Nội quy Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương nhiệm kỳ VII và Quyết định ban hành của GHPGVN

3901

Nội qui này gồm 8 chương, 46 điều do Ban GDTN TW soạn thảo và tu chỉnh, đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua trong phiên họp ngày 02 tháng 7 năm 2013 và có hiệu lực kể từ ngày ký.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

—— o0o ——

Số : 244/2013/QĐ.HĐTS

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——— o0o ———

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 7 năm 2013

 QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Nội quy Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN

Nhiệm kỳ VII (2012 – 2017)

 CHỦ TỊCH

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

  -Căn cứ điều 25, 26 chương V Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tu chỉnh lần thứ v);
-Căn cứ Nghị quyết số 210/NQ.HĐTS ngày 02/7/2013 Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
-Xét tờ trình ngày 02/7/2013 của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Nội quy hoạt động Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), gồm có 08 chương, 46 điều đã được Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua ngày 02/7/2013 (đính kèm Nội quy).

Điều 2: Các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, khi triển khai thực hiện các hoạt động Phật sự liên quan đến lĩnh vực Giáo dục Phật giáo, phải tuân thủ các quy định của Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương và pháp luật Nhà nước.

Điều 3: Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Trung ương, Chánh Văn phòng Thường trực Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện, Trưởng ban và các thành viên Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nội quy này.

Điều 4: Nội quy này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2013.

Nơi nhận :

– Như Điều 2 “để thực hiện”
– Ban Thường trực HĐTS GHPGVN
– Ban Tôn giáo Chính phủ
– Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành “để biết”
– Lưu VP1 – VP2.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

CHỦ TỊCH

(đã ký)

Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH

 

 NỘI QUI  

BAN GIÁO DỤC TĂNG NI TRUNG ƯƠNG

CHƯƠNG I

TÊN GỌI, VĂN PHÒNG, CHỨC NĂNG VÀ MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương (viết tắt là BGDTN TW) được thành lập năm 1984, căn cứ vào điều 21 Chương V của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 2. Văn phòng Văn phòng của Ban GDTN TW đặt tại: – Chùa Quán Sứ, 73 Phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội; – Thiền viện Quảng Đức (294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM).

Điều 3. Chức năng

1. Ban GDTN TW là cơ quan quản lý hành chính cao nhất đối với các hoạt động, đào tạo của các trường Phật học trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

2. Ban GDTN TW giữ vai trò lãnh đạo trong việc quản lý, điều hành các Ban Giáo dục Tăng Ni cấp tỉnh thành cũng như các hoạt động giáo dục Phật giáo trong các trường Phật học trên toàn quốc, bao gồm các lớp Sơ cấp, các trường Trung cấp Phật học, trường Cao đẳng Phật học, các Học viện Phật giáo Việt Nam.

3. Ban GDTN TW cấp tỉnh thành có trách nhiệm tổchức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục Phật giáo trong các trường Phật học trực thuộc. Điều 4. Mục đích 1. Quản lý và đào tạo các thế hệ Tăng Ni toàn diện kiến thức về Phật học, khoa học và xã hội; có đầy đủ đạo đức, trí tuệ và sức khoẻ để tinh tấn trong tu học và phục vụ lợi ích nhân sinh. 2. Đào tạo Tăng Ni có khả năng đáp ứng các yêu cầu nhập thế của GHPGVN, nhằm đáp ứng sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam.

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 5. Hội đồng tư vấn Giáo dục và thành phần lãnh đạo
1. Hội đồng Tư vấn Giáo dục

Hội đồng Tư vấn Giáo dục là các vị thành viên hàng Giáo phẩm cao cấp của GHPGVN, các nhà nghiên cứu có khả năng chuyên môn về giáo dục để làm tư vấn và góp ý những vấn đề liên hệ, nhằm thúc đẩy sự phát triển các công tác giáo dục và đào tạo. 2. Thành phần lãnh đạo của Ban GDTN TW: – Một Trưởng ban – Một Phó Trưởng ban Thường trực (đặc trách miền Bắc) – Một Phó Trưởng ban Thường trực (đặc trách miền Nam) – Các Phó Trưởng ban chuyên trách – Một Chánh Thư ký – Các Phó Thư ký – Các Ủy viên thường trực – Các ủy viên chính thức và dự khuyết.

Điều 6. Điều kiện và chức năng của Trưởng và các Phó Ban

Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực và các Phó ban GDTN là ủy viên của Hội đồng Trị sự được phân công phụ trách công tác chuyên môn cụ thể, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của ngành Giáo dục Tăng Ni trước GHPGVN.

Điều 7. Ban GDTN cấp Tỉnh Thành

Tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tùy nhu cầu hoạt động, vị Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni sẽ thành lập một Ban GDTN không quá 27 thành viên. Việc hình thành và hoạt động của Ban này được căn cứ theo Quy chế Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN các Tỉnh, Thành.

Điều 8. Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương

1. Trực tiếp lãnh đạo toàn Ban GDTN TW hoạt động và thực hiện theo đường lối Giáo dục Tăng Ni do Nghị quyết Đại hội và Hội nghị hằng năm của Giáo hội quy định.

2. Thừa ủy nhiệm Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ký các văn bản liên quan ngành Giáo dục Tăng Ni phổ biến đến các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

3. Chỉ đạo thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục Phật giáo tại các trường Phật học các cấp theo định kỳ trong phạm vi cả nước để đảm bảo sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục trong các trường Phật học.

4. Căn cứ nhu cầu phát triển giáo dục Phật học tại các tỉnh thành và liên tỉnh, ra quyết định thành lập các Trường Trung cấp Phật học và Cao đẳng Phật học.

5. Chỉ đạo thành lập Hội đồng biên soạn sách giáo khoa Phật học. Chủ trì các phiên họp của Ban biên soạn các Giáo trình giảng dạy tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, hệ thống các trường lớp Cao đẳng, Trung cấp Phật học, trực tiếp chỉ đạo các phương pháp biên soạn giáo trình giảng dạy.

6. Chủ trì các phiên họp định kỳ và bất thường của Ban.

Điều 9. Phó Trưởng ban Thường trực

1. Phó Trưởng ban Thường trực đặc trách miền Bắc chịu trách nhiệm quản lý, giám sát các hoạt động của các trường Phật học ở các tỉnh thành miền Bắc.

2. Phó Trưởng ban Thường trực đặc trách miền Nam chịu trách nhiệm quản lý, giám sát các hoạt động của các trường Phật học ở các tỉnh thành miền Nam.

3. Thay mặt cho Trưởng ban trong các mặt hoạt động của Ban về đối nội cũng như đối ngoại khi Trưởng ban vắng mặt (có sự ủy nhiệm).

4. Ký chứng thực danh sách Tăng Ni tốt nghiệp các Học viện, Cao đẳng Phật học và các Truờng Trung cấp Phật học.

Điều 10. Các Phó ban

1. Các vị Phó ban trợ lý cho Trưởng ban, giúp Trưởng ban điều hành mọi hoạt động của Ban GDTN TW theo từng chức năng được phân công.

2. Có trách nhiệm cố vấn tham mưu cho Trưởng ban về các lãnh vực chuyên môn.

3. Có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc hoạt động của Văn phòng, các Trung tâm và Ban.

4. Phó ban – Chánh Thư ký chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ hoạt động hành chính của Ban.

5. Phó ban kiêm Trưởng Phân ban Sau Đại học Phật học chịu trách nhiệm điều hành các vấn đề liên hệ chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học.

6. Phó ban kiêm Trưởng Phân ban Cao đẳng – Đại học Phật học chịu trách nhiệm điều hành các vấn đề liên hệ chương trình Cao đẳng và Cử nhân Phật học.

7. Phó ban kiêm Trưởng Phân ban Trung cấp Phật học chịu trách nhiệm điều hành các vấn đề liên hệ chương trình Sơ cấp và Trung cấp Phật học.

8. Phó ban kiêm Trưởng Phân ban Phật giáo Nam tông Khmer chịu trách nhiệm điều hành các vấn đề liên hệ chương trình của các trường và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.

9. Phó ban kiêm Trưởng Phân ban Phật giáo Nam tông chịu trách nhiệm điều hành các vấn đề liên hệ chương trình của Phật học Nam tông.

10. Ba vị Phó ban kiêm Phân Ban Thanh tra Giáo dục Phật giáo các khu vực (Bắc, Trung, Nam), chịu trách nhiệm thanh tra các cơ sở giáo dục Phật giáo trực thuộc GHPGVN.

Điều 11. Chánh thư ký và Phó thư ký

1. Chánh thư ký có trách nhiệm điều hành toàn bộ các hoạt động quản lý hành chính của Ban GDTN TW. Các Phó thư ký làm công việc trợ lý cho Chánh thư ký hoàn thành công việc được Ban GDTN TW giao phó.

2. Hoạch định chiến lược phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo. Có trách nhiệm đôn đốc việc tổ chức, triển khai hoạt động của Ban.

3. Tổ chức, điều hành chương trình, nội dung và ghi biên bản các phiên họp của Ban.

4. Có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của Ban GDTN TW và Ban GDTN tại các Tỉnh Thành, tham mưu ý kiến, trình Trưởng ban thẩm tường và cho chuẩn duyệt các kế hoạch điều hành, đào tạo của các trường Phật học thực thuộc.

5. Lập sổ danh bộ Tăng Ni được cấp bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Cao đẳng Phật học, Trung cấp Phật học và lưu trữ các sổ sách này.

6. Lưu trữ các tài liệu, văn kiện của Ban GDTN TW.

Điều 12. Các Ủy viên

1. Tham gia đóng góp, thảo luận, biểu quyết các hoạt động của Ban GDTN TW và thực hiện các quyết định của Ban GDTN TW.

2. Tham gia soạn thảo giáo trình, giáo án cho các môn học, cấp học tại các trường Phật học.

3. Tham gia quản lý, điều hành và giảng dạy các trường Phật học trực thuộc Ban GDTN TW theo nhiệm vụ được Ban phân công hoặc chuẩn duyệt.

Điều 13. Hội đồng biên soạn Sách Giáo khoa

1.1. Hội đồng biên soạn Sách Giáo khoa Cao đẳng và Đại học gồm một Chủ tịch, hai Phó chủ tịch, một Thư ký và các ủy viên có trình độ chuyên môn.

1.2. Chủ tịch và các Phó chủ tịch của Hội đồng biên soạn Sách Giáo khoa Cao đẳng và Đại học phải có văn bằng Tiến sĩ.

1.3. Các ủy viên của Hội đồng gồm giảng viên các Học viện Phật giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu, học giả và Tăng Ni có trình độ Thạc sĩ. Nếu là các nhà nghiên cứu, học giả phải có các công trình học thuật có giá trị.

2.1. Hội đồng biên soạn Sách Giáo khoa Sơ cấp và Trung cấp Phật học gồm một Chủ tịch, bốn Phó chủ tịch, một Thư ký và các ủy viên có trình độ chuyên môn.

2.2 Chủ tịch biên soạn Sách Giáo khoa Sơ cấp và Trung cấp phải có văn bằng Thạc sĩ. Các Phó chủ tịch của Hội đồng tối thiểu phải có văn bằng Cử nhân hoặc tương đương.

2.3. Các ủy viên gồm Ban giám hiệu và các giáo viên các trường Cao Trung Phật học, phải có trình độ Cử nhân. Nếu là các nhà nghiên cứu, học giả phải có các công trình học thuật có giá trị.

Điều 14. Hội họp

1. Ban GDTN TW mỗi năm họp một lần vào cuối năm trước kỳ Hội nghị Thường niên của Hội đồng Trị sự để kiểm điểm hoạt động trong năm và thông qua chương trình hoạt động của năm sau.

2. Tổ chức phiên họp toàn Ban trước ngày Đại hội Phật giáo toàn quốc để kiểm điểm các hoạt động của Ban trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ; thảo luận, thực hiện báo cáo và đề xuất phương hướng hoạt động chuyên ngành Giáo dục Tăng Ni cho nhiệm kỳ sau để đệ trình Hội đồng Trị sự GHPGVN.

3. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng Ban có thể triệu tập toàn Ban để họp bất thường giải quyết những vấn đề cần thiết đối với ngành sau khi dự trình lý do và nội dung thảo luận với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.

CHƯƠNG III

HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Điều 15. Sơ cấp Phật học

Thời gian học tối thiểu là 01 năm. Đối tượng học là người mới xuất gia, do Ban Trị sự Phật giáo quận, huyện điều hành.

Điều 16. Trung cấp Phật học

Thời gian học là 03 năm, điều kiện nhập học Tăng Ni sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở, do Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh thành điều hành.

Điều 17. Cao đẳng Phật học

Thời gian đào tạo tối thiểu là 02 năm. Điều kiện nhập học: Tăng Ni có bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học và bằng Trung cấp Phật học, do Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh thành điều hành.

Điều 18. Cử nhân Phật học

Thời gian đào tạo là 04 năm; Thể thức đào tạo: Tín chỉ hoặc niên chế; Hệ đào tạo: Chính quy và đào tạo từ xa; Điều kiện nhập học: Có bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học, bằng Trung cấp Phật học và thi đậu kỳ thi tuyển sinh.

Điều 19. Thạc sĩ Phật học

Thời gian đào tạo tối thiểu là 02 năm. Thể thức đào tạo: Tín chỉ hoặc niên chế; Hệ đào tạo: Chính quy; Điều kiện nhập học: Có bằng Cử nhân Phật học và thi đậu kỳ thi tuyển sinh.

Điều 20. Tiến sĩ Phật học

Thời gian đào tạo từ 02 đến 05 năm. Thể thức đào tạo: Tín chỉ hoặc niên chế; Hệ đào tạo: Chính quy; Điều kiện nhập học: Có bằng Thạc sĩ Phật học.

Điều 21. Các cơ sở giáo dục Phật học

1. Lớp Sơ cấp đào tạo trình độ Sơ cấp Phật học.

2. Trường Trung cấp đào tạo trình độ Trung cấp Phật học.

3. Trường Cao đẳng Phật học đào tạo trình độ Cao đẳng Phật học.

4. Học viện Phật giáo Việt Namđào tạo trình độ Cử nhân Phật học, Thạc sĩ Phật học và Tiến sĩ Phật học.

Điều 22. Văn bằng Phật học

1. Tăng Ni sinh hoàn tất và thi đậu chương trình Sơ cấp Phật học thì được Ban Chủ nhiệm Lớp cấp Giấy chứng nhận Tốt nghiệp Sơ cấp Phật học.

2. Tăng Ni sinh hoàn tất và thi đậu chương trình Trung cấp Phật học thì được Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học cấp Bằng Tốt nghiệp Trung cấp Phật học.

3. Tăng Ni sinh hoàn tất và thi đậu chương trình Caođẳng Phật học thì được Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phật học cấp bằng tốt nghiệp Cao đẳng Phật học.

4. Tăng Ni sinh hoàn tất và thi đậu chương trình Cử nhân Phật học thì được Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp Cử nhân Phật học.

5. Tăng Ni sinh hoàn tất và thi đậu chương trình Thạc sĩ Phật học, bảo vệ thành công Luận văn tốt nghiệp thì được Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học.

6. Nghiên cứu sinh hoàn tất và thi đậu chương trình Tiến sĩ Phật học, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ thì được Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học.

7. Mẫu văn bằng Tốt nghiệp các cấp Phật học do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương ấn định.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP VÀ SÁP NHẬP TRƯỜNG PHẬT HỌC

Điều 23. Quy định về đào tạo liên tỉnh hoặc khu vực

1. Các trường Phật học trực thuộc GHPGVN về bản chất là các trường đào tạo theo mô hình liên tỉnh hoặc khu vực.

2. Để đảm bảo chất lượng đào tạo Phật học, duy trì tính liên tục hằng năm và bền vững trong đào tạo, các Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh, Thành lân cận trong một khu vực nên liên kết thành lập trường Trung cấp Phật học hoặc trường Cao đẳng Phật học liên tỉnh cho các Tăng Ni sinh trong khu vực của mình.

Điều 24. Trường Trung cấp Phật học

1. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học phải có tối thiểu bằng Cử nhân hoặc bằng tương đương, tuổi đời từ 35 trở lên, tuổi hạ ít nhất 10 năm.

2. Các thành viên Ban Giám hiệu và giáo viên các trường Trung cấp Phật học tối thiểu phải tốt nghiệp Phổ thông Trung học và có bằng Cao đẳng.

3. Chương trình đào tạo và sách giáo khoa phải do Ban GDTNTW quyết định, biên soạn để đảm bảo sự đồng bộ về cơ cấu, mục tiêu, chương trình giáo dục Phật học, đạt tiêu chuẩn vềchất lượng đào tạo Phật học.

4. Lập danh sách Tăng Ni nhập học và danh sách Tăng Ni sinh tốt nghiệp mỗi khóa, trình Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương và Văn phòng Trung ương GHPGVN để được Thường trực Ban GDTN TW ký chứng thực văn bằng Tốt nghiệp.

Điều 25. Trường Cao đẳng Phật học

1. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phật học tối thiểu phải có bằng Thạc sĩ, tuổi đời từ 40 trở lên, tuổi hạ ít nhất 15 năm.

2. Các thành viên Ban Giám hiệu và giáo viên các trường Cao đẳng Phật học tối thiểu phải tốt nghiệp Cử nhân.

3. Chương trình đào tạo và sách giáo khoa phải do Ban GDTNTW quyết định, để đảm bảo sự đồng bộvề cơ cấu, mục tiêu, chương trình giáo dục Phật học, đạt tiêu chuẩn về chất lượngđào tạo.

4. Lập danh sách Tăng Ni nhập học và danh sách Tăng Ni sinh tốt nghiệp mỗi khóa, trình Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương và Văn phòng Trung ương GHPGVN để được Thường trực Ban GDTN TW ký chứng thực văn bằng Tốt nghiệp.

Điều 26. Học viện Phật giáo Việt Nam

1. Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tối thiểu phải có bằng Tiến sĩ, tuổi đời từ 45 trở lên, tuổi hạ ít nhất 20 năm.

2. Các thành viên Hội đồng Điều hành và giảng viên các Học viện Phật giáo Việt Nam tối thiểu phải tốt nghiệp Thạc sĩ, các nhà nghiên cứu, học giả.

3. Chương trình đào tạo và sách giáo khoa phải do Ban GDTNTW quyết định, để đảm bảo sự đồng bộvề cơ cấu, mục tiêu, chương trình giáo dục Phật học, đạt tiêu chuẩn về chất lượngđào tạo.

4. Lập danh sách Tăng Ni nhập học và danh sách Tăng Ni sinh tốt nghiệp mỗi khóa, trình Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương và Văn phòng Trung ương GHPGVN để được Thường trực Ban GDTN TW ký chứng thực văn bằng Tốt nghiệp.

Điều 27. Thẩm quyền cho phép thành lập các Trường Phật học

1. Trưởng Ban GDTN TW, dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định về tiêu chuẩn thành lập trường, thay mặt Giáo hội, ra quyết định cho phép thành lập các Trường Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học và các Học viện Phật giáo Việt Nam.

2. Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Thành nộp hồ sơ thành lập trường lên UBND tỉnh thành để được chính thức cấp giấy phép thành lập trường.

Điều 28. Thẩm quyền đình chỉ hoạt động, sáp nhập, giải thể các Trường Phật học

Trưởng Ban GDTN TW có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động, sáp nhập, hoặc giải thể các trường Phật học thuộc GHPGVN, nếu phát hiện nhà trường không hội đủ các tiêu chuẩn thành lập trường như được quy định tại Nội quy này.

Điều 29. Điều lệ các trường Phật học

1. Các trường Phật học được tổ chức và hoạt động theo Nội quy này và điều lệnhà trường.

2. Điều lệ nhà trường phải có những nội dung chủyếu sau đây:

a) Nhiệm vụvà quyền hạn của Trường.

b) Tổ chức các hoạt động giáo dục trong Trường.

c) Nhiệm vụvà quyền của nhà giáo.

d) Nhiệm vụvà quyền của người học.

đ) Tổchức và quản lý Trường.

e) Tài chính và tài sản của Trường.

f) Quan hệ giữa nhà trường, Giáo hội và xã hội.

CHƯƠNG V

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 30. Chỉ đạo

Chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục Phật học cho tất cả Tăng Ni thuộc GHPGVN. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền nhằm bảo đảm điều kiện, chất lượng và tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục Phật học tại các trường Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học và Học viện Phật giáo Việt Nam.

Điều 31. Quy định

Quy định mục tiêu, chương trình giáo dục Phật học của các cấp, bảo đảm tính thống nhất về chương trình đào tạo và chuẩn trình độ giáo dục; chỉ đạo các trường Phật học và các cá nhân tổ chức biên soạn, duyệt, in, phát hành và sử dụng sách giáo khoa Phật học cho các lớp Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học, Cử nhân Phật học, nhằm đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục Phật học trên toàn quốc.

Điều 32. Hướng dẫn

Hướng dẫn các trường Phật học thực hiện các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ; về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, nhà quản lý giáo dục Phật học; về xây dựng cơ sở vật chất nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ phổ cập giáo dục Phật học.

Điều 33. Huy động

Chủ trì, phối hợp với các cấp Giáo hội, các trường học đời, các tổ chức xã hội v.v… huy động mọi nguồn lực trong Phật giáo và ngoài xã hội để phục vụ sự nghiệp giáo dục Phật giáo đối với tất cả Tăng Ni.

Điều 34. Đối ngoại

Tổ chức liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các Trường Đại học và Trung tâm nghiên cứu, dịch thuật trong và ngoài nước.

Điều 35. Thanh tra

Chủ trì, phối hợp với các Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Thành tổ chức kiểm tra, thanh tra các Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh thành và các trường Phật học trong việc thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục Phật học; kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn trong việc thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục Phật học của GHPGVN; hằng năm báo cáo tình hình và kết quả phổ cập giáo dục Phật học với Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Điều 36. Hỗ trợ giải quyết

1. Thông qua Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương liên hệ chặt chẽ với Trưởng, Phó Ban giáo dục Tăng Ni các Tỉnh, Thành hội để nhận báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ở các địa phương, đồng thời hướng dẫn việc thực hiện chương trình hoạt động được triển khai tại các địa phương, và trong trường hợp cần thiết, đề xuất phương hướng giải quyết các khó khăn.

2. Tạo điều kiện tốt để các Ủy viên Giáo dục Tăng Ni các Tỉnh, Thành hội thể hiện trách nhiệm, nghiên cứu, đề xuất kế hoạch hoạt động chuyên môn của ngành với Ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội để thực hiện kế hoạch ấy sau khi được Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương thông qua.

Điều 37. Đề xuất tuyên dương công đức

Đề nghị Hội đồng Trị sự GHPGVN tặng bằng Tuyên dương Công đức hoặc bằng Công đức cho các Trường, Học viện, Hội đồng Điều hành, Ban giám hiệu, giảng viên, tổ chức và cá nhân có nhiều thành tích trong sự nghiệp phổ cập giáo dục Phật giáo.

CHƯƠNG VI

THANH TRA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Điều 38. Mục đích thanh tra

1. Hoạt động thanh tra giáo dục Phật giáo ở cấp Trung ương và tỉnh thành đều do Phân Ban Thanh tra giáo dục Phật giáo trực tiếp phụ trách, theo sự chỉ đạo của Trưởng Ban GDTN TW.

2. Phân ban Thanh tra giáo dục Phật giáo thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý Giáo hội về giáo dục nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến chương GHPGVN và các quy chế của Ban GDTN TW, phòng ngừa và xử lý vi phạm, nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục Phật giáo trên toàn quốc.

Điều 39. Phạm vi thanh tra

Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế chuyên môn, quy chế thi cử, cấp bằng, chứng chỉ, việc thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết đảm bảo chất lượng giáo dục ở các trường Trung Cấp Phật học, Cao đẳng Phật học và các Học viện Phật giáo Việt Nam.

Điều 40. Giải quyết khiếu nại và xử phạt

1. Giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực giáo dục Phật giáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

2. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục Phật giáo theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 41. Hồ sơ thanh tra và kiến nghị

1. Ban thanh tra phải hoàn thành hồ sơ thanh tra bao gồm báo cáo thanh tra (biên bản) và các giấy tờ liên hệ khác, gửi Thường trực Ban GDTN TW.

2. Về đánh giá, cần nhận định những ưu điểm, khuyết điểm về quản lý giáo dục Phật giáo của các trường Phật học; nghiệp vụ sư phạm, chấp hành quy chế chuyên môn, những kinh nghiệm tốt, đóng góp của giáo viên Phật học trong hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà trường.

3. Ban Thanh tra nên kiến nghị Thường trực Ban GDTN TW những giải pháp tốt nhất mà trường/ Học viện /đơn sự được thanh tra cần hướng tới; đồng thời, kiến nghị lên Ban GDTN TW và các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung các quy định quản lý chuyên môn, chế độ, chính sách.

CHƯƠNG VII

TÀI CHÁNH

Điều 42. Nguồn thu hợp pháp

Tài chánh của Ban Giáo dục Tăng Ni do sự tài trợ của Giáo hội Trung ương, sự hiến cúng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân vào việc Giáo dục Tăng Ni và các hoạt động hợp pháp khác.

Điều 43. Nguyên tắc tự chủ

Ban GDTN TW tự chủ về tài chính theo nguyên tắc tự cân đối thu chi, duy trì các hoạt động quản lý, điều hành của Ban.

Điều 44. Chuyển giao tài chính

Khi mãn nhiệm kỳ, tài chánh (nếu có) của Ban GDTN TW phải được bàn giao cho Trưởng Ban GDTN TW của nhiệm kỳ mới để tiếp tục hoạt động.

CHƯƠNG VIII

HIỆU LỰC VÀ SỬA ĐỔI

Điều 45. Sửa đổi

Việc sửa đổi hoặc bổ sung các điều khoản trong bản Nội qui này sẽ do các thành viên trong toàn Ban quyết định và được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chấp thuận.

Điều 46. Hiệu lực thi hành

Nội qui này gồm 8 chương, 46 điều do Ban GDTN TW soạn thảo và tu chỉnh, đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua trong phiên họp ngày 02 tháng 7 năm 2013 và có hiệu lực kể từ ngày ký.

  BAN GIÁO DỤC TĂNG NI TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB