Lịch sử chùa Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam

5862

Chánh điện chùa Vĩnh Bình

Chùa Vĩnh Bình tọa lạc tại thôn Vĩnh Bình – xã Tam Thăng – TP. Tam Kỳ – tỉnh Quảng Nam thuộc vùng thôn quê cát trắng, ngăn sông cách chợ, là nơi quy tụ nhiều phật tử có chung tấm lòng thiết tha với Đạo Pháp, rất tín ngưỡng Tam Bảo.

Trong chế độ phong kiến nhân dân làng Vĩnh Bình có tín ngưỡng thờ cúng chư vị Tiền hiền, tiên tổ, các vị Phật và Bồ tát, các vị thần linh tại chùa, miếu, đình làng…Thời kháng chiến chống Pháp năm 1945, các cơ sở Đình làng, chùa miếu đều phục vụ chiến tranh nên việc thờ cúng, tu niệm chưa có điều kiện sinh hoạt tập trung, phần lớn chủ yếu tu tập tại tư gia. Năm 1954 đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam Bắc, từ đó nhân dân Vĩnh Bình cũng như nhân dân miền Nam dưới sự cai quản, đàn áp dã man của ngụy quân, đã có biết bao gia đình vợ phải lìa chồng, cha xa con, anh xa em, nhiều cơ sở Đình làng, chùa miếu bị tàn phá sang bằng.

Sống trong cảnh nước mất nhà tan, đời sống lầm than cơ cực, nhân dân Vĩnh Bình với truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước đã dấy lên lòng căm phẩn kẻ thù cực độ. Được sự lãnh đạo của chi ủy và các anh chị là đảng viên Đảng CSVN, đặc biêt ông Phạm Biên, Bí thư chi bộ đứng ra tổ chức cho nhân dân đấu tranh chống lại Ngụy quân, vận động nhân dân theo Phật giáo, xây dựng tổ chức hợp pháp để tu hành và lấy cái thiện chống lại cái ác. Sau khi có ý kiến chấp thuận của ông Trịnh Bổng, Xã trưởng xã Kỳ Anh (nay là xã Tam Thăng), ĐĐ.Thích Thiện Duyên (nay là HT.Thích Thiện Duyên, Thành viên HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam) đã hướng dẫn thành lập Ban Khuôn hội Vĩnh Bình lâm thời đầu tiên do ông Dương Bích (tức Dương Ca) làm Trưởng ban; ông Châu Minh làm Phó ban; ông Châu Ngọc, Lê Mẫn, Bùi Chung, Châu Bích là thành viên; ngoài ra còn một số Đảng viên vận động nhưng không vào tổ chức, để thế lực thù địch khỏi nghi kỵ theo dõi phát hiện và mượn nhà ông Châu Minh để sinh hoạt, tụng kinh, lễ bái, niệm Phật.

Trong một thời gian ngắn đã có hơn 100 gia đình, hơn 200 phật tử tham gia lễ bái, tụng kinh niệm Phật. Đến tháng 5 năm 1956, chính thức thành lập Ban khuôn hội chùa Vĩnh Bình đầu tiên do ông Châu Bích làm Trưởng ban; ông Bùi Chung làm Phó ban; ông Lê Mẫn, Lê Sinh Hương, Lê Thái làm ủy viên; cụ Châu Ngọc, Châu Minh, Châu Lữ làm cố vấn.

Có được Ban Khuôn hội chính thức nên mọi sinh hoạt được hợp pháp, tự do sôi nổi, ban đêm thường tập trung sinh hoạt tụng kinh niệm Phật. Bên cạnh Ban Khuôn hội còn thành lập hội GĐPT gồm 60 thành viên Thanh thiếu niên tham gia thường xuyên luyện tập văn nghệ và nhiều hoạt động khác, đã thu hút nhiều Thanh thiếu niên ngoài xã hội gia nhập GĐPT để sinh hoạt tu học. Ban Huynh trưởng phụ trách bấy giờ là các anh: Lê Thái, Bùi Viết Dũng, Lê Xuân Bá, Bùi Đình Trân, Nguyễn Thị Hòa, Châu Minh Suyền…

Với sự phát triển Phật giáo ngày càng lớn mạnh tại Vĩnh Bình thời đó, nhà ông Châu Minh không đủ điều kiện cho hơn 200 phật tử sinh hoạt. Ban Khuôn hội được dân làng xóm Nam Phước (Làng Vĩnh Bình) ủng hộ di dời miếu Nam Phước và hiến cúng thêm đất để xây dựng chùa. Ban Khuôn hội đã tìm mua toàn bộ ngôi Đình Phú Xuyên (ở Tam Phú, Tam Kỳ) vận chuyển bằng đường sông về xây dựng chùa.

Tháng 3 năm 1958, Ban Khuôn hội đã tổ chức lễ động thổ và phật tử Nguyễn Thơ đặt viên gạch đầu tiên xây dựng chùa. Sau 4 tháng ngôi chùa đã xây dựng khang trang nhờ sự phát tâm tự nguyện đóng góp tiền của và công sức của bà con phật tử thôn Vĩnh Bình, mà nhất là bà con xóm Nam Phước trong đó đặc biệt là gia đình phật tử Lê Nhâm, nên Ban Khuôn hội thống nhất lấy tên là chùa Vĩnh Bình.  Chùa cũng đã tổ chức lễ rước tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni từ Tam Kỳ theo đường sông về an vị, theo nghi lễ hơn 20 thuyền ghe có cờ hoa, chiêng trống và hơn 200 phật tử cung nghinh về chùa Vĩnh Bình dưới sự hướng dẫn của ĐĐ.Thích Thiện Duyên.

Ngày 15/7/ÂL (năm 1958), nhân Đại lễ Vu Lan – PL.2506, chùa tổ chức lễ khánh thành và an vị tượng Phật Bổn Sư, ĐĐ.Thích Thiện Duyên cũng đã quang lâm chứng minh và quy y truyền trao ngũ giới cho hơn 200 phật tử tại bổn tự trong dịp này.

Có được một ngôi chùa sinh hoạt, bà con phật tử tu tập có tổ chức và đây cũng là sợ dây kết nối lòng yêu nước, đùm bọc sẻ chia, lấy cái thiện chống lại cái ác của kẻ thù xâm lược.

Năm 1959, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, phong trào chấn hưng Phật giáo nỗi lên khắp nơi, trong những năm này chùa Vĩnh Bình đã đưa một số phật tử nòng cốt của cách mạng ra ứng cử vào các vị trí chủ chốt của chính quyền ngụy để hoạt động như phật tử Bùi Trọng Toan; Lê Thái, Võ Thế, … và hơn 30 thanh niên phật tử chống quân địch lên vùng giải phóng. Năm 1961 Ban Khuôn hội xây dựng Trường Bồ Đề bên cạnh chùa Vĩnh Bình, do ông Bùi Đình Trân (nay còn sống ở Bắc Trà My) giảng dạy miễn phí cho học sinh nghèo trong vùng từ lớp 1 đến lớp 4, và mở lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi.

Năm 1962 cách mạng về đánh phá trụ sở cơ quan Hội đồng xã Kỳ Anh của Ngụy. Địch phản ứng đàn áp nhân dân, bắt tra tấn một số gia đình Phật tử, ra lệnh phật tử chùa Vĩnh Bình nội bất xuất, ngoại bất nhập và cấm mọi hình thức sinh hoạt Phật giáo, số phật tử là thành viên Ban Khuôn hội, Ban huynh trưởng của chùa hoạt động cho cách mạng phải thoát ly lên vùng giải phóng như phật tử Lê Thái, hoặc di dời lên Tam Kỳ như phật tử Bùi Viết Dũng.

Từ năm 1962 đến năm 1964, Địch ráo riết đàn áp Phật giáo chùa Vĩnh Bình, nhưng phật tử vẫn sinh hoạt tu niệm tại gia và tìm mọi cách duy trì sinh hoạt tại chùa cho đến năm 1968.

Năm 1969, Làng Vĩnh Bình còn là vùng tranh chấp, Ban Khuôn hội phải ly tán, số gia đình phật tử tản cư, số tham gia cách mạng, chỉ còn ít phật tử lớn tuổi ở lại lo nhang khói tại chùa.

Từ năm 1964 đến năm 1967, chùa Vĩnh Bình vẫn là nơi tổ chức hội họp của cách mạng, vừa là nơi chứa hàng lương thực, thuốc men tiếp tế phục vụ cách mạng, vừa là nơi che chở cho cán bộ cách mạng hoạt động bí mật an toàn, chứng tích còn lại tại dưới tượng đài đức Bổn Sư Thích Ca là hầm bí mật thông ra cây Bồ đề phái sau chùa thoát nạn ra bờ sông (hầm do phật tử Châu Lương, Châu Dũ, Nguyễn Tương, Trần Thạnh, Trần Luận và nhiều Huynh trưởng khác đào).

Nhà thờ Linh chùa Vĩnh Bình

Từ năm 1969 đến năm 1975 chiến tranh tàn phá chùa dột nát hư hại, phật tử ly tán không người tu sửa. Trong thời chống Mỹ, nhiều phật tử chùa Vĩnh Bình giác ngộ cách mạng, thoát ly hoạt động giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước. Hàng trăm phật tử đã anh dũng hy sinh đã được tổ quốc ghi công là anh hùng liệt sĩ, số còn lại trở về là thương binh, bệnh binh, và nhiều phật tử được nhà nước phong tặng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm 1975, khi hòa bình lập lại thì gặp thiên tai bảo lụt triền miên, cuộc sống của dân chúng còn gặp nhiều khó khăn, Ban Khuôn hội không còn ai trụ bám, nhưng chùa vẫn sinh hoạt bình thường nhờ sự trông coi của các phật tử tín tâm nơi đây.

Năm 1993, được sự quan tâm của Ban Đại diện Phật giáo thị xã Tam Kỳ (nay là Ban Trị sự GHPGVN thành phố Tam Kỳ) và sự phát tâm đóng góp của bà con phật tử, chùa Vĩnh Bình được sửa sang tương đối ổn định. Số lượng tín đồ sinh hoạt tu học ngày càng phát triển cho đến ngày nay. Hiện tại chùa vẫn chưa được đăng ký sinh hoạt trong lòng Giáo hội, cũng như chưa có vị Tăng Ni về hướng dẫn phật tử tu học.

Phật tử Bùi Viết Dũng ghi

Viên Hải hiệu đính

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB