Nghĩ về mùa dịch

72
Một trận đại dịch đến mang theo nhiều nguy khốn, đau thương và mất mát nhưng cũng đã cho chúng ta nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Tin chắc rằng nếu không một lần đối diện với sinh tử, bạn sẽ chẳng thể cảm nhận được mạng sống này quý giá biết nhường nào.
Giữa lúc đại dịch nhiêu khê không hẹn ngày kết thúc, khó khăn chồng chất khó khăn thì tình thương giữa người với người như phép màu xoa dịu những mất mát do COVID-19 mang tới. (Ảnh: vnexpress.net)

(QCB) – Sài Gòn vào mùa mưa với những cơn mưa ngày càng nặng hạt, dày đặc, dai dẳng hơn và bất chợt vô cùng cũng như dịch bệnh nguy hiểm mang tên COVID-19. Nó đến chẳng hề cảnh báo, mà cũng chẳng hẹn ngày ra đi. Người ta hay bảo nhau rằng ngày lòng buồn nhất trời sẽ đổ cơn mưa, chắc điều đó đúng phần nào trong hoàn cảnh này khi dịch bệnh hoành hành, lòng người quặn thắt khi theo dõi số ca nhiễm và tử vong do báo, đài đưa tin.

TÌNH NGƯỜI GIỮA TÂM DỊCH

Trong cuộc đời mỗi người đều tồn tại quanh mình nhiều mối quan hệ gắn liền với chữ “tình”: Tình thân, tình yêu, tình bạn… Các loại tình cảm đó có thể mang đến cho bạn niềm vui hoặc nỗi buồn. Tuy nhiên, có một loại tình cảm chắc chắn chỉ mang đến những điều ấm áp, đó là “tình người”.

Giữa lúc đại dịch gian nguy không hẹn ngày kết thúc, khó khăn chồng chất khó khăn thì tình thương giữa người với người như phép màu xoa dịu những mất mát do COVID-19 mang tới. Đã trải qua biết bao ngày tháng Sài Gòn thực thi lệnh giãn cách toàn xã hội, nhưng lòng người chưa bao giờ xa cách mà trái lại càng gần nhau hơn. Hàng loạt những cơn sóng thiện nguyện cuộn trào, lan đi khắp ngõ ngách để chia sẻ với những mảnh đời nguy khó. Ở đâu đó quanh bạn, những cánh tay tình thương luôn sẵn sàng nắm lấy để chia sẻ chút hơi ấm của tình người.

Những chiến sĩ của tình thương mang tấm lòng Bồ tát xuất hiện giữa đời thường âm thầm và cần mẫn. Họ nấu từng bữa cơm, gom góp, chắt chiu từng bó rau, gói mì, … mang đến phân phát cho các khu phong toả, khu cách ly, những xóm trọ thất nghiệp. Thương lắm tiếng cười khanh khách, hồn nhiên của những em bé khi nhận được hộp sữa hay cái bánh. Đối với các em đó là cả bầu trời hạnh phúc. Các bạn làm thiện nguyện tâm sự rằng: “Khuya con không dám ngủ luôn cô ạ. Con canh rau về mà rau thì toàn về “giờ linh” thôi cô ạ! Một, hai giờ khuya không hà”. Hay một bạn khác thì bảo: “Dạo này con vi diệu lắm cô ơi, con ăn sáng vào 1h trưa, ăn trưa vào 8h tối. Con sắp thành siêu nhân rồi”. Có nhiều bạn còn cố đội mưa chuyên chở cho bằng hết những phần quà nghĩa tình một cách nhanh chóng đến với càng nhiều bà con càng tốt. Dù trời mưa to hay nắng gắt cũng không ngăn được sự nhiệt huyết và tâm phụng sự của tuổi trẻ. Thấy mà thương cho tấm lòng của các em đã cống hiến sức trẻ và tuổi thanh xuân cho xã hội, cho đồng bào dù chẳng ai có với ai mối quan hệ gia đình, bạn bè hay thậm chí là người thân. Vâng, các em là siêu nhân, là những siêu anh hùng, là Bồ tát hiện hữu giữa đời thường.

CÂU CHUYỆN HẬU SỰ MÙA ĐẠI DỊCH

Đại dịch đến đem theo sự tổn thương và mất mát khi biết bao sinh mạng đã bị cướp đi một cách tàn nhẫn. Sự tàn khốc của căn bệnh này không loại trừ bất kỳ ai. Khi đối diện với sinh tử mỗi ngày, ta mới thấm thía biết bao sự lý vô thường. Mạng sống chỉ trong một tích tắc. Nếu như mùa dịch này xuất hiện những chiến sĩ của tình thương chuyên mang đến hơi ấm, trao tay từng bữa ăn thì bên cạnh đó cũng xuất hiện những thiên thần chuyên đưa người về với thinh không, đó là đội mai táng “0 đồng”.

Có nỗi đau nào nghẹn ngào hơn nỗi đau mất người thân. Có tang thương nào bằng chuyện sinh ly tử biệt. Câu chuyện của nỗi mất mát đó còn tăng lên gấp bội khi không may xảy đến trong mùa dịch này. Sẽ chẳng có một lễ tang nào được diễn ra, sẽ chẳng có người nhà trở về bên bàn án tiền để nhìn mặt người mất lần cuối, thậm chí cả việc chuyển thi hài đến nơi hỏa táng hay có được một chiếc quan tài để đặt người chết vào là một việc vô cùng xa xỉ và khó khăn. Thấu hiểu được những sự nghẹn ngào đó, nhóm Phật tử Giang Kim Cúc cùng chung tay thành lập nhóm mai táng “0 đồng” để lo chuyện hậu sự cho những người nằm xuống. Cùng tiếp sức với đội mai táng là những ngôi chùa sẵn sàng tiếp nhận tro cốt của người mất, mong nhờ lời kinh tiếng kệ cầu nguyện cho họ được siêu sanh về miền lạc cảnh.

NGƯỜI HÙNG NƠI TUYẾN ĐẦU 

Những chiến binh thật sự là đây – những người hùng đang công tác nơi chiến trường chống dịch. Gọi nơi ấy là chiến trường bởi lẽ cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, chiến sĩ công an, dân quân, những người tiếp xúc trực tiếp, đối diện từng phút từng giây với virus luôn làm việc hết sức mình giành giật sự sống cho những F0 đang nguy kịch. Nơi mà mỗi ngày thời gian làm việc tưởng chừng như vượt quá 24h, nguy hiểm luôn rình rập, còn dịch bệnh thì luôn chực chờ để cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai.
Những nỗi vất vả, căng thẳng mà các “chiến binh” ấy phải trải qua ít ai có thể hiểu được chúng kinh khủng đến độ nào. Vậy mà họ đã liên tục chiến đấu như thế bao ngày tháng rồi, chẳng ai còn nhớ nổi nữa. Chỉ thấy rằng sau một ngày làm việc vất vả, họ ăn vội hợp cơm, ngả lưng tạm nơi nào đó. Hãy nhìn họ xem, những con người sau khi cởi bỏ đồ bảo hộ, cởi bỏ lớp áo xanh kia còn lại những gì ngoài những đôi tay phồng rộp, những vết hằn sâu này của khẩu trang…

Các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, chiến sĩ công an, dân quân, những người tiếp xúc trực tiếp và đối diện từng phút từng giây với virus luôn làm việc hết sức mình giành giật sự sống cho những F0 đang nguy kịch. (Ảnh: vov.vn)

 

Xin được nghiêng người kính cẩn, chắp tay búp sen với tất cả sự kính trọng tri ân những chiến binh thầm lặng ấy. Họ là những con người đã cao cả hy sinh để bảo vệ chúng ta. Họ quên đi nỗi sợ của chính mình, đánh cược mạng sống, gác lại gia đình và những người thương yêu để chiến đấu vì nhân dân. Mỗi ngày họ chỉ biết tận tâm, tận lực chăm sóc, hỗ trợ và tiếp sức cho những bệnh nhân không may bị COVID-19 xâm nhập.

HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC 

Có bao giờ bạn từng nghĩ, những chiến binh anh hùng của chúng ta cũng có những giây phút nghẹn ngào rơi lệ không? Họ rơi lệ không phải họ e sợ COVID-19 mà họ đau lòng vì lực bất tòng tâm trước chuyện sinh tử. Hay đôi khi họ rơi lệ khi nhớ về người thương, về gia đình. Chẳng ai có thể trả lời khi nào những chiến binh của chúng ta được về lại với gia đình?! Khi nào họ được ngồi xuống ăn bữa cơm mẹ nấu?! Khi nào họ được gặp lại chồng, gặp lại vợ và những đứa con đáng yêu đang mong nhớ họ từng ngày?!

Chính vì lẽ đó, chúng ta, những con người nhận được sự hy sinh của biết bao con người khác hãy yêu thương nhiều hơn, hãy cùng chung tay đoàn kết, góp sức tạo dựng một hậu phương vững chắc để các chiến sĩ yên tâm nơi chiến trường chống dịch. Bằng cách nào? Bằng cách ở yên trong nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và nghiêm khắc với chính mình theo nguyên tắc 5K.

Chẳng ai có thể trả lời khi nào những chiến binh của chúng ta được về lại với gia đình?! Khi nào họ được ngồi xuống ăn bữa cơm mẹ nấu?! Khi nào họ được gặp lại chồng, gặp lại vợ và những đứa con đáng yêu đang mong nhớ họ từng ngày?! (Ảnh: vnexpress.net)

NHỮNG BÀI HỌC VÔ GIÁ 

Thật không khó để bắt gặp những câu chuyện kịch tính xảy ra mùa đại dịch này. Nhiều người trở nên cáu gắt, khó chịu thậm chí chửi bới khi nhu cầu của bản thân không được đáp ứng. Một F0 triệu chứng nhẹ, vì lo sợ sức khỏe của bản thân nên đã chửi bới khi không có bác sĩ. Rồi bỗng trở nên lặng người khi phát hiện anh nhân viên y tế đổ gục vì kiệt sức bên giường bệnh của một F0 nguy kịch khác. Một thanh niên bức bối như muốn nổ tung vì không được ra đường cả tháng bỗng im phắt khi biết được người bạn làm tình nguyện nơi tuyến đầu đã làm việc liên tục trong bệnh viện mấy tháng nay. Một gia đình lục đục khi phải ở nhà nhiều quá chợt bừng tỉnh khi nghe thông tin về những gia đình khác có người mất do COVID-19, có người phải đi cách ly, có những em bé vừa sinh ra không người chăm sóc do cả cha và mẹ đều dương tính.

Một trận đại dịch đến mang theo nhiều nguy khốn, đau thương và mất mát nhưng cũng đã cho chúng ta nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Tin chắc rằng nếu không một lần đối diện với sinh tử, bạn sẽ chẳng thể cảm nhận được mạng sống này quý giá đến nhường nào. Khi sống trong khu cách ly, khu phong toả hay nằm vật lộn với từng hơi thở trên giường bệnh, bạn mới thật sự nhận ra tiền tài lúc này thật sự vô nghĩa. Danh lợi, vật chất không đổi lại cho ta được sinh mạng và sức khỏe. Những lúc như thế chỉ có sự nỗ lực của chính bản thân và hỗ trợ từ các y bác sĩ mới là phương pháp cứu cánh cho chính mình.

Hãy học cách trân quý những gì mà chúng ta đang có ngày hôm nay, bởi lẽ chẳng ai biết được việc gì sẽ đến vào ngày mai. Thay vì trách móc, giận hờn chúng ta hãy tập nói lời cảm ơn, suy nghĩ về sự biết ơn khi ta còn đang được sống, được thở, được ở trong nhà. Hãy yêu thương, bao dung và vị tha nhiều hơn với những người xung quanh. Vì chết đi rồi thì còn lấy đâu mà giận với hờn? Hãy thử nghĩ nếu chỉ còn một ngày để sống, chúng ta sẽ dành thời gian quý báu cuối cùng đó để làm gì, nói gì? Hãy sống như thể ngày mai bạn sẽ chết, mỗi ngày của bạn sẽ trở nên ý nghĩa hơn vì bạn biết mình nên lựa chọn cho mình cách sống như thế nào để không hối tiếc. Suy cho cùng điều chúng ta mong muốn nhất chẳng gì ngoài hai chữ bình an.

Du Nhiên/ Tạp chí Văn hoá Phật giáo

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB