Ngày 20 tháng 3 năm Tân Sửu (01/5/2021), tại tổ đình Phước Lâm (TP. Hội An, T. Quảng Nam) môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ húy nhật lần thứ 103 Hòa thượng Vĩnh Gia (1918-2021).

Quang lâm tác lễ có HT. Thích Hạnh Niệm – Trụ trì chùa Pháp Bảo (TP. Hội An); HT. Thích Hạnh Trí – Trụ trì chùa Ân Triêm (H.Duy Xuyên); HT. Thích Đồng Mẫn – Trụ trì tổ đình Chúc Thánh; TT. Thích Đồng Phước – Trụ trì tổ đình Vạn Đức (TP.Hội An); cùng chư tôn đức Tăng Ni tham dự đồng cầu nguyện.

Hòa thượng Thích Vĩnh Gia (1840 – 1918), Ngài họ Ðoàn tên Nhược, quê quán làng Thế Dương, quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, sinh vào năm thứ 21, triều vua Minh Mạng (1840).
Xuất thân trong một gia đình nho phong, bẩm chất thông minh hiếu học, lúc Ngài được 18 tuổi thì thân sinh đã mạng chung. Từ đó Ngài vân du đó đây hầu mở rộng kiến thức. Ðến tỉnh Thuận Hóa, Ngài gặp cụ Bố Chính Nguyễn Khoa Luân (Về sau tức Viên Giác Thiền sư) tại chùa Ba La Mật. Sau mấy ngày đàm đạo, các Ngài nhận thấy thân mạng là vô thường, tam giới như nhà lửa, chỉ có lối tu học chánh pháp của Như Lai mới là con đường giải thoát chân chánh.
Năm 1859, được 19 tuổi Ngài phát tâm tầm sư học đạo. Lúc bấy giờ tại tỉnh Quảng Nam, nơi quê quán của Ngài, có Hòa Thượng Quán Thông, một vị danh Tăng, vào hàng thứ năm dòng Lâm Tế, làm trú trì chùa Phước Lâm. Ngài mới xin thế phát đầu sư với Hòa Thượng. Thọ Sa Di giới được 6 năm, Ngài tỏ ra là một Tăng sĩ xuất chúng. Hòa Thượng Bổn sư Quán Thông đặt cho Ngài pháp danh là Ấn Bổn, tự Tổ Nguyên, hiệu Vĩnh Gia.
Năm 1865, được 25 tuổi Ngài đến cầu đạo với Ngài Huệ Quang tại chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) Quảng Nam. Tại đây, Ngài thọ tam đàn Cụ Túc giới.
Năm 1893 (Quý Tỵ – triều Thành Thái) Ngài cùng Hòa thượng Chí Thành mở Ðại giới đàn tại Tổ đình Chúc Thánh (Quảng Nam) và Ngài nhận chức Giáo Thọ A Xà Lê tại giới đàn này.
Năm 1894 (Giáp Ngọ), Ngài được thỉnh làm Ðệ nhị Tôn chứng cho Ðại giới đàn tại Tổ đình Báo Quốc (Thuận Hóa).
Năm 1906 (Bính Ngọ), Ngài nhận làm Yết Ma cho Ðại giới đàn tại Tổ đình Thập Tháp Di Ðà (Bình Ðịnh).
Năm 1908 Mậu Thân, Ngài được thỉnh làm Ðàn đầu Hòa thượng Ðại giới đàn tại chùa Phước Lâm (Quảng Nam).
Ðến năm 1910 (Canh Tuất – triều Duy Tân) Ngài khai Ðại giới đàn tại Toå đình Phước Lâm, Hội An, và làm Ðàn đầu Hòa Thượng. Giới đàn này quy tụ gần 200 giới tử, trong đó sau này có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đệ nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa thượng Thích Giác Nhiên chùa Thuyền Tôn là đệ nhị Tăng Thống… Về phần tại gia thì có Miên Trinh Tuy Lý Vương, cụ Ðô Thống Lê Viết Nghiêm v.v… và nhiều hoàng thân quốc thích khác đều là đệ tử của Ngài.

Ngài có công lớn trong việc đại trùng tu Tổ đình Phước Lâm, chú trọng việc đào tạo Tăng tài, giáo hóa hậu lai. Nhờ thế dân chúng thấm nhuần ảnh hưởng đạo đức của Ngài, không những đối với Phật giáo đồ Quảng Nam mà còn đối với cả Phật giáo miền Trung. Với sự nghiệp cao dày của Ngài, trọn đời hiến thân cho việc phục hưng Phật giáo, cụ Thượng thư Hiệp biện Ðại học sĩ Nguyễn Hà Ðình (đệ tử của Ngài) một nhà thâm nho và cũng thâm uyên giáo lý đã dâng tặng Ngài hai câu đối bằng gỗ trầm hương, hiện nay còn treo tại chùa Phước Lâm:
Tăng lữ thả bồi hương hỏa xã,
Cao tình du ái thủy vân hương.
Ngài thường căn dặn đệ tử: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, nếu phá giới thì phải hoàn lại y bát, ra khỏi già lam, để cho trong đục rõ ràng, tà chánh phân chia có vậy, nước Thiền định mới khai thông, đèn tri giác thêm sáng tỏ”.
Thế rồi, năm tháng dần trôi, thân tứ đại của Hòa thượng theo thời gian bì quyện. Thuận lẽ vô thường, Hòa thượng đã xả báo thân trong thế ngồi kiết già phu tọa, trở về với cảnh giới tự tại của mình vào giờ Tuất (7-9 giờ tối) ngày 20 tháng 3 năm Mậu Ngọ (1918), thọ thế 79 năm, với 55 hạ lạp.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
Thông Từ