(QCB) – Ngày 23 tháng 11 năm Nhâm Dần (16/12/2022) tại chùa Nghĩa Trũng (P. Vĩnh Điện, TX. Điện Bàn) đã trang nghiêm tổ chức lễ húy nhật lần thứ 20 cố Hòa thượng Thích Long Hải viên tịch.
Hòa thượng thế danh Ôn Nguyện, pháp danh Chơn Giác, tự Đạo Hoa, hiệu Long Hải, nối pháp dòng Lâm Tế đời thứ 40 và thuộc thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sinh vào ngày mồng 6 tháng 7 năm Kỷ Mùi (1919), nhằm niên hiệu Đồng Khánh thứ 4 tại làng Thi Nhơn, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông húy Ôn Nghinh pháp danh Chơn Đề và thân mẫu là cụ bà Phan Thị Lan. Ngài là nguời con trai út trong gia đình có bốn người con.
Gia đình Ngài vốn có truyền thống nhiều đời theo Phật, cụ thể là hai người bác của Ngài là Hòa thượng Đương Nhật, Đương Tín xuất gia tu học với tổ Từ Trí tại chùa Tam Thai-Ngũ Hành Sơn thuộc đời 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Thân phụ Ngài được triều đình nhà Nguyễn giao trách nhiệm trông coi chùa tỉnh trong nội thành tỉnh Quảng Nam.
Vốn có thiện duyên nhiều đời nên Ngài được sanh vào ngôi nhà chánh tín Tam Bảo. Vì lẽ đó, chí nguyện xuất gia đã phát khởi nơi Ngài từ khi đầu còn để chỏm. Vào năm Giáp Tý (1924), khi vừa lên 6 tuổi, Ngài cùng với người anh thứ 3 là Thượng tọa Chơn Đảnh-Long Chương được thân phụ đưa đến thọ giáo xuất gia với Hòa thượng Ấn Nghiêm-Phổ Thoại tại chùa Long Tuyền-Hội An và được ban pháp danh là Chơn Giác.
Ban đầu Ngài ở tại chùa tỉnh thành để học chữ nho, sau đó về tại Long Tuyền để học kinh, luật với Hòa thượng Bổn sư.
Năm Bính Tý (1936), Ngài thọ Sa Di giới với pháp tự Đạo Hoa. Mãi cho đến năm Ất Mùi (1955), Ngài thọ Tỳ kheo giới với pháp hiệu là Long Hải, lúc bấy giờ Ngài đã 36 tuổi.
Năm Bính Thân (1956), Ngài được Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng đề cử làm trụ trì chùa Nghĩa Trũng. Từ đây, Ngài bắt đầu hành trình hóa độ của mình.
Cũng trong thời gian này cho đến năm 1964, Ngài được mời giữ các chức vụ như:
– Chứng minh đạo sư cho Giáo Hội Phật Giáo Điện Bàn.
– Ủy viên đặc trách huyện Điện Bàn trong Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng.
– Phó thư ký Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam.
Năm Giáp Dần (1974), Ngài được thỉnh cử làm chánh đại diện GHPGVNTN huyện Điện Bàn.
Năm Canh Thân (1980), Ngài xin nghỉ chức vụ chánh đại diện và chỉ nhận làm chứng minh cho Ban Đại Diện mà thôi.
Năm Đinh Sửu (1997), xét thấy Ngài là bậc niên cao lạp trưởng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, Đức Pháp chủ GHPGVN đã tấn phong Ngài lên hàng giáo phẩm Hòa thượng trong đại hội kỳ IV của Giáo Hội.
Kể từ khi nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Nghĩa Trũng, Ngài đã từng bước kiến tạo ngôi chùa này ngày một khang trang. Chùa Nghĩa Trũng vốn được các quan nhà Nguyễn lập để thờ tự cúng lễ. Các quan đã ra chùa Tam Thai xin Tăng cang Từ Trí để ngài Đương Khánh về trụ trì. Sau khi ngài Đương Khánh viên tịch thì chùa chưa có người thừa kế, thêm vào đó chiến tranh tàn phá nên hư hỏng nặng. Về sau, thân hào nhân sĩ tại bổn xã cúng chùa Nghĩa Trũng cho Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng, Hòa thượng Thích Trí Giác đứng ra trùng tu và cử Ngài về làm trụ trì. Với 42 năm gắn liền với ngôi cổ tự này, bằng khả năng kinh tế của một vùng quê nghèo khó, Ngài đã lần lần trùng tu kiến thiết qua nhiều đợt như sau:
Năm Quý Mão (1963), Ngài tiến hành xây dựng nhà tổ.
Năm Ất Tỵ (1965), Ngài xây dựng ngôi phương trượng.
Năm Ất Mão (1975), Ngài xây dựng tây đường để thờ chư hương linh.
Năm Nhâm Thân (1992), Ngài kiến tạo tượng đài Quan Âm lộ thiên. Năm Bính Tý (1996), Ngài tu bổ chánh điện và tiền đường.
Năm Đinh Sửu (1997), Ngài trùng tu bảo tháp Hòa thượng Đương Khánh, đệ nhất trụ trì chùa Nghĩa Trũng.
Năm Mậu Thìn (1998), Ngài nâng cấp con đường vào chùa để tiện việc đi lại cho tín đồ trong những ngày mưa gió.
Là người tánh tình hiền hậu, khiêm cung cẩn mật, Ngài thường được cung thỉnh làm tôn chứng tại các đàn giới như: đệ lục và đệ ngũ tôn chứng tại giới đàn chùa Long Tuyền năm 1965, 1967. Và năm Nhâm Thân (1992), Ngài được cung thỉnh làm Đệ nhất tôn chứng giới đàn Sa Di tại tổ đình Phước Lâm-Hội An.
Hơn 50 năm hành đạo tại quê hương đất Quảng thân yêu, Ngài đã để lại nhiều tình cảm trong lòng người Phật tử. Với bản tánh nhân hậu và một nếp sống
giản dị nên Ngài dễ dàng cảm hóa lòng người. Hàng pháp tử, pháp tôn của Ngài hiện đang phục vụ Giáo hội tại tỉnh nhà cũng như đang hành đạo tại các tỉnh khác. Hàng ngàn Phật tử tại gia đã thọ giáo quy y với Ngài rải rác khắp các nơi trong tỉnh.
Vốn hấp thụ nền văn hóa Phật giáo từ thuở nhỏ, cộng với một chất liệu giọng ấm áp truyền cảm, Ngài là một trong những vị Gia trì sư rất lỗi lạc. Tuy Ngài thường ngồi đàn chẩn tế cô hồn nhưng Ngài không bao giờ vận hồng y như những vị Gia trì khác. Có lẽ nếp sống thuần hậu đạm bạc nơi thôn dã đã tạo nên một lối sống giản dị nơi Ngài. Với giọng điệu đầy mùi thiền vị, Ngài đã đem lại nhiều niềm tin cho tín đồ Phật tử. Đây cũng là một phương tiện tối thắng mà Ngài đã vận dụng thành tựu để đưa người vào đạo.
“Sanh lão bệnh tử
Tự cổ thường nhiên…”
“Vô thường thị thường” đó là chân lý xưa nay, Ngài đã nhẹ nhàng lìa mộng trần vào lúc 4 giờ 45 phút vào ngày 24 tháng 11 năm Tân Tỵ (07/1/2002) trong tiếng niệm Phật trợ tiến của hàng môn đồ pháp quyến. Với 83 mùa xuân dạo chơi cõi Ta Bà và 47 mùa hạ an trụ nơi Chánh giáo, Ngài đã để lại nhiều luyến lưu cho người con Phật nơi mảnh đất “Chưa mưa đã thấm” này.
Một số hình ảnh được ghi nhận:
Thông Từ
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB