành tựu đó, Hòa thượng cũng không ngần ngại bày tỏ với Giác Ngộ rằng, Phật giáo tỉnh nhà cần nghiêm túc nhìn nhận những khiếm khuyết và tồn đọng. Theo Hòa thượng, đó là, toàn tỉnh có một số chùa vẫn chưa được sinh hoạt trong lòng Giáo hội. Việc thành lập cơ sở mới trực thuộc Giáo hội để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của tín đồ địa phương nhiều nơi, đặc biệt tại huyện miền núi Tây Giang và Nam Trà My vẫn chưa thực hiện được; việc thuyên chuyển bổ nhiệm trụ trì, mở rộng đất đai ở các cơ sở gặp nhiều khó khăn vẫn chưa khắc phục được.
Trở lại với những kết quả đã đạt được, HT.Thích Thiện Duyên cho biết thêm như: tổ chức thành công Đại lễ Vesak (2014) với nhiều hoạt động Văn hóa, Nghi lễ cũng như Hoằng pháp tại Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng như trụ sở BTS tỉnh (chùa Đạo Nguyên); tổ chức thành công Đại giới đàn Vĩnh Gia với hơn 1.300 giới tử xuất gia và tại gia được trao truyền giới pháp; lần đầu tiên có khóa tu cho tuổi trẻ người dân tộc ít người tại huyện Nam Giang (2017); số tự viện toàn tỉnh tăng, với 295 cơ sở và 737 Tăng Ni; gần 500 Đạo tràng Bát quan trai, niệm Phật, khóa tu an lạc; 10 đạo tràng tu học thường xuyên vào mùa hè; 100 đơn vị gia đình Phật tử; công tác từ thiện nhiệm kỳ IV hơn 54 tỉ đồng; Đặc biệt, Ban Thông tin truyền thông (TTTT) đã vận dụng kênh truyền hình QCB mỗi tháng 1 bản tin, với thời lượng 45-60 phút đăng trên wedsite của BTS, Ban TTTT tỉnh và kênh Youtube.
[box type=”shadow” align=”alignleft” class=”” width=””]Nhân sự trẻ để đáp ứng nhu cầu Phật sự vùng sâu.
HT.Thích Thiện Duyên, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Quảng Nam, Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội Phật giáo tỉnh cho biết như vậy. Hòa thượng nói thêm: Quảng Nam là tỉnh mà đa phần các huyện là vùng núi, đèo hiểm trở (toàn tỉnh có 18 huyện, thị xã, thành phố thì có 10 đơn vị thuộc miền núi). Để phát triển Phật sự nơi đó, cần có những Tăng Ni trẻ năng động, nhưng phải có tâm dấn thân và phụng sự. Về nhân sự cho nhiệm kỳ V, với định hướng “ổn định, kế thừa và phát triển” BTS Phật giáo tỉnh thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, sẽ giới thiệu, thỉnh mời chư tôn giáo phẩm có đủ uy tín và kinh nghiệm để lãnh đạo Giáo hội tỉnh nhà. Thành phần nhân sự, đa phần là những Tăng Ni trẻ, nhiệt huyết sẽ tiếp tục kế thừa, đóng góp xây dựng Giáo hội ngày một phát triển vững mạnh hơn. Thường trực BTS sẽ bổ sung thêm nhân sự, đặc biệt là Tăng, Ni trẻ đến các vùng sâu, vùng xa. Để tổ chức các khóa tu, thực hiện các Phật sự nhằm tạo sự gần gũi, gắn kết với chính quyền địa phương cũng như đồng bào dân tộc. Từ nền tảng đó, BTS sẽ xúc tiến việc thành lập thêm các cơ sở ở các địa phương miền núi, để đáp ứng nhu cầu tu học cho số lượng Phật tử ngày càng đông ở đây. [/box]
Phát huy tinh thần đoàn, kết hòa hợp vì Phật sự chung. Đó là khẳng định của HT.Thích Thiện Duyên. Hòa thượng bộc bạch rằng, nhiệm kỳ IV khép lại, mang theo những thành quả Phật sự chung của Giáo hội tỉnh nhà, cũng như những thành tựu mọi mặt của đất nước. Tuy nhiên, còn lại nhiều Phật sự chưa thực hiện được, sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian đến của nhiệm kỳ mới (2017-2022).
“Tôi hy vọng và mong muốn toàn thể chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử, hãy quyết tâm trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, tham gia và dấn thân tích cực để hoàn thành các công tác Phật sự, để Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Quảng Nam nói riêng, ngày càng phát triển”, vị Hòa thượng đứng đầu Phật giáo đất Quảng suốt 20 năm qua gửi gắm.
Ưu tiên các Phật sự vùng sâu, vùng xa
Nói về phương hướng hoạt động Phật sự cho nhiệm kỳ mới, HT.Thích Thiện Thành, Phó BTS GHPGVN tỉnh cho bày tỏ: “Sau khi Đại hội, tân BTS sẽ tập trung vào công tác hoằng pháp vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các Tăng Ni trẻ có năng lực, phát tâm đến những nơi này để hoằng đạo. Hiện tại còn hai huyện trên địa bàn tỉnh chưa có BTS (Nam Trà My, Tây Giang), trong nhiệm kỳ này sẽ xúc tiến để thành lập”.
Bên cạnh đó, Hòa thượng còn cho biết thêm, sau Đại hội, BTS sẽ chỉ đạo các ban, ngành trực thuộc sớm hội nghị và đưa ra phương hướng hoạt động cụ thể. Dựa trên đó, BTS tỉnh sẽ có những điều chỉnh hoạt động, để công tác Phật sự được nhịp nhàng và thuận lợi.
Thường trực BTS cũng sẽ mở khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chánh, trụ trì, xây dựng văn phòng BTS tỉnh khang trang hơn. Hòa thượng Phó ban khẳng định đó là những công tác trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Với phương châm “duy tuệ thị nghiệp” (lấy trí tuệ làm sự nghiệp), Phật giáo Quảng Nam kỳ V sẽ phát triển các đạo tràng tu học cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử dân tộc ít người. Hòa thượng bày tỏ, hiện tại một số huyện đã thành lập BTS, nhưng cơ sở tự viện còn ít, nên chưa đáp ứng nhu cầu tu và học của đồng bào nơi đó. Vì vậy, BTS nhiệm kỳ mới sẽ nghiên cứu để phát triển thêm các cơ sở, đáp ứng nhu cầu tu học chính đáng của Phật tử địa phương. Đồng thời, Thường trực Phật giáo tỉnh sẽ hỗ trợ công tác tổ chức các khóa tu ở các địa phương miền núi như đưa nhân sự về, hỗ trợ thêm các phương tiện tu học hiệu quả, sẽ có những chương trình ủy lạo, tặng quà…, giúp cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của người đồng bào dân tộc.
“Trên tinh thần đó, chúng tôi tha thiết kêu gọi Tăng Ni trẻ dấn thân phụng sự, đem lý tưởng cũng như sở học của mình đến với vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử đồng bào dân tộc thiểu số”, Hòa thượng chia sẻ.
Quảng Hậu
theo Báo Giác Ngộ, số 917
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB