(QCB) – Vừa qua, Cục Quản lý Di sản văn hóa Hàn Quốc cho biết hai sảnh đường có kiến trúc cổ kính được xây dựng vào thế kỷ thứ VII tại ngôi chùa Phật giáo Buseok-sa ( 부석사 ) Hàn Quốc sẽ được chính thức công nhận là bảo vật quốc gia.
Trong thông báo ngày 27-8, Cục Quản lý Di sản văn hóa đã công nhận sảnh đường Anyang-ru và Beomjon-gak tại ngôi chùa Buseok-sa thuộc tỉnh Bắc Gyongsang của Hàn Quốc là di sản cấp quốc gia.
Sảnh đường Anyang-ru được xây dựng vào năm 1576, theo kiểu gác mái trên tầng thượng của một khối kiến trúc cổng, sau khi một tầng một của Gangun-gak bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1555.
Sảnh Beomjon-gak có cấu trúc mái đặc biệt theo hình bát giác, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII. Theo các ghi chép còn sót lại, đây từng là nơi cất giữ một chiếc chuông sắt, nhưng sau này đã biến mất vào thế kỷ thứ XIX. Cục Quản lý Di sản văn hóa cho biết thêm rằng Beomjon-gak được xem là một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa và di sản bởi thiết kế và xây dựng phần mái mang tính thẩm mỹ và đặc biệt tinh tế.
Bảo vật quốc gia thường là những di sản, hiện vật hay cảnh quan đã được Cục Di sản văn hóa đặc biệt công nhận về giá trị nghệ thuật, văn hóa và lịch sử sau khi cơ quan này cân nhắc trong một thời gian dài.
Buseok-sa còn được gọi là “Ngôi chùa đá nổi”, do nhà sư uyên bác, đồng thời là học giả lỗi lạc Uisang (625-702 CN) khai sơn vào năm 676, sau khi ngài du học tại Trung Quốc trở về, trong thời kỳ vương quốc Silla thống nhất. Theo các ghi chép lịch sử, khi khánh thành ngôi chùa, ngài đã tổ chức hàng loạt pháp hội tại đây trong suốt 40 ngày và thuyết giảng về kinh Hoa nghiêm (화엄경).
Buseok-sa nằm trên sườn núi Bonghwang, được quản lý bởi tông phái Tào Khê của Phật giáo Hàn Quốc. Ngôi chùa còn là nơi lưu giữ 5 bảo vật quốc gia quan trọng. Đáng chú ý trong số đó là Pháp đường Muryangsujeon, nơi có tôn tượng Phật A Di Đà ở vị trí trung tâm. Được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ vào năm 1376, Muryangsujeon có niên đại lâu đời đứng thứ hai ở Hàn Quốc và được coi là một ví dụ điển hình của kiến trúc truyền thống tại Hàn Quốc. 25 tòa nhà, chùa và các công trình kiến trúc khác đã tạo nên một quần thể chùa chiền theo mô hình của một Mạn-đà-la. Đây được xem là một địa điểm lý tưởng để tu tập và rèn luyện tinh thần.
Vào tháng 6-2018, Buseok-sa là một trong 7 ngôi chùa cổ Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ chín, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới theo quyết định nhất trí tại cuộc họp thường niên của Ủy ban Di sản thế giới.
Bảy tu viện Phật giáo là Beopju-sa (법주사) ở Boeun, tỉnh Bắc Chungcheong; Bongjeong-sa (봉정사) ở Andong, Bắc Gyeongsang; Buseok-sa (부석사) ở Yeongju, Bắc Gyeongsang; Daeheung-sa (대흥사 0) ở Haenam, Nam Jeolla; Magok-sa (마곡사) ở Gongju, Nam Chungcheong; Seonam-sa (선암사) ở Suncheon, Nam Jeolla; và Tongdo-sa (통도사) ở Nam Gyeongsang. Tất cả đều được thành lập trong thời kỳ Tam Quốc (57 trước Tây lịch – 668 sau Tây lịch), bao gồm Baekje, Silla và Goguryeo, sau này được gọi là Goryeo hoặc Silla thống nhất (668 – 935).
“Phật giáo có một lịch sử lâu đời, trải qua một số thời đại lịch sử tại Hàn Quốc. Bảy ngôi chùa trên núi đã thể hiện được nét đặc sắc của nghệ thuật Hàn Quốc trong lĩnh vực văn hóa tu viện của Phật giáo từ thế kỷ thứ VII cho đến ngày nay. Các tu viện trên núi này thực sự là những nơi linh thiêng, đồng thời là một nhân chứng đặc biệt cho truyền thống tu tập lâu đời và không hề bị gián đoạn của Phật giáo Hàn Quốc”, Ủy ban Di sản thế giới cho biết.
Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2015, phần lớn dân số Hàn Quốc – 56,1% – không theo tôn giáo nào. Phật tử chiếm 15,5 % và Cơ Đốc giáo chiếm 27,6%.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB