|
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Ngày 24/2, tại Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ, dạy nghề, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng rằng với sự ủng hộ, khuyến khích của các cơ quan chức năng của Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tôn giáo trong đó có Phật giáo sẽ tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác trợ giúp xã hội và dạy nghề tại Việt Nam.
Trong những năm qua, với truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc và phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, tăng ni, phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước luôn gắn bó đồng hành trong mọi hoạt động của đất nước, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, triển khai thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động.
Theo Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về xã hội hóa, phát triển các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, với hạnh nguyện “Cứu khổ độ sinh” của chư Phật, trong thời gian qua, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các địa phương đã tích cực tham gia các hoạt động trợ giúp xã hội với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng.
Trong cả nước đã có hàng trăm cơ sở Phật giáo tham gia các hoạt động trợ giúp xã hội, với hàng nghìn đối tượng bảo trợ xã hội như: trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, người già không nơi nương tựa… trong đó có 57 cơ sở đã có pháp nhân, được cơ quan chức năng cấp phép thành lập.
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định, được sự quan tâm của UBTƯ MTTQ Việt Nam, sự phối hợp thường xuyên của Ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam với các văn phòng và các ban, ngành, viện của Trung ương Giáo hội, nhiều tăng ni, phật tử tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Giáo hội đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng về quản lý và tổ chức các hoạt động trợ giúp, chăm sóc, tư vấn, dịch vụ… cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội.
Nhiều vị tăng ni đang quản lý các cơ sở đã được Mặt trận mời tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các địa phương và các tôn giáo bạn; tham gia một số đoàn khảo sát của Mặt trận Trung ương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để đánh giá về kết quả hoạt động trong các cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo tại các địa phương, góp phần tích cực cùng Nhà nước và Mặt trận chăm lo cho các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, xây dựng một xã hội an lạc, hạnh phúc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày thêm vững mạnh.
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và triển khai tốt hơn các hoạt động an sinh xã hội nói chung, hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề nói riêng, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phối hợp với Mặt trận Trung ương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ sở Phật giáo đang tham gia hoạt động bảo trợ xã hội nhưng chưa được cấp phép thành lập, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết và làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để thành lập trung tâm hoặc cơ sở bảo trợ xã hội, qua đó nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ, dịch vụ trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo.
Ban Thường trực Hội đồng trị sự sẽ có Thông tư hướng dẫn chuyên đề về cơ sở Phật giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Cũng tại hội nghị này, thay mặt cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn cũng kiến nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các cấp hàng năm có kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chủ trương, chính sách pháp luật và nâng cao kỹ năng chuyên môn về các hoạt động chăm sóc, giáo dục, dịch vụ, tư vấn, đào tạo… cho tăng ni, phật tử, nhân viên trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo.
Chính phủ cần chỉ đạo các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo có đủ điều kiện theo tinh thần Chỉ thị số 1940/CT/2008/CT-TTg, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo, để tạo cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất cho các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở dạy nghề do các cá nhân, tổ chức tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng thành lập để đảm bảo điều kiện hoạt động tốt hơn cho các cơ sở này.
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn cũng đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đăng ký khai sinh, tạm trú, đăng ký hộ khẩu cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội đang ở các cơ sở trợ giúp xã hội. Hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội làm các thủ tục pháp lý cần thiết để các đối tượng này được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi trong việc sinh hoạt tôn giáo cho các người đứng đầu các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở dạy nghề, các đối tượng bảo trợ, học viên tại các cơ sở này.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng rằng với sự ủng hộ, khuyến khích của các cơ quan chức năng của Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể các cấp và sự hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ năng, xây dựng năng lực hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề cho các cơ sở của tôn giáo, các tôn giáo Việt Nam, trong đó có Phật giáo sẽ tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác trợ giúp xã hội và dạy nghề tại Việt Nam” Hoà thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định.
Dạ Yến – Quốc Định
Ảnh: Thành Trung
Nguồn: http://daidoanket.vn/tin-tuc/ton-giao/day-nhanh-tien-do-cap-so-do-cho-cac-co-so-ton-giao-358967