(QCB) – Ngày đầu xuân, Tăng Ni, Phật tử làm lễ mừng tuổi chúc thọ tôi, tôi rất hoan hỷ.
Chúc thọ tức là cầu chúc được sống lâu, sống thêm. Người đời có ai bảo đảm mình sống tới bao lâu, nhất là đọc lời Phật dạy “mạng sống trong hơi thở”. Sống ngày nay không bảo đảm ngày mai. Như vậy tuổi thọ hay sinh mạng của chúng ta mỏng manh, tạm bợ, vô thường, không có gì bảo đảm hết. Cho nên qua một năm, đến ngày đầu xuân mọi người đều mừng thầy mình, cha mẹ mình, đã sống thêm được một tuổi, không bị vô thường cướp mất mạng sống mà còn kéo dài đến được năm mới. Đó là ý nghĩa mừng sống thêm được một tuổi.
Nhưng một năm qua không phải chỉ để thêm tuổi thọ, mà chúng ta phải làm được cái gì cho đạo, cho mình để đạo đức tăng trưởng, sự tu hành thêm phần tỉnh giác mạnh, sức tự chủ cao. Một năm như thế mới thật là xứng đáng. Nếu chúng ta mừng thêm một tuổi mà sống vô ích, vô nghĩa thì cái mừng đó phí lắm, không có giá trị gì.
Tăng Ni và Phật tử phải hiểu rằng, đời sống của chúng ta luôn luôn bị quỷ vô thường rình rập, chúng có thể chụp bắt mình bất cứ lúc nào. Vì vậy, qua một năm là mừng mình được thêm một tuổi, nhưng cái mừng ấy phải cộng chung với đức hạnh của chúng ta. Đó là điều Tăng Ni tự gắng tự nhớ tự kiểm lại, đừng để qua một năm mà công phu chưa tới đâu, đạo đức vẫn không thêm chút nào, thì thật uổng phí một đời tu.
Chúng ta tự chọn cho mình con đường cao quý, tốt đẹp, bỏ hết tất cả tư riêng của gia đình, từ giã cha mẹ quyến thuộc đi theo con đường tự giác giác tha. Đã đi trên con đường đó mà không tự giác thì làm sao giác tha được. Qua một năm mà chúng ta không tiến, đạo đức vẫn giẫm chân một chỗ, đó là điều đáng buồn. Phải làm sao, năm này, năm tới chúng ta vươn lên, không nên để ngày tháng trôi qua vô ích. Đó là tôi nói ý nghĩa mừng tuổi, mừng sống thêm một năm, cũng mừng chúng ta đã làm điều tốt đẹp cho mình, cho mọi người chung quanh.
Trong đạo Phật, không chú trọng trí thức mà chú trọng trí tuệ, không nói học giả mà nói hành giả, không nói bác học mà nói vô học. Bởi vì trí thức là trí do ý thức nhanh nhẹn khéo léo, so sánh phân biệt, đối chiếu rành rõ, khiến người nghe dễ nhận dễ hiểu. Tất cả những điều ấy là nhắm vào điều kiện vật chất, lo cho thân này, cảnh này mỗi ngày mỗi sung túc, mỗi tốt đẹp, mỗi giàu có hơn. Đó là lo trên phương diện sinh diệt, được rồi sẽ mất. Ngược lại, người học Phật lấy trí tuệ làm gốc. Trí tuệ trong đạo Phật chia ra hai phần: một là trí tuệ hữu lậu, hai là trí tuệ vô lậu.
Trí tuệ hữu lậu là gì? Là Văn, Tư, Tu. Văn tức là học. Học cái gì? Học những lời chân thật, Phật chỉ dạy lý thật của con người, lý thật của cuộc đời. Chúng ta học để thấy được chân lý của con người và của muôn vật. Đó là Văn. Tư là gì? Khi học rồi chúng ta nghiền ngẫm cho tới nơi tới chốn, thấy rõ, hiểu tường tận vấn đề. Đó là Tư. Tu là gì? Ứng dụng nghiền ngẫm tu hành bằng cách thấy đúng như thật chân lý Phật đã dạy, để tâm không nhiễm, không dính mắc tất cả pháp sinh diệt bên ngoài. Đó là Tu. Tuy nhiên, việc tu học này còn ở trong sinh diệt nên gọi là trí tuệ hữu lậu, tức còn rơi rớt trong luân hồi sanh tử.
Trí tuệ vô lậu là gì? Là Giới, Định, Tuệ. Giới là phương tiện ban đầu để câu thúc, đừng cho tâm chúng ta phóng túng. Từ Giới sanh Định, từ Định sanh Tuệ. Trí tuệ này không do học mới có, mà do chúng ta ứng dụng tu. Đức Phật đã thấy nơi mọi chúng sanh sẵn có tánh giác, không cần tìm kiếm ở bên ngoài, mà phải nhìn lại mình, lắng yên cho tâm an định. Tâm an định tức là ý thức lăng xăng lắng xuống hết, bấy giờ tánh giác sẽ hiển hiện tròn đủ. Như vậy, trí tuệ chân thật cũng chính là tánh giác của chúng ta.
Sự tu, sự học của mình là việc làm phi thường, thế gian không thể bì kịp. Song nhiều khi chúng ta lại xem thường nó, ham học cái của người, cái sanh diệt mà quên khơi lại cái không sanh diệt của chính mình.
Đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề tới đêm 49 được giác ngộ, Ngài thành Phật và tuyên bố “Ta học đạo không có thầy”. Vậy ai dạy Ngài trong lúc đó? Chính là tâm an định nên trí huệ bừng sáng, chớ không có ai dạy cả.
Như vậy tất cả Tăng Ni có người nào vô phần về việc này không? Ai cũng có phần hết, có phần tức là có đủ điều kiện để giác ngộ. Thế nhưng chúng ta cứ thả trôi, để bao nhiêu thứ phiền não phủ che, khỏa lấp, rồi cứ thế mà chấp nhận đi trong luân hồi. Ngày nay đủ phước đủ duyên, chúng ta biết được phương pháp ứng dụng tu, phải ráng nỗ lực tu hành, mới xứng đáng là người xuất trần thượng sĩ. Đó là điều tôi muốn nhắc cho Tăng Ni nhớ, đừng xem thường những giờ tu của mình.
Nên biết ý chí tu hành của chúng ta hết sức siêu việt, chớ không phải thường. Vậy mà có nhiều người vì sự ăn, sự mặc phiền não suốt đời, rồi tạo bao nhiêu thứ phiền lụy cho mọi người chung quanh. Thật là đáng tiếc, thật là đáng thương! Nhiều Phật tử được chư Tăng giáo hóa hiểu ra lẽ đạo, họ quý nên gặp chư Tăng liền đảnh lễ. Có người địa vị ngoài xã hội rất lớn hoặc tuổi tác trưởng thượng đáng ông bà cha mẹ, mà lạy chư Tăng còn nhỏ tuổi không hề thấy khó chịu. Tại vì họ quá quý lý lưởng của Phật Tổ dạy, quá quý sự tu hành siêu thoát.
Vậy mà chúng ta không chịu tu, khi họ lạy mình có thấy xấu hổ không? Người ta đảnh lễ mà tâm mình đang chạy ngược chạy xuôi xóm này xóm nọ, lúc đó ta có tội không? Quý vị phải nhớ đừng tưởng người ta lễ mà mình mừng. Điều đó càng khiến chúng ta xấu hổ hơn khi thấy sự tu của mình chưa ra gì. Nhận người đảnh lễ thì phải trả, chớ không thể nào nhận mà không trả. Nếu ta nhận sự cung kính cúng dường của người, mà không trả lại được bằng đạo đức, bằng sự tu hành chân chánh thì đời sau phải làm tôi đòi để trả nợ cũ. Họ kêu, mình chạy vù vù hoặc họ leo lên lưng cỡi, chớ không phải chuyện chơi.
Tăng Ni phải ý thức được giá trị sống bằng đạo đức, bằng sự giác ngộ, sống bằng lòng từ bi, không để suy kém phần nào hết, như vậy mới đáng sống. Sống một năm đáng một năm, sống hai năm đáng hai năm. Chúng ta không nên xem thường việc tu, mà bỏ phí giá trị của đời mình.
Tôi mong tất cả Tăng Ni cũng như quý Phật tử có mặt hôm nay phải thấy rõ giá trị đời tu của mình. Không phải chúng ta ở địa vị cao sang, ăn ngon, mặc đẹp… mà có giá trị. Giá trị là ở chỗ nội tâm luôn luôn tỉnh sáng, đối với mọi người luôn chia sớt san sẻ. Bằng lòng từ bi, chúng ta đem lại cho mọi người sự giác ngộ, an vui. Cuộc sống ấy mới có ý nghĩa, có giá trị. Đừng vì một hai lý do không ra gì, chúng ta cứ lẩn quẩn ở đâu đó, để rồi một đời trôi qua vô nghĩa, vô ích. Đó là điều đáng buồn.
Với tôi, tuổi thọ dài ngắn không quan trọng, mà quan trọng ở chỗ chúng ta biết dùng nó trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp. Làm sao ta hằng tỉnh giác và khuyên mọi người cùng được tỉnh giác. Người xuất gia tự vui với bổn phận của mình, chớ không phải sống để mà sống. Tăng Ni phải ý thức được giá trị sống bằng đạo đức, bằng sự giác ngộ, sống bằng lòng từ bi, không để suy kém phần nào hết, như vậy mới đáng sống. Sống một năm đáng một năm, sống hai năm đáng hai năm. Chúng ta không nên xem thường việc tu, mà bỏ phí giá trị của đời mình.
Mong rằng sang năm mới này, tất cả Tăng Ni phải chuẩn bị cho mình mỗi một ngày qua là một ngày quý báu, chúng ta đừng thả trôi, đừng để năm tháng qua đi một cách lãng phí. Như vậy mới xứng đáng là người cầu đạo giác ngộ giải thoát. Mong tất cả quý vị nghe, cố gắng tu tập cho được trí tuệ vô sư viên mãn.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB