Hội An: Lễ giỗ Tổ sư Minh Giác tại tổ đình Phước Lâm
1018
Sáng nay, ngày 5/12/2019 (10/11 Kỷ Hợi), môn đồ tứ chúng đã vân tập về tổ đình Phước Lâm (P. Thanh Hà, TP. Hội An, T. Quảng Nam) để dâng hương tưởng niệm Tổ sư Minh Giác (1747-1830) nhân ngày húy nhật.
Quang lâm chứng minh tác lễ có HT.Thích Hạnh Niệm – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam; TT.Thích Hạnh Nhẫn – Phó BTS PG tỉnh, Trưởng BTS Phật giáo TP.Hội An; cùng chư Tôn đức Tăng Ni và đông đảo Phật tử xa gần về tham dự và đồng cầu nguyện.
Tại buổi lễ, chư Tôn đức đã niêm hương bạch Phật, cúng ngọ, cầu siêu tại chánh điện. Sau đó, thực hiện nghi thức cung tiến Giác linh tại nhà Tổ.
Tổ đình Phước Lâm tọa lạc tại phường Thanh Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam, xưa là xứ Trảng Kèo, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước thuộc phủ Điện Bàn – Quảng Nam. Tổ đình do Tổ sư Thiệt Dinh Chánh Hiển – Ân Triêm đời thứ 35 thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII với tên gọi là Phước Lâm tự, bao hàm ý nghĩa là rừng phước vô hạn.
Ngôi chùa được xây dựng trên một khu đất cao ráo, phong cảnh hết sức lý tưởng. Phía sau là đồi cát lớn, trước mặt hồ nước rộng, xung quanh cảnh vật thanh u vắng lặng, thật đáng là nơi lý tưởng cho các bậc tu hành xa dứt trần duyên chăm bề kinh kệ.
Toàn bộ công trình chùa được xây dựng theo kiểu hình chữ “quốc” (囯) với ngôi chánh điện cao rộng bao gồm tiền điện, hậu điện và hai lầu chuông trống. Tiếp sau chánh điện là nhà thờ Tổ làm nơi thờ cúng lịch đại các đời Tổ sư, Trụ trì. Hai nhà Đông Tây chạy dài dọc theo trục Bắc Nam, là cầu nối giữa chánh điện và nhà thờ tổ tạo thành một khuôn viên khép kín.
Ngoài những công trình chính, trong khuôn viên chùa còn có khu mộ tháp của chư Tổ qua các đời như: Tháp Tổ Ân Triêm, Luật Oai Minh Giác, Quán Thông, Pháp Hóa, Vĩnh Gia… Đây cũng là những công trình kiến trúc khá độc đáo, vừa góp phần tạo cho cảnh quan ngôi chùa càng thêm tráng lệ.
Phúc Lâm tự xưa cũng từng được triều Nguyễn ban Sắc tứ, là một trong những ngôi chùa tiêu biểu trên mảnh đất phố cổ Hội An, chùa còn là di tích cấp quốc gia.
Tổ sư Minh Giác thế danh Võ Đức Nghiêm, sinh vào giờ Tuất ngày 15 tháng 1 năm Đinh Mão (1747) nhằm vào năm Cảnh Hưng thứ 8 đời vua Lê Hiển Tông (theo sử Đàng Trong thì thuộc năm thứ 10 đời chúa Võ Vương – Nguyễn Phúc Khoát) tại thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (nay thuộc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Tuy tuổi đồng ấu nhưng Ngài đã biểu hiện sự thông tuệ khác người, tính thích sự yên tỉnh, trầm mặc, ít nói cười khác hẳn mọi đứa trẻ cùng trang lứa. Đặc biệt khi còn tuổi hài đề Ngài đã sớm biết niệm Nam Mô Phật, thể hiện chí nguyện thoát tục của mình.
Năm Kỷ Mão (1759), khi vừa tròn 12 tuổi, Ngài xin phép song thân lên đường tầm sư học đạo. Lúc bấy giờ có thiền sư Ân Triêm, trụ trì chùa Phước Lâm, Hội An là bậc cao tăng đắc đạo nên Ngài tìm đến tham lễ và xin xuất gia học đạo. Thấy Ngài tuổi nhỏ nhưng khí độ khác người nên Tổ hoan hỷ nhận làm đồ đệ, ban cho pháp danh là Pháp Kiêm, tự Luật Oai. Như vậy, Ngài thuộc đời thứ 36 thiền phái Lâm Tế và cũng là thế hệ thứ 3 pháp phái Chúc Thánh theo bài kệ truyền thừa của Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo.
Sau khi xuất gia, Ngài dốc chí theo thầy học đạo. Với một bình bát, một ca sa, Ngài sống đời giản dị, sớm tối tham thiền, nghiên tầm kinh điển. Tuy còn trẻ tuổi nhưng vốn tính thông tuệ khác người, cộng với sự tu hành thực chứng của bản thân nên Ngài thấu suốt được nghĩa lý Tam Thừa-Nhị Đế khiến cho khắp chốn Tòng Lâm đều mến mộ.
Năm Canh Dần (1770), sau hơn 10 năm tu tập tại Phước Lâm, Ngài xin về làng thăm viếng song thân. Lúc bấy giờ giặc mọi Đá Vách lại tập trung đồ đảng quấy nhiễu cướp phá khắp tỉnh Quảng Ngãi, Ngài tòng quân dưới quyền chỉ huy của Cai bạ Trần Phúc Thành đánh dẹp loạn phỉ, đem lại sự bình yên cho quê hương. Trong quân ngũ, Ngài lập được nhiều chiến công nên dần dần được thăng chỉ huy. Lúc bấy giờ phong trào Tây Sơn đang phát khởi, khắp nơi loạn ly, bao nhiêu biến động của đất nước càng khiến cho Ngài thấy rõ hơn tuồng ảo hóa của cuộc sống, mùi công danh phú quý như gió thoảng mây trôi làm sao lay động được tâm hồn của bậc Đại Sĩ. Thế là Ngài âm thầm treo ấn từ quan, sau khi dặn dò mọi việc trong thân tộc Ngài trở lại Hội An tiếp tục chí nguyện lúc ban đầu của mình.
Về Hội An, Ngài phát nguyện quét chợ 20 năm để sám hối tội lỗi đã gây ra trong chiến tranh. Quét chợ để làm sạch cảnh trần ai và cũng là quét sạch mọi cấu bẩn trong tâm, dọn mình khiết tịnh để tiến lên bờ giác.
“Trong nhật dụng, tám cấu đều không, chúng vui đón cơn gió mát.
Trên đường đi, một trần không nhiễm, người mừng uống được nước trong.”
Trong suốt 20 năm trời ròng rã, dù cho Đông – Hạ tiết trời khắc nghiệt nhưng Ngài vẫn không sờn lòng, miệt mài với hạnh nguyện của mình một cách rất đều đặn, miên mật không gián đoạn. Buổi sáng và chiều Ngài cầm chổi quét chợ, trưa ôm bình bát khất thực và tối nghỉ tại chợ, tham thiền niệm Phật cho đến nửa đêm mới đặt lưng xuống chiếu.
Hơn 20 năm Ngài sống lăn lộn trong cõi trần ô nhiễm nhưng tâm vẫn thanh tịnh, không mảy may dao động trước cảnh sắc không của cuộc đời. Với đạo hạnh thâm sâu như vậy, Ngài được Tăng tín đồ tại Phố Hội cũng như mọi nơi mến mộ và xem như bậc Bồ tát hiện thân.
Năm Mậu Ngọ (1798), sau khi công hạnh đã viên mãn, Ngài được Chư Sơn cũng như tín đồ thỉnh về trụ trì chùa Chiên Đàn và tôn hiệu là Minh Giác Hoà Thượng. Trong tờ biểu tôn xưng có nói: “Phật là giác giả, Hòa thượng có tính thông tuệ, tự cho con đường tình duyên danh lợi đã 20 năm nay như đem dao cắt đứt hẳn, coi giống cát sông bọt nổi. Lại đem mình ở nơi thị tỉnh chịu đựng bụi trần nhọc lòng khổ chí để giữ vững tâm niệm nhập đạo mà thành tựu tấm thân chứng đạo. Đã hay tự mình khai giác hết thảy những người có tình như chiêm bao thức giấc vậy.” Trong điển Phật có nói: “Tự mình biết, bảo cho người khác biết, đó là có ý nghĩa đầy đủ tiếng khen về biết rõ cả”.
Chùa Phước Lâm là nơi Ngài xuất gia từ tấm bé đang rơi vào cảnh hoang tàn do chiến tranh gây ra. Sau khi trở lại hình thức tu sĩ, Ngài trở về chùa xưa cùng với thiền sư Pháp Ấn-Quảng Độ quyên mộ vàng bạc, tạo tượng, đúc chuông… xây dựng Phước Lâm thành một ngôi tùng lâm nguy nga tráng lệ, một trong những danh lam nổi tiếng của đất Quảng.
Sau khi trùng tu lại chùa, Ngài kế thế trụ trì Phước Lâm. Từ đó, Ngài gióng Pháp Cổ, khai đàn giảng kinh thuyết pháp, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn chánh pháp làm cho Phật giáo ngày càng hưng thịnh.
Năm Mậu Dần (1818), thiền sư Toàn Đức – Hoằng Tông trùng tu chùa Vạn Đức và đúc đại hồng chung dưới sự chứng minh của Ngài.
Ngày 27 tháng 5 năm Tân Tỵ (1821), Minh Mạng năm thứ 2, Ngài được triều đình mời ra tham dự đại trai đàn tổ chức tại chùa Thiên Mụ – Huế.
Năm Nhâm Ngọ (1822) và Canh Dần (1830), Ngài đứng ra quyên mộ và chứng minh đúc hai quả đại hồng chung tôn trí tại chùa Phước Lâm và chùa Hải Tạng để sớm tối tiếng chuông ngân nga thức tỉnh nhân thế. Hiện nay, ba quả chuông này vẫn còn tại các chùa, điều này là một sự chứng minh cụ thể công đức hoằng hóa của Ngài thật vô cùng to lớn.
Hòa thượng là người tính tình chất trực thẳng thắn, điều này được thể hiện qua bản phú chúc cho đệ tử là Toàn Định Bảo Tạng như sau: “… Lời ta thẳng như thước dây, nặng như vàng đá, nếu có kẻ ương ngạnh vi phạm, hoặc trong chúng có kẻ bất tuân, cứ theo pháp mà trừng trị để về sau đại chúng được an hòa…”
Mùa Đông năm Canh Dần, Ngài biết thời tiết nhân duyên đã đến nên gọi đồ chúng lại dặn dò khuyến tấn, ấn chứng cho đệ tử Toàn Nhâm – Quán Thông kế thừa y bát trụ trì chùa Phước Lâm và an nhiên thị tịch vào giờ Tý ngày mồng 10 tháng 11 năm Canh Dần (1830) thọ thế 84 năm. Thiền sư Toàn Nhâm – Quán Thông cùng môn đồ cung thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Phước Lâm.
Nhìn lại cuộc đời của Ngài, sinh ra trong giai đoạn đất nước nhiễu nhương, lòng dân ly tán nhưng Ngài vẫn luôn giữ vững tâm đạo của mình. Hạnh nguyện của Ngài quả thật là vô tiền khoáng hậu trong dòng sử Phật Việt. Tiếng chổi quét chợ năm xưa ngừng đã lâu nhưng pháp âm mãi vẫn còn vang vọng. Những lời pháp vô ngôn nhưng đi sâu vào trong lòng người một cách thiết thực. Nhập thế tích cực nhưng tâm không gợn một mảy bụi trần. Ngày nay người dân Phố Hội vẫn còn nhắc đến Ngài với cái tên dung dị: Tổ Bình Man Tảo Thị.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
Nguyễn Đình Tiến Ban TTTT PG Quảng Nam
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035 Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB