Đại biểu 80 quốc gia sẽ tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) 2025

75

(QCB) – Ngày 27/9/2024, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (cơ sở 2, Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã diễn ra buổi gặp gỡ báo chí về việc GHPGVN tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) 2025.

Buổi họp báo với sự tham dự của lãnh đạo chủ chốt Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) và đại diện các cơ quan báo chí trong nước.

Đồng chủ trì buổi họp báo có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam và Hòa thượng Giáo sư Tiến sỹ Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV).

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và Hòa thượng Giáo sư Tiến sỹ Phra Brahmapundit đồng chủ trì buổi họp báo
Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng là Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam thông tin cho các báo

Hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Ngày thành lập nước, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 do Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc và GHPGVN cùng sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam sẽ được chọn tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở 2 – xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) từ ngày 6/5 đến ngày 8/5/2025, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN và cũng là Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam thông tin tại buổi họp báo. Thượng tọa cũng cho biết chủ đề chính của Đại lễ là: “Hòa hợp và Bao hàm vì Nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và phát triển bền vững” theo phương châm của Liên Hợp Quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Được biết, Đại lễ sẽ đón tiếp khoảng 2000 Đại biểu tham dự; trong đó có 1000 Đại biểu quốc tế đến từ 80 quốc gia, là một số nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các cơ quan của Liên Hợp Quốc; lãnh đạo Giáo hội, hệ phái Phật giáo, học giả, và các nhà nghiên cứu. Đại biểu khách mời trong nước là 1.000 chư Tăng Ni GHPGVN Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN; các Ban, Bộ ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số địa phương tỉnh, thành phố và hàng ngàn Phật tử Việt Nam sẽ tham dự các sự kiện của Đại lễ.

Hòa thượng Giáo sư Tiến sỹ Phra Brahmapundit – Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) trả lời cho báo chí

Phát biểu tại buổi họp báo, Hòa thượng Giáo sư Tiến sỹ Phra Brahmapundit tin tưởng rằng với kinh nghiệm 3 lần tổ chức Đại lễ thành công (năm 2008, 2014 và 2019), lần này GHPGVN sẽ tiếp tục đạt được thành tựu viên mãn và làm mô hình mẫu cho các quốc gia khi đăng cai tổ chức, Ngài nhấn mạnh.

TT.Thích Minh Nhẫn – Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Chánh Văn phòng 2; Phó Tổng Thư ký Ủy ban Vesak 2025 công bố kết quả và hình ảnh logo của Đại lễ đã được chọn bởi Ban Tổ chức cuộc thi thiết kế Logo Vesak LHQ 2025

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tổ chức tại Việt Nam lần này không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng của Phật giáo để kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật mà còn góp phần thể hiện tinh thần đoàn kết của Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng hòa bình toàn cầu​.

Kể từ khi Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được thông qua vào ngày 15/12/1999, Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn của Đức Phật) được tổ chức trọng thể trên khắp thế giới vào dịp trăng tròn Vesak.

Vào năm 2013, Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak đã chính thức trở thành một tổ chức trực thuộc Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc. Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo toàn cầu xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình và bất bạo động của Đức Phật đến khắp thế giới.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam sẽ là một sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc. Đại lễ cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.

-Một số hình ảnh được ghi nhận:  

Nguồn: Phatsuonline.vn

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB