Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung thu

184

(QCB) – Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

Nguồn gốc của Tết Trung thu

Hiện có ba truyền thuyết về Tết Trung thu được người ta biết đến nhiều nhất là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.

Ở Trung Hoa, Tết Trung thu đã có từ thời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng), đầu thế kỷ thứ 8. Theo truyền thuyết, sau khi dẹp xong An Lộc Sơn, Đường Minh Hoàng nhớ thương Dương Quý Phi không nguôi. Đêm rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, một vị tiên xuất hiện tình nguyện đưa vua đi gặp Quý Phi. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chấm mặt đất, nhà vua trèo lên cầu vồng đi lên cung Quảng, nhìn thấy Quý Phi xưa trong đoàn vũ.

Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, đặt ra Tết Trung thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết Ngắm Trăng.

Một điển tích khác về Tết Trung thu gắn liền với vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga. Cả 2 từng là những vị thần bất tử sống trên mặt trăng nhưng chỉ bởi lòng đố kỵ, ghen ghét, Hậu Nghệ đã bị vu oan và sau đó bị đày làm thường dân.

Một ngày kia, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Thất bại trong việc ra lệnh cho các con mình ngừng phá hủy mặt đất, Ngọc Hoàng triệu Hậu Nghệ đến cứu giúp. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một người con trai của Ngọc Hoàng làm mặt trời.

Để trả ơn, nhà vua đã trao cho chàng một viên thuốc trường sinh bất tử và dặn rằng sau thời hạn một năm mới được uống. Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp. Nhân lúc Hậu Nghệ không có nhà, Hằng Nga đã mở chiếc hộp và nuốt chửng viên thuốc. Đúng lúc đó, Hậu Nghệ về nhưng không kịp ngăn lại, Hằng Nga đã bay lên mặt trăng. Từ đó, dù thương nhớ chồng nhưng Hằng Nga vẫn không thể nào xuống trần gian được.

Dưới trần gian, Hậu Nghệ cũng nhớ thương vợ khôn nguôi nên đã xây một lâu đài trong mặt trời và đặt tên là “Dương”, Hằng Nga cũng xây một lâu đài tương tự đặt tên là “Âm”. Cứ mỗi năm một lần, vào rằm tháng 8, hai người được đoàn tụ trong hạnh phúc.

Cứ mỗi năm một lần, vào rằm tháng 8, Hằng Nga và Hậu Nghệ được đoàn tụ trong hạnh phúc

Ở Việt Nam, truyền thuyết của chị Hằng lại gắn với chú Cuội. Chuyện kể rằng, ngày xưa có nàng tiên nữ là Hằng Nga, xinh đẹp và rất yêu trẻ con. Nàng thường xuống trần gian chơi cùng trẻ em dù tiên giới không cho phép.

Một hôm Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm”, ai làm được bánh ngon, đẹp và lạ mắt sẽ được trọng thưởng. Hằng Nga đã xuống trần gian thăm hỏi và gặp được Cuội – anh chàng chuyên gia nói dóc. Cuội bày cho Hằng Nga cách là cứ bỏ tất cả nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên. Kì lạ những chiếc bánh ra lò thơm phức, các em nhỏ ăn đều khen rất ngon.

Sau đó, Hằng Nga trở về cung trăng và đem những chiếc bánh để dự thi. Nhưng vì Cuội lưu luyến không muốn rời xa Hằng Nga nên đã nắm lấy tay nàng và sức mạnh kì lạ đã kéo cả chàng cùng cây đa đầu làng lên tận cung trăng. Ngồi trên cây đa, Cuội có thể thấy bọn trẻ đang chơi đùa, đôi lúc nhớ nhà, nhớ em, Cuội chỉ biết ngồi khóc và buồn bã.

Những chiếc bánh của Hằng Nga đã giành giải nhất và lấy tên là “bánh Trung thu”, nàng đã ước mỗi năm cứ rằm tháng tám, nàng cùng chú Cuội được xuống trần gian chơi cùng các em nhỏ. Từ đó, Ngọc Hoàng đặt tên cho rằm tháng tám là “Tết Trung thu” – dịp tết vui chơi của các em nhỏ.

Ý nghĩa của Tết Trung thu

Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.

Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ…

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

M. Anh – Vườn hoa Phật giáo
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB