Điện Bàn: Lễ húy nhật lần thứ 7 cố Ni trưởng Thích Nữ Từ Hạnh
805
Sáng ngày 17/11/2020 (03/10 Canh Tý) tại chùa Châu Phong (xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) môn đồ pháp quyến đã thành kính tổ chức lễ húy nhật lần thứ 7 cố Ni trưởng Thích Nữ Từ Hạnh – Chứng minh Phân ban Ni giới T.Ư GHPGVN, Chứng minh Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam, nguyên thành viên UBMTDTTN tỉnh Quảng Nam, trụ trì chùa Châu Phong.
Buổi lễ được tổ chức nội bộ tông môn pháp phái dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Từ Tánh – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng; Hòa thượng Thích Trí Viên – Phó BTS kiêm Trưởng Ban Tăng Sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, chư tôn đức Tăng Ni trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, cùng đông đảo Phật tử các giới đồng nhất tâm cầu nguyện.
Sau khi trang nghiêm cử hành lễ cúng ngọ tại Chánh điện, chư tôn đức đã quang lâm niệm hương tưởng niệm trước Giác linh đài, tưởng nhớ công đức hóa độ của cố Ni trưởng.
Ni trưởng Thích nữ Từ Hạnh, Pháp danh Tâm Tánh, hiệu Diệu Hữu, thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 43. Ni trưởng thế danh Hà Thị Tùy chào đời vào ngày mùng 08/Chạp năm Canh Thân (1920) tại làng Phong Ngũ, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Thân sinh cụ là ông Viên Tử – Hà Đức Giao, pháp danh: Tâm Tiếp, Tự Từ Dẫn, hiệu Pháp Lạc; thân mẫu là cụ bà Võ Thị Quảng, pháp danh: Tâm Phát, tự Từ Tâm, hiệu Diệu Thiện. Song thân vốn là người phật tử thuần thành, thâm tín Tam Bảo, thụ tam Quy với Đại lão Hòa thượng Thích Tôn Thắng, khai sơn chùa Phổ Thiên (nay là chùa Phổ Đà), Tp.Đà Nẵng. Đến tuổi ngã chiều, cụ bà khuất núi, cụ ông phát nguyện xuất gia và thọ Bồ tát Sa di giới.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam Bảo, nên ngay từ thuở ấu thời Ni trưởng thường theo thân phụ đến chùa tụng kinh, lễ Phật. Chính những tháng ngày thuở ấu thơ ấy đã phát khởi chí nguyện xuất trần. Năm 1934, duyên lành hội đủ, được sự chấp thuận của song thân Ni trưởng xuất gia, tầm sư với Đức Tăng Cang Hòa Thượng, thượng Tôn hạ Thắng tại chùa Phổ Thiên, Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là chùa Phổ Đà) và được Bổn sư truyền giới cho pháp danh là Tâm Tánh. Để tiến xa hơn trên đường học đạo, Bổn sư gởi ra Hà Nội, tu học tại chùa Sư Nữ Hưng Ký, tại đây Ni Trưởng càng tinh tấn hơn, ngày ngày cần lao phục dịch, đêm đêm đèn sách kệ kinh, hòa nhã hiền từ trong cách sống nên được mọi người hết mực yêu thương.
Sau 4 năm tu học tại miền Bắc, Ni trưởng quyết định trở về quê hương để được gần gủi thầy tổ và gia đình. Vào năm 1938 Hòa thượng Bổn sư gửi ra Huế y chỉ với Trưởng lão Ni Trưởng Diệu Hương, từ đó được nhập chúng tu học tại Ni trường Diệu Đức. Tại đây, được thọ Sa di Ni giới, vào tháng 8 năm 1940, giới đàn chùa Hải Đức, Tp.Huế do Hòa Thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ làm Đàn đầu và được bổn sư cho pháp hiệu là Từ Hạnh.
Năm 1949, lúc 30 tuổi, Ni trưởng được thọ giới Tỳ kheo Ni tại giới đàn Hộ Quốc, tổ đình Báo Quốc, TP Huế, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Giáo Hội Tăng Già Trung Việt làm Đàn Đầu. Sau khi thọ đại giới Ni trưởng chuyên cần nghiêm trì giới luật, tinh tấn trong mọi công tác Phật sự nên được Hòa thượng Bổn sư phú pháp kệ rằng:
Hà Chiêm Thuận Tùy Duyên.
Tâm Tánh Hiện Tây Thiên
Từ Hiếu Tiên Bách Hạnh.
Diệu Hữu Thị Chơn Thuyên
Tạm dịch:
Thấy gì khi các pháp tùy duyên
Tâm Tánh hiện bày cõi Tây Thiên
Từ tâm hiếu đạo trên muôn hạnh
Diệu hữu là thuật ngữ chơn thuyên
Năm Canh Tý (1960), hay tin phụ thân lâm trọng bệnh, để báo đáp công đức sanh thành Ni trưởng về lại quê nhà và cư trú tại chùa làng bé nhỏ vừa để chăm sóc phụ thân, vùa tu học. Cũng năm này cảm đức của Ni trưởng bà con phát tâm và được sự chấp thuận của Giáo hội Tăng già Quảng Nam Đà Nẵng và Ni bộ Bắc tông xây dựng lại chùa làng lấy tên cũ là chùa Châu Phong cho đến ngày nay.
Năm 1994, ngôi chùa xuống cấp. Nhờ sự tán trợ của Chư tôn đức và phật tử gần xa phát tâm, Ni trưởng khởi công đại trùng tu lại ngôi ngôi Chánh điện khang trang. Và những năm tiếp theo các công trình nhà sinh hoạt chúng, đường bê tông, giảng đường, cổng tam quan, tượng đài Di Lặc và hồ sen trước cổng ngoài khôn viên chùa cũng được xây dựng.
Ni trưởng luôn luôn lấy sự lợi ích của tổ chức đặt lên hàng đầu. Trải qua các thời kỳ: Giáo Hội Tăng Già, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ni trưởng đều hòa mình vào công việc, hoàn thành tốt những Phật sự mà Giáo hội giao phó. Hơn bao giờ hết, những năm pháp nạn 1963 – 1966, tại quê hương Quảng Nam Phật giáo đồ bị đàn áp khốc liệt, Ni trưởng dấn thân cùng chư tôn đức Quảng Nam Đà Nẵng đấu tranh bảo vệ chánh pháp.
Ni trưởng luôn lấy Bát Kỉnh Pháp và Lục Hòa Pháp làm trọng. Từ bậc Đại lão cao Tăng cho đến Tỳ kheo trẻ tuổi, Ni trưởng đều cung kính, thật tâm ân cần kính lễ như pháp nên được mọi người kính mến.
Ni trưởng là một bậc tôn túc Ni mô phạm chốn tòng lâm. Vì vậy, được cung thỉnh vào Hội đồng thập sư tại các Đàn giới truyền trao quy giới cho Ni chúng tu học như:
– Làm Yết Ma giới đàn Thức Xoa tại chùa Bảo Thắng năm 1969;
– Giáo thọ trong Đại giới đàn Vĩnh Gia tại chùa Bảo Quang, Đà Nẵng năm 1970;
– Yết Ma tiểu giới đàn năm 1985 tại chùa Bảo Quang, Đà Nẵng và năm 1988 tại chùa Diệu Quang, Tam Kỳ;
– Đường đầu Hòa thượng Ni tại các giới đàn Phước Huệ chùa Bảo Quang, do Ban trị sự tỉnh hội Quảng Nam Đà Nẵng tổ chức năm 1996 và Đại giới đàn Minh Giác năm 2000 và Ân Triêm năm 2004 do Ban trị sự tỉnh hội Quảng Nam tổ chức tại chùa Diệu Quang, Tam Kỳ.
Đối với môn đồ đệ tử, Ni trưởng là người thầy mẫu mực, luôn lấy thân giáo để hướng dẫn chúng Ni tu tập. Ni trưởng luôn chú trọng đến việc đào tạo con người để kế thừa hoằng dương chánh pháp.
Nhớ lại những thập niên 60-70 Điện Bàn là vùng đất mưa bom lửa đạn, mạng sống con người như chỉ mành treo chuông. Có người khuyên Ni trưởng tạm lánh nạn đi nơi khác, nhưng Ni trưởng quyết lòng không bỏ chùa, tín đồ, dân quê để đi an trú phần mình. Cũng thời gian này, Ni trưởng thể hiện tinh thần vô úy, ban bố hạnh từ bi, người đã can thiệp với lính Đại Hàn để không giết người dân vô tội nơi đây.
Trong những tháng năm gần đây, tuổi cao sức yếu không còn đi lại nhiều được nữa, Ni Trưởng cấm túc tại chùa, chuyên tâm niệm Phật và thường căn dặn, khuyên bảo đồ chúng tinh tấn tu học, xem việc công phu bái sám hằng ngày, giữ gìn giới luật tinh nghiêm, hầu mong báo Phật ân đức, xiển dương quy cũ tòng lâm làm cho ngọn đèn Như Lai luôn được trường tồn và tỏa sáng.
Chốn hồng trần giả tạm, trải 94 mùa xuân trụ thế, việc làm đã làm xong, công viên hạnh mãn, Ni trưởng thâu thần tịch diệt, vào lúc 09 giờ 40 phút ngày mồng 4 tháng 10, năm Quý Tỵ (07/11/2013) với 65 hạ lạp, trong niềm tiếc thương vô hạn của Giáo hội Phật giáo Quảng Nam và Tăng Ni, tín đồ đệ tử, đạo tâm xa gần.
Một số hình ảnh được ghi nhận:
Giác Đạt
Ban TTTT PG Điện Bàn
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035 Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB