Tôi đã giảng bài kệ khai kinh Pháp hoa theo đó Tổ Phước Huệ tóm gọn ý nghĩa của toàn bộ kinh Pháp hoa để chúng ta nhớ và tu.
Trong đó, Tăng Ni, Phật tử cần nhớ những việc chính như sau. Phật giáo gọi Phật thừa hay Nhất Phật thừa là chỉ có con đường duy nhất tu hành để thành Phật. Và thành tựu quả vị Phật, hành giả được tự tại từ trên Phật giới xuống Bồ-tát giới, qua các cõi trời xuống loài người cho đến xuống sâu tận ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nhưng ngộ được kinh Pháp hoa là mở được mắt trí tuệ thì chúng ta ở bất cứ nơi nào, chỗ đó cũng là Cực lạc, thiên đường, hay Niết-bàn. Tổ Phước Huệ nói ý này là “Vãng hoàn tam giới trường ngự bạch ngưu chi xa” là đi ra đi vô ba cõi hoàn toàn tự tại nhờ chứng ngộ kinh Pháp hoa.
Nhưng người chưa chứng ngộ mà phát tâm tùy hỷ với kinh Pháp hoa là đã kết duyên với Phật, nên được Phật hộ niệm. Tuy chưa được tự tại, nhưng gặp khó khổ, liền có người giúp đỡ chúng ta, hay nói cách khác, được Phật cứu vì kết duyên với Phật rồi thì những người kính trọng Phật gồm có bát bộ thiên long cũng giúp đỡ chúng ta vì chúng ta là con của Phật, điều này tất yếu như vậy. Còn người tín thọ phụng hành kinh Pháp hoa là người tin nhận yếu chỉ của Phật và theo đó tu hành thì ở bất cứ hoàn cảnh nào, chỗ nào, thời gian nào, họ cũng được an lạc.
Kinh Pháp hoa có đỉnh cao và từ đỉnh cao đó có sự kết nối với Đức Phật Thích Ca ở trên cuộc đời. Chúng ta biết Ngài tu đắc đạo rất nhanh chóng, vì trong thân Ngài đã có ông Phật rồi, nên kinh Pháp hoa gọi là cửu viễn thật thành, tức Ngài thành Phật từ muôn ức kiếp trước, không phải mới thành Phật đây. Nhưng loài người và quỷ thần nói Phật xuất thân dòng họ Thích đến cội bồ-đề tọa thiền rồi thành Phật, họ thấy như vậy là đúng trên hiện tượng giới tức Phật hiện thân vào Sĩ Đạt Ta con vua Tịnh Phạn và mang thân người đi tu thành Phật.
Trong khi phẩm Tín giải thứ 4, Ca Diếp thấy Phật không phải con vua Tịnh Phạn và mới xuất gia tu thành Phật. Và Ngài dùng hình ảnh rất hay là ông trưởng giả cởi bỏ chuỗi anh lạc, mặc đồ thô rách, tay cầm đồ hốt phân để ông gần gũi những người làm nghề hốt phân. Nói rõ là Phật đóng kịch, vì Ngài thiệt là Phật nhưng Ngài đóng vai hoàng tử rồi bỏ thành đi tu thành Phật. Người ta nói Ngài tu thành Phật, nhưng ta nhìn kỹ không phải vậy. Nếu Ngài mới tu thành Phật thì tại sao các hoàng tử khác tu lại không thành Phật. Vì họ là hoàng tử thiệt. Phật giả làm hoàng tử, hay nói chính xác Ngài là Phật nhưng đóng vai hoàng tử.
Vì vậy, chúng ta nhìn theo mắt trí tuệ của Phật thì tất cả mọi người sanh trên cuộc đời đều theo nghiệp mà thọ báo, nên không ai giống ai. Với người theo nghiệp mà thọ báo, những gì họ sợ thì tới, những gì họ muốn thì không tới. Thật vậy, mọi người ai cũng muốn giàu sang, đẹp đẽ, thông minh, sung sướng, nhưng tại nghiệp của họ xấu ác nên muốn cũng không được và những gì tồi tệ, khổ đau lại đến với họ.
Chúng ta nhìn sâu trong loài người cũng có các vị Thanh văn từ quả vị Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán và các vị Bồ-tát từ Thập tín đến Thập hồi hướng, chúng ta nên theo các vị này để tu học.
Trong Hiền vị của hàng Thanh văn, trước nhất chúng ta thấy họ mang thân người nhưng không bị thân người là sắc, thọ, tưởng, hành và thức làm khổ. Họ không cần vật chất, đôi khi họ sợ vật chất. Ta nên gần những vị đó để học theo.
Ngoài đạo Phật, người tu đạo Khổng, đạo Lão có kết quả tốt thì cũng được. Điển hình như vua sai người mời Trang Tử làm tể tướng tương đương với chức thủ tướng bây giờ. Ông không nhận mà chỉ cho sứ giả của vua thấy con rùa sống trong vũng bùn nhưng nó rất hồn nhiên, thoải mái. Và ông cũng chỉ cho thấy con rùa để trong tủ vàng ở cung vua, thì đem vị trí của con rùa vàng này đổi lấy cuộc sống của con rùa trong bùn, chắc chắn con rùa sống tự do ngoài thiên nhiên không bằng lòng. Rùa trong lồng vàng ở cung điện là rùa chết. Ông kết luận rằng ông cũng vậy, không muốn bị sợi dây lợi danh thắt vào cổ.
Người không bị lợi danh phú quý ràng buộc là Hiền nhân, mình theo được. Phật nói hàng Dự lưu tức Tu-đà-hoàn vào sống trong dòng Thánh là sống với trí tuệ Phật, họ thấy an lạc. Vật chất không cám dỗ họ thì ta tin họ được một điểm. Gần gũi họ và đem tiền bạc, danh lợi thử nhưng họ không ham. Hòa thượng Thiện Siêu lúc sanh tiền nói rằng người tu thấy tiền bạc, danh lợi như mạt vàng rắc vô mắt là mù. Người tu sợ vàng như rắn độc mới tu được.
Nhập vào dòng Thánh, trước nhất dứt khoát không tham, của mình còn không cần, huống chi của người. Người thấy tiền, thấy vàng sáng mắt là tu giả, chưa kể cầm sổ đi xin, chúng ta nên cẩn thận với hạng này. Một bó nhang đáng giá mười ngàn đồng, họ nói bán cho chùa lấy một trăm ngàn đồng. Phật tử phát tâm mua ủng hộ chùa vì tội nghiệp chùa, tội nghiệp Phật. Phật không phải để ta tội nghiệp.
Thuở nhỏ ở chùa Huê Nghiêm, tôi thấy Hòa thượng dán câu liễn:
Phật dụng hiền lương, mạc dụng tiền tài hành ác nghiệp.
Tiên cầu lạc cảnh, vô cầu danh lợi lập gian mưu.
Nghĩa là Phật dùng tâm hiền lương, dùng người hiền lương. Phật không dùng tiền. Ngài ở nhà làm vua có ba tòa lâu đài, nhưng bỏ tất cả để tu hành chứng tỏ Ngài không cần tiền.
Câu thứ hai nghĩa là tiên cầu cảnh an vui, nên cảnh đẹp gọi là cảnh tiên, có cây cối bông hoa xinh tươi, không khí trong lành. Phật không cần tiền, tiên không cần danh. Ta tu theo Phật hay tu tiên cũng được và tránh xa người cầu tiền, cầu danh. Người cầu danh lợi có nhiều âm mưu thủ đoạn, lòng họ không tốt, chúng ta gần họ sẽ bị phiền lụy.
Phật dạy tu hành tối thiểu phải đắc Sơ quả là phải bỏ lòng tham tiền, tham danh. Bỏ tiền và danh, chúng ta có trắng tay hay không. Phật dạy bỏ tất cả được tất cả là bỏ lòng tham thì phước đức sanh ra. Người có tướng phước đức, vì họ thực có phước đức, ta nương theo.
Họ có phước làm quan là họ không muốn làm quan, nhưng người ta mời thỉnh như Trang Tử được mời làm tể tướng, dù ông không muốn. Hoặc Khổng Minh ở thảo am, nhưng ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi ba lần viếng Khổng Minh, đứng khoanh tay chờ ngoài cổng. Lần thứ ba, ông mới tiếp và xuống núi về làm cố vấn cho ba anh em này.
Người có phước có trí sợ làm quan như Trang Tử, vì làm sao vừa lòng hết thiên hạ, trời còn không vừa lòng thiên hạ được mà. Trang Tử thấy rõ hai mặt của cuộc đời, mặt tốt có mặt xấu ẩn bên trong. Làm quan cuối cùng đều mang oan trái, điển hình như ông Viên Án là quan thanh liêm, nhưng xử oan ông tướng Triệu Thố, nên ông từ quan về đi tu. Ông đã tu đến chín kiếp mà nhắm mắt lại vẫn thấy Triệu Thố theo đòi mạng và nói ông giết oan tôi.
Vì vậy, người có đời sống thanh khiết sợ làm quan, làm tướng, làm vua, nói rõ là sợ không đủ đức không đủ tài để làm lãnh đạo mà làm thì nguy hiểm, vì khó làm vừa lòng thiên hạ. Đa số ẩn tu vì lý này để tối thiểu họ giữ được Sơ quả là không lệ thuộc vật chất và tình cảm mới làm chủ được bản thân.
Phật dạy tu hành còn lệ thuộc mọi thứ thì chưa được gì. Phải làm chủ bản thân trước là không lệ thuộc vật chất, có gì ăn đó, có gì mặc đó. Tổ Thiên Thai ở núi Thiên Thai không có cơm gạo ăn, ngài hái lá non, bẻ măng rừng ăn và uống nước sương trên cành tre. Ngài làm chủ bản thân, trong suốt ba năm ở hang núi, ăn uống như vậy mà vẫn khỏe mạnh, không bệnh. Trong khi mình ăn uống đủ thứ nhưng nhiều bệnh, vì không làm chủ được thân mạng mình bởi lệ thuộc đủ thứ thực phẩm, lệ thuộc vi trùng, siêu vi thì tu không có kết quả.
Làm chủ bản thân, gần nhất là làm chủ việc ăn uống, ngủ nghỉ, tức làm chủ cuộc sống mình, cuối cùng làm chủ được cái chết. Phật dạy rõ điều này, nhưng ít người làm được.
Tăng Ni, Phật tử phải tập cho được pháp này, mới tính đến việc khác. Chúng ta vào dòng thác Như Lai, uống được nước pháp Phật, chúng ta bình yên, dở nhất là chỉ trải qua bảy đời sẽ chứng quả A-la-hán, nghĩa là sống không lệ thuộc vật chất, tình cảm và mình kéo dài được cách sống thanh tịnh như vậy thì qua bảy đời nữa, mình chứng A-la-hán là Vô sanh.
Thiết nghĩ mình tu nhiều đời trong sinh tử mà không đạt được quả vị này quả là uổng phí. Chứng Vô sanh, chúng ta được tự tại, không bị vật chất và tình cảm chi phối, chưa chứng Vô sanh thì còn làm nô lệ cho vật chất và tình cảm.
Vì vậy, điều chỉnh thân vật chất trước để làm chủ thân này bằng cách ăn uống, ngủ nghỉ đúng thời, đúng pháp, ăn uống vừa phải là chỉ cung cấp cho cơ thể những thứ cần thiết tối thiểu để duy trì mạng sống. Tôi chưa làm chủ thân, nhưng tôi chi phối nó được. Người ta cúng thức ăn nhiều, nhưng tôi chỉ ăn nửa chén là đủ, không ăn thêm.
Phật tử không làm chủ việc ăn uống, ăn nhiều và uống nước ngọt dễ bị tiểu đường và sanh bệnh phải khổ thêm, vì lệ thuộc thêm bệnh hoạn dẫn đến đau khổ và chết. Mình để bệnh sanh ra là đã tạo nghiệp thì tu khó lắm.
Các thiền sư tu hành nỗ lực thực tập cho được cuộc sống không lệ thuộc vật chất và tình cảm. Quán sát xem khi được đề cao, mình có sướng không và khi người ta nói lời thô ác, mình có buồn giận không. Người tu phải đặt tâm mình ngoài vòng khen chê. Theo tôi, tại họ không biết nên chê thì mình kiểm tra xem mình có lỗi này không. nếu không có lỗi, mình bỏ nó một cách nhẹ nhàng, vì cuộc đời này ở cõi ngũ trược hết khen đến chê, chê chán rồi lại khen là chuyện bình thường. Cần tự kiểm tra mình có tốt thực không và làm được gì tốt hay không. Để một ngày trôi qua mà không làm được lợi ích thì phải lo. Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ dạy rằng sống lâu hay chết sớm không quan trọng, sống lâu để tạo phước đức hay sống lâu để tạo nghiệp là điều cần suy nghĩ.
Riêng tôi, trước kia tôi nghĩ mình sống đến 60 tuổi thôi, nhưng qua tuổi 60, thấy còn khỏe và làm dễ dàng hơn, nên tiếp tục làm được một số việc. Đến 70 tuổi, đáng lẽ nghỉ, nhưng Giáo hội tổ chức lễ Vesak đề cử tôi làm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế là có việc để tôi làm. Làm xong nghĩ chết cũng được, nhưng lại xây dựng thêm Việt Nam Quốc Tự, Học viện Phật giáo TP.HCM và chùa Thanh Tâm.
Hòa thượng Phổ Tuệ nói điều mà tôi tâm đắc rằng sống lâu làm được gì cho đời thì nên sống, không được thì đi. Thể hiện lý này, thiền sư chứng Sơ quả đến Tam quả nhận thấy không còn gì làm được thì họ đi, nghĩa là làm chủ cái chết.
Tăng Ni, Phật tử nhớ việc tu hành quan trọng là làm chủ cuộc sống tức sống khỏe mạnh, làm được việc và làm chủ cái chết, không phải muốn chết mà không được. Làm chủ cái chết, tôi xin chết tự nhiên, đừng can thiệp theo y khoa quá sâu làm mình không chết được. Thí dụ đáng lẽ tim ngừng đập, nhưng họ không cho chết, dùng máy trợ tim để tiếp tục sống. Cách sống thực vật như vậy cũng không làm được gì mà rất tốn kém làm người bệnh tổn phước thêm và làm phiền lụy cho nhiều người chăm sóc cũng lại tổn phước.
Thiền sư nói làm chủ cái chết là đang khỏe, nhưng chuẩn bị cái chết bằng cách ăn ít, cho cơ thể nhẹ, bộ máy tiêu hóa được nghỉ ngơi, bộ máy tuần hoàn cũng nhẹ theo. Muốn bớt ăn phải bớt lao động và bớt tiếp xúc, bớt nói, vì nói nhiều hao tổn khí lực, tiếp xúc ảnh hưởng đến tinh thần.
Riêng tôi, khi nào chuẩn bị chết, tôi bớt ăn uống hơn nữa và bớt ngủ để tâm định tĩnh, gia công tu thiền quán, dành nhiều thì giờ tiếp cận Phật, Bồ-tát. Tất cả việc làm, bạn bè bỏ một bên, hướng tâm trọn vẹn về thế giới Phật. Bình sanh mình có nhân duyên với vị Phật nào, pháp môn nào thì tập trung về Phật đó và pháp đó để quan hệ giữa mình và Phật càng mạnh càng rõ càng tốt.
Nhưng người tu chưa làm chủ được cái chết thì họ cần sự hộ niệm. Giống như những người chết vì dịch bệnh Covid là chưa tới số mà bị dịch bệnh nên chết. Kinh Dược Sư nói rằng người bệnh không đủ thuốc, không người chăm sóc, không đáng chết mà phải qua đời. Nếu có thuốc chích ngừa sớm, hoặc có oxy thì không chết. Họ chết, nhưng thần thức của họ còn kẹt lại ở trung ấm thân. Vì vậy, Giáo hội Trung ương và Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ cầu siêu cho những người chưa đáng chết mà phải qua đời.
Đối với người hết số, đã tạo phước lớn thì chết họ sanh lên cõi trời, hay cõi lành. Với người tội nhiều thì chết vô địa ngục. Đó là hai con đường đi lên đi xuống rõ ràng.
Nhưng những người bị dịch bệnh Covid chết thì thần thức của họ không đi lên cũng không đi xuống, mà thần thức của họ lang thang làm ma quỷ đói khát. Làm lễ cầu siêu cho họ và tụng kinh Di Đà giới thiệu Cực lạc và Đức Phật A Di Đà để thần thức của họ cảm nhận được thế giới Cực lạc và hướng tâm về thế giới Phật thì thần thức của họ không còn khổ đau ở đây nữa và có thể họ sẽ vãng sanh về Cực lạc.
Phật dạy có chín trường hợp sanh về Cực lạc. Hạng thứ nhất là tất cả Bồ-tát lớn đi giáo hóa chúng sanh trong mười phương, họ sanh vào các thế giới, làm một số Phật sự xong, họ trở về Cực lạc, đi về tự do tự tại. Như tôi đã nói Hòa thượng Trí Hải, trước khi chết, vào Nam thăm và gặp tôi nói những lời khiến tôi phải suy nghĩ. Hòa thượng nói ngài về Cực lạc thăm Đức Di Đà vài hôm thôi, ngài sẽ trở lại đây cùng làm Phật sự với quý thầy. Hòa thượng đi tu từ thuở nhỏ, làm được nhiều Phật sự, xây chùa Quán Sứ, suốt đời ngài tụng kinh Pháp hoa nhưng cuối đời về Cực lạc thăm Phật Di Đà vài hôm rồi trở lại.
Đó là tu Tịnh độ theo Pháp hoa có điều đặc biệt là sanh Tịnh độ để học thêm điều gì và trở lại Ta-bà làm Phật sự. Đây là hàng thượng phẩm thượng sanh mà kinh Di Đà nói mỗi sáng họ lượm hoa trời đem đi cúng mười phương, trở về còn kịp giờ thọ trai.
Có người hỏi tôi rằng sáng lượm hoa đi cúng khắp nơi mà về kịp thời cơm trưa là đi quá nhanh, ngày nào cũng làm như vậy phải không.
Tôi nói họ làm vậy nhưng không giống mình làm ở đây. Thí dụ mỗi sáng sớm ở chùa Huê Nghiêm, tôi cũng hái hoa cúng Phật, nhưng kinh Di Đà muốn nói hoa trời là hoa mà không có hoa, tức hoa không thấy bằng mắt.
Trong kinh Pháp hoa có nói hoa trời Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa rơi xuống óng ánh làm người cảm thấy mát mẻ, an lạc kỳ diệu. Người có pháp nhãn, có mắt huệ mới thấy được hoa trời, mắt thịt không thấy được.
Hoa trời là hoa tự nhiên nhằm chỉ người tu đạt được sở ngộ sở chứng đi khắp mười phương thuyết pháp làm người phát tâm tu theo Phật có được cuộc sống an vui, giải thoát.
Theo tôi, Hòa thượng Trí Hải từ Tây phương Tịnh độ sang Việt Nam tuyên dương pháp môn Tịnh độ. Làm xong việc này, ngài về Tịnh độ học thêm điều mới để tiếp tục làm đạo, vì Phật có vô số điều hay mà mình không thể biết hết một lần.
Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện nói rằng lâm chung về Cực lạc để được Phật Di Đà thọ ký và nghe pháp âm vi diệu để chứng Vô sanh pháp nhẫn, tức pháp của Phật Di Đà tẩy sạch trần tâm mình giúp mình không lệ thuộc vật chất và tình cảm. Và được Phật Di Đà thọ ký rồi, muốn sanh chỗ nào cũng đi bằng chân linh, nên đi về hoàn toàn tự tại và nhanh trong chớp mắt, kinh gọi là sát-na.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB