Tư tưởng PG trong thi văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh (P.1)

799

Chân là chân thật, hiển nhiên không phải hư vọng; Như là sự trường tồn, chỉ bày cái lý không thay đổi. Hai chữ Chân Như là nói lên cái nguyên lý chân thật của tất cả pháp và thể hiện cái tính trường tồn của nó, vì thế nên gọi là Chân Như.

Lời Nói Đầu
Phật giáo Việt Nam kể từ khi lập quốc (970) đến nay đã đóng góp rất lớn cho nền Văn học Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.v.v.. nhưng không có một Quốc Sử Việt Nam nào ghi nhận cả, điều đó thật là đau buồn, mặc dù Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và cho đến bây giờ không cần ai quan tâm đến. Phật giáo Việt Nam nếu như không có công gì với núi sông thì đâu được vua Đinh Tiên Hoàng phong Thiền sư Ngô Chân Lưu đến chức Khuông Việt Thái Sư và chức Tăng Thống Phật giáo Việt Nam vào năm Thái Bình thứ 2 (971).
Cho đến các Thiền sư như Pháp Thuận, Vạn Hạnh,..v..v…. đều là những bậc long tượng trong trụ cột quốc gia của thời bấy giờ, thế mà cũng không thấy một Quốc Sử Việt Nam nào ghi lại đậm nét những vết son cao quý của họ. Phật giáo Việt Nam mặc dù bị đối xử phũ phàng đến mấy của các Sử Gia biên kiến nhưng cũng phải công nhận Văn học Lý Trần là thời đại vàng son của Phật giáo Việt Nam đã tài bồi công sức rất lớn cho nền Văn học Việt Nam trong các thời đại đó.
Riêng ở đây chúng tôi muốn các đọc giả cùng chúng tôi nhìn lại vài nét tư tưởng của Phật giáo trong Thi Văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh để nhận chân được giá trị độc đáo của nền Văn học Phật giáo đã được Văn học Việt Nam tiếp nhận một cách sâu sắc.
I. TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG THI VĂN KHUÔNG VIỆT
 
A. PHẦN TIỂU SỬ
Thiền sư Khuông Việt, tục danh là Ngô Chân Lưu, con của Ngô Xương Tỷ, cháu nội của Ngô Xương Sắc (1), người làng Cát Lợi, huyện Thường Lạc (2), trụ trì chùa Phật Đà (3). Thuở nhỏ ngài theo Nho Học, lớn lên thọ giới với Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc. Năm 40 tuổi ngài nổi tiếng tinh thông Thiền Học và được vua Đinh Tiên Hoàng quý trọng phong chức Tăng Thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ 2 (971), vua lại phong Quốc Sư với tước hiệu là Khuông Việt Thái Sư (Khuông Việt Thái Sư nghĩa là Quốc Sư chuyên lo giúp đở sửa sang nước Việt).

Khi Lê Đại Hành lên ngôi (980 – 1105), Thiền sư Khuông Việt và Thiền sư Pháp Thuận được vua mời tham dự những việc quan trọng trong triều đình. Năm Thiên Phúc thứ 7 nhà Tiền Lê (986), nhà Tống phái sứ giả Lý Giác sang nước ta, vua cử Thiền sư Khuông Việt và Thiền sư Pháp Thuận ra đón tiếp. Khi Lý Giác về Trung Hoa, Thiền sư Khuông Việt thay vua làm một bài thi tiễn chân Lý Giác theo điệu hát “Tống Vương Lang Quy”. Tống Vương Lang Quy nghĩa là tiễn đưa Ngọc Lang về nước.
TỐNG VƯƠNG LANG QUY
“Tường quang phong hảo, cẩm phàm trương,
Thần Tiên phục Đế Hương,
Thiên lý vạn lý thiệp thương lương,
Cửu Thiên quy lộ trường,
 
Nhân tình thảm thiết đối ly trường.
Phan luyến sứ tinh lang,
Nguyện tương thâm ý vị Nam Cương,
Phân minh báo ngã Hoàng.”
Ngô Tất Tố dịch:
“Trời quang, gió thuận, buồm giương,
Thần Tiên chốc đã giục đường Bồng Lai,
Mông mênh muôn dặm bể khơi,
Lối về trong bóng chín trời xa xa,
 
Bâng khuâng trước chén quan hà,
Mến ai, lòng những thiết tha nỗi lòng,
Xin ai vì cõi Nam Trung,
Rõ ràng gửi lại mặt Rồng trước sau.”
(Văn học đời Lý, trang 20 của Ngô Tất Tố)
Theo Việt Nam Phật giáo Sử Lược, trang 112 của Thích Mật Thể ghi Thiền sư Khuông Việt ở triều được ít lâu thì lấy cớ già yếu xin về hưu. Thiền sư dựng một ngôi chùa ở núi Du Hý để mở trường dạy đạo. Học trò đến học với Thiền sư rất đông. Trong số học trò nói trên, Thiền sư Đa Bảo là người xuất sắc nhất của Thiền sư Khuông Việt, được thầy xem như đệ tử thân tín của ngài. Theo Thiền Uyển Tập Anh kể lại, một hôm Đa Bảo nghe danh Thiền sư Khuông Việt liền đến tham vấn. Đa Bảo hỏi Thiền sư về sự khởi đầu và sự kết thúc của việc học đạo. Thiền sư Khuông Việt trả lời bằng hai câu thơ:
“Thủy chung vô vật diệu hư không,
Hội đắc chân như thể tự đồng.”
Ý nghĩa hai câu thơ này là: Không một vật nào có “Thủy” và có “Chung”, chỉ có “Hư Không” mới thực sự là nhiệm mầu; nếu ngộ được “Chân Như” thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm.
Đa Bảo nghe qua tỏ ngộ liền xin thọ giáo với Thiền sư Khuông Việt và về sau được thầy truyền tâm pháp.
Ngày 15 tháng 2, niên hiệu Thuận Thiên thứ hai đời nhà Lý tức là ngày 22 tháng 3 năm 1011, Thiền sư Khuông Việt viên tịch. Trước khi viên tịch, Thiền sư gọi Đa Bảo đến đọc bài kệ rằng:
 
“Mộc trung nguyên hữu hỏa,
Nguyên hỏa phục hoàn sinh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toản toại hà do minh.”
Thích Mật Thể dịch:
“Trong cây vốn có lửa,
Tia lửa mới sáng lòa.
Nếu bảo cây không lửa,
Cọ xát sao lại ra.”
Đa Bảo hiểu thâm ý của thầy liền sụp xuống lạy. Thiền sư Khuông Việt ngay lúc đó chấp tay viên tịch, thọ được 81 tuổi. Thiền sư Khuông Việt là đời thứ tư của hệ phái Vô Ngôn Thông. Đây là phần tiểu sử của Thiền sư Khuông Việt đã được nhiều sách sử ghi lại.
B. PHẦN TƯ TƯỞNG
Thiết nghĩ trong các hệ phái của Thiền tông Việt Nam, Thiền Môn Gia Huấn lẽ tất nhiên phải có và có rất nhiều do các Thiền sư nối tiếp sáng tạo để làm phương châm cho sự đạt đạo của các Thiền sinh. Thiền Môn Gia Huấn nghĩa là những lời giáo huấn trong gia phả của Thiền Môn và những lời giáo huấn đó chính là những khuôn vàng thước ngọc không thể thiếu để phát huy hệ phái Thiền tông. Thiền Môn Gia Huấn có khi là thi kệ, có khi là văn bản, đều là những Pháp Ngữ có tính cách trắc nghiệm Thiền sinh nhằm trao truyền chỗ chứng đắc của mình cho đệ tử. Thiền tông càng phát triển thì Thiền Môn Gia Huấn càng phong phú.

Căn cứ nơi lịch sử truyền thừa của các hệ phái Thiền tông Việt Nam, danh bộ các Thiền sư được liệt kê trong gia phả không phải là ít và được thấy một số Thiền sư như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh,..v..v…. đã để lại thanh danh một thời cho dân tộc và đạo pháp. Nhưng Thiền Môn Gia Huấn của các ngài thì bị bỏ quên trong lịch sử Việt Nam và chỉ còn lại thưa thớt một vài thi kệ nghèo nàn nơi lịch sử truyền thừa của các Thiền tông. Hơn nữa các thi kệ còn lại của các Thiền sư mặc dù chỉ có một vài bài ngắn gọn, đơn giản, nhưng chúng ta nhận thấy tư tưởng trong đó vô cùng súc tích và phong phú, chứng tỏ trình độ thông bác và đạt đạo của các Thiền sư thời bấy giờ không phải tầm thường.

Trường hợp như Thiền sư Khuông Việt là một trong những bằng chứng của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Thiền sư là Quốc Sư của một triều đại mà lịch sử dân tộc chỉ ghi lại danh phận thật quá đơn giản, quá phũ phàng. Theo Việt Nam Phật giáo Sử Lược của Thích Mật Thể cho biết Thiền sư Khuông Việt sau khi cáo lão về hưu mở trường dạy đạo ở núi Du Hý và học trò đến học rất đông thì không phải kết quả chỉ có một Thiền sư Đa Bảo thôi đâu. Đã là học trò đến học rất đông, Thiền sư Khuông Việt lẽ tất nhiên cũng phải tổ chức học đường cho quy củ và cũng phải sáng tác rất nhiều Thiền Môn Gia Huấn để giáo dục các thiền sinh.

Thế mà những Thiền Môn Gia Huấn đó không thấy lịch sử ghi lại và chỉ tìm được nơi Thiền sư một vài thi kệ thưa thớt như thi kệ “Tống Vương Lang Quy, Thủy Chung, Thị Tịch”. Thật là vô cùng thương tiếc cho thân phận đời ngài và cũng thương tiếc cho thân phận của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Giờ đây chúng ta thử khảo sát tư tưởng của Thiền sư Khuông Việt trong thi kệ “Thủy Chung” qua câu chuyện vấn đáp giữa hai thầy trò để hiển bày giá trị đạt đạo của ngài.

1. GIÁ TRỊ THI KỆ THỦY CHUNG
Câu chuyện vấn đáp giữa Thiền sư Khuông Việt và học trò Đa Bảo được thấy trong Thơ Văn Lý Trần tập I, trang 210 do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1977 ghi rằng: “Theo Thiền Uển Tập Anh thì một hôm có người học trò là Đa Bảo hỏi về sự khởi đầu và kết thúc của việc học đạo, Khuông Việt đã trả lời bằng hai câu thi:
“Thủy Chung Vô Vật Diệu Hư Không,
Hội Đắc Chân Như Thể Tự Đồng”.
Dịch nghĩa:

“Không một vật nào có Thủy và có Chung, Chỉ có Hư Không mới thực sự là nhiệm mầu. Nếu ngộ được Chân Như thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm”.
Đại ý hai câu này: Vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm nơi thế giới Chân Như. Hình tướng của vạn vật thì có sinh (có thủy) và có diệt (có chung), nhưng tự thể của vạn vật thì trường tồn, cho nên không có điểm khởi đầu (vô thủy) và cũng không có điểm kết thúc (vô chung).
Giá trị tư tưởng hai câu thi trên của Thiền sư Khuông Việt trả lời câu hỏi của học trò Đa Bảo được nhận định như sau:

a, Vấn Đề Thủy Chung:
Chữ Thủy nơi ý của hai câu thi trên gọi cho đủ là Vô Thủy và chữ Chung nơi ý của hai câu thi trên gọi cho đủ là Vô Chung. Vô Thủy nghĩa là vạn pháp không có nguyên nhân đầu tiên sinh ra và Vô Chung nghĩa là vạn pháp không có điểm cuối cùng của sự hoại diệt.
Vấn đề Thủy Chung được đặt ra là căn cứ nơi sự sinh diệt của vạn pháp. Vạn pháp trong thế gian, theo quan niệm của Phật giáo đều do nhân duyên nên được sinh thành và cũng do nhân duyên nên bị hoại diệt. Nối tiếp theo đó, vạn pháp từ nơi chỗ hoại diệt lại liên tục sinh ra nữa và cứ như thế sinh diệt diệt sinh mãi cho đến vô cùng tận. Dựa trên nguyên lý duyên sinh vừa trình bày, vạn pháp không có vấn đề Thủy Chung (không có nguyên nhân đầu tiên sinh ra và cũng không có điểm cuối cùng của sự hoại diệt).
Kinh Thắng Man Bảo Quật, quyển trung ghi rằng: “Nhiếp Luận nói: Vô thủy tức là hiển nhân. Nếu hữu thủy thì vô nhân, hữu thủy thì hữu sơ, sơ thì vô nhân. Vô thủy thì hữu nhân, cho nên làm sáng tỏ sự hữu nhân, để hiển bày Phật Pháp là cái nghĩa nhân duyên.”
Giải thích đoạn văn trên:
Không có nguyên nhân đầu tiên tức là hiển bày được nguyên lý nhân duyên. Nếu như có nguyên nhân đầu tiên thì nhất định không có nguyên lý nhân duyên. Nếu như có nguyên nhân đầu tiên thì phải có cái nguyên lý sơ khởi và nếu như có cái nguyên lý sơ khởi thì không có nguyên lý nhân duyên. Còn như không có nguyên nhân đầu tiên thì mới có nguyên lý nhân duyên. Cho nên một khi làm sáng tỏ vấn đề nguyên lý nhân duyên là hiển bày được Phật Pháp.
Đúng thế, đời này chính là do nhân duyên đời trước xây dựng (hiển nhân), đời trước thì lại cũng do nhân duyên đời trước nữa thành lập. Chúng ta cứ như thế suy cứu mãi trở về trước thì sẽ thấy vạn pháp không có điểm khởi đầu, cho nên gọi là Vô Thủy. Chúng ta đã thấy vạn pháp không có điểm khởi đầu (vô thủy) thì lại cũng thấy vạn pháp không có điểm kết thúc, cho nên gọi là Vô Chung.
Thật ra vạn pháp không có vấn đề điểm khởi đầu (hữu thủy) hay điểm kết thúc (hữu chung), chỉ có sự tác dụng hay không tác dụng của các nhân duyên mà thôi. Nguyên nhân (dòng tâm thức) của vạn pháp mỗi khi tác dụng liền quan hệ với nhau (nhân duyên) qua nghiệp tướng và nghiệp lực để hiện ra hình tướng gọi là sinh (thủy) và đến khi không còn tác dụng hiện tướng nữa gọi là diệt (chung). Nhưng nguyên nhân của vạn pháp thật sự không có vấn đề sinh (thủy) và diệt (chung). Nguyên lý này nếu như so sánh với dòng điện thì không khác nhau cho lắm.

Dòng điện một khi tác dụng qua Video Tape (qua nhân duyên của vạn pháp) liền hiện ra hình tướng trên màn ảnh gọi là sinh (thủy) và dòng điện không tác dụng nữa thì hình tướng trên màn ảnh không còn hiện ra nên gọi là diệt (chung). Nhưng ở đây, dòng điện chỉ có tác dụng hay không tác dụng mà thôi. Riêng dòng điện thật sự không có vấn đề sinh (thủy) hay diệt (chung).

Như Kinh Bồ Tát Thiện Giới, quyển I (Đại 30 – 962 Hạ) cũng chứng minh cho những nguyên lý vừa trình bày trên có ghi: “Bổn tính là 5 Ấm, 18 Giới, 6 Nhập cứ theo thứ tự tác dụng nối tiếp với nhau từ vô thủy cho đến vô chung (4). 5 Ấm, 18 Giới, 6 Nhập là chỉ cho những nguyên nhân của vạn pháp. Những nguyên nhân này đã có từ Vô Thủy và tác dụng mãi cho đến Vô Chung để tạo nên dòng sinh mạng của vạn pháp. Dòng sinh mạng của vạn pháp cứ liên tục quay tròn mãi để tạo thành bánh xe luân hồi trong ba cõi. Các pháp cứ sinh rồi diệt và diệt rồi sinh trong cái vòng tròn của bánh xe luân hồi đang quay. Bánh xe luân hồi của dòng sinh mạng cứ quay mãi vô định, quay mãi không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc của vòng tròn, nên gọi là Vô Thủy Vô Chung.
Qua những dữ kiện trên, vấn đề Thủy Chung trong câu “Thủy chung vô vật diệu hư không” của Thiền sư Khuông Việt không khác so với nguyên lý Vô Thủy Vô Chung của các kinh luận chủ trương, như Nhiếp Luận, Kinh Bồ Tát Thiện Giới,..v..v…. Đó là một trong những giá trị tư tưởng của Thiền sư đã đạt đạo được thể hiện trong câu thi nói trên.

b, Vấn Đề Hư Không
Hư Không, tiếng Phạn Àkàsa, nghĩa là khoảng không gian (không) trống rỗng (hư) mênh mông vô cùng tận. Vạn pháp trong thế gian đều hiện có mặt và xoay vần trong hư không. Hư Không là một nguyên lý và nguyên lý này có giá trị bao trùm cả muôn pháp ở trong. Muôn pháp không thể có mặt và cũng không thể tồn tại ngoài Hư Không này. Hư Không có thể xem như là bản thể, là nền tảng của muôn pháp sinh khởi và tồn tại.
Kinh Bắc Bổn Niết Bàn, quyển 22, phẩm Đức Vương và quyển 6, phẩm Phạm Hạnh đều cho “Hư Không rộng lớn không có bờ mé, có thể dung chứa tất cả pháp”. Duy Thức Bách Pháp Minh Môn Luận lại cho Hư Không là pháp Vô Vi. Bát Thức Quy Củ Tụng của dịch giả Thích Thắng Hoan, trang 21 cũng cho Hư Không với tên là Hư Không Vô Biên Xứ. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 3 của dịch giả Thích Chơn Giám, đức Phật giải thích Hư Không có hai loại: Tướng Hư Không và Tánh Hư Không.
 
1, Tướng Hư Không:
Tướng Hư Không được thể hiện từ nơi nghiệp tướng và được xây dựng theo nghiệp lực của chúng sinh. Tướng Hư Không được thành hình theo từng giống loại. Chúng sinh có nhiều giống loại khác nhau thì Tướng Hư Không được thành hình cũng có nhiều thứ không giống nhau. Tướng Hư Không của loài người thì khác hơn Tướng Hư Không của loài cá, của loài Ngạ Quỷ, của loài Địa Ngục,..v..v….. Tướng Hư Không của Dục Giới thì khác hơn Tướng Hư Không của Sắc Giới, của Vô Sắc Giới,..v..v…. Mỗi loại, mỗi giới đều có Tướng Hư Không riêng biệt không giống nhau.
Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức, tác giả Thích Thắng Hoan, trang 57 cho Tướng Hư Không là “Môi Trường Sống”. Quyển Bát Nhã Tâm Kinh này giải thích:
“Tướng Hư Không của loài cá là khối lượng nước, thuộc môi trường sống của loài cá. Khối lượng nước nếu như cạn khô thì loài cá bị chết ngạt. Nhưng khối lượng nước nói trên không phải là Tướng Hư Không của loài người, nguyên vì loài người khác giống với loài cá. Tướng Hư Không của loài người là không khí và đó là môi trường sống của loài người. Không khí nếu như bị cháy tan thì loài người bị ngạt thở mà chết.

Tướng Hư Không của loài người không phải là Tướng Hư Không của loài Ngạ Quỷ, của loài Địa Ngục, của loài A Tu La và của các cõi Trời, nguyên vì loài người không giống với loài Ngạ Quỷ, với loài Địa Ngục, với loài A Tu La và với các cõi Trời. Cho đến loài Ngạ Quỷ, loài Địa Ngục, loài A Tu La và các cõi Trời cũng thế, nghĩa là mỗi loài mỗi cõi khác nhau thì môi trường sống của họ hoàn toàn không giống nhau về Tướng Hư Không.”

2, Tánh Hư Không:
Tánh Hư Không thì thuộc về chân như và vẫn tồn tại muôn thuở. Ngược lại Tướng Hư Không thì thuộc về mê vọng và luôn luôn bị sinh diệt biến hóa. Tướng Hư Không là biến tướng của vô minh nghiệp tướng, thể hiện ở phía bên trong Tánh Hư Không và chọn Tánh Hư Không làm nơi nương tựa để hiện khởi. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật giải thích: “A Nan! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, Tánh Giác tức là thiệt Hư Không, Hư Không tức là thiệt Tánh Giác, thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp pháp giới…”
Tánh Giác gọi cho đủ là thể tính của giác ngộ. Tánh Giác tức là chỉ cho Tạng Như Lai, thuộc về Tâm Chân Như. Tạnh Như Lai của Tâm Chân Như thì mới có Tánh Giác. Tánh Giác của Tạng Như Lai thì bao trùm cả Thánh và Phàm, cả Chân và Vọng. Hơn nữa, Tánh Giác tức là Tánh Hư Không thì không thể có ngoài Tạng Như Lai, đều thuộc về nguyên lý sự sống của vạn pháp. Cho nên Đại Thừa Khởi Tín Luận của ngài Mã Minh nói: “Tâm Chân Như là cái tâm tính bất sinh bất diệt, Thể và Dụng (Tạng Như Lai) của nó to lớn bao trùm tất cả các pháp.”
Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức, trang 58 giải thích: “Tánh Hư Không của Tâm Chân Như không phải là Tướng Hư Không của tất cả chúng sinh trong ba cõi. Tướng Hư Không của tất cả chúng sinh trong ba cõi sở dĩ khác nhau là do bởi Nghiệp Tướng của mỗi loại chúng sinh không giống nhau trong những cõi đó tạo nên. Nhưng đặc biệt nhất, Tướng Hư Không của tất cả chúng sinh trong ba cõi thảy đều thể hiện ở phía bên trong Tánh Hư Không của Tâm Chân Như và được Tánh Hư Không của Tâm Chân Như che chở với hình thức bao trùm.”
Thí dụ, Tánh Hư Không của Tâm Chân Như cũng tương tợ như không gian của cái phòng. Tướng Hư Không của tất cả chúng sinh cũng tương tợ như không gian của ngọn đèn xanh, không gian của ngọn đèn đỏ, không gian của ngọn đèn trắng, không gian của ngọn đèn vàng,..v..v…. Không gian (Tướng Hư Không) của các ngọn đèn xanh, đỏ, trắng, vàng..v..v…. đều thể hiện ở bên phía trong không gian (Tánh Hư Không) của cái phòng và được không gian của cái phòng che chở với hình thức bao trùm.
Như thế, Tánh Hư Không chính là chỉ cho Tạng Như Lai của Tâm Chân Như, nguyên vì Tạng Như Lai theo Đại Thừa Khởi Tín Luận của ngài Mã Minh thì thuộc về hình tướng của Tâm Chân Như. Tâm Chân Như là cái tâm không sinh diệt thì Tánh Hư Không lẽ tất nhiên cũng thuộc về loại bất biến. Tánh Hư Không này thì vẫn hiện có mặt, vẫn tồn tại mãi trong Tạng Như Lai và không thể nào có mặt ngoài Tạng Như Lai.
Từ giá trị này, “Diệu Hư Không” trong câu thi “Thủy chung vô vật diệu hư không” mà Thiền sư Khuông Việt đề cập đến đích thực là chỉ cho Tánh Hư Không của Tạng Như Lai thuộc Tâm Chân Như. Tánh Hư Không đối với vấn đề vạn pháp hiện có mặt trong thế gian thì quả thật mầu nhiệm vô cùng. Vạn pháp trong thế gian, nếu như không có Tánh Hư Không làm nền tảng thì không biết nương tựa vào đâu để sinh trưởng và tồn tại. Vạn pháp trong thế gian có thể nói là luôn luôn bị sinh rồi diệt, diệt rồi sinh trong Tánh Hư Không trường tồn bất diệt.
c, Vấn Đề Chân Như:
Chân Như, tiếng Phạn Bhùta-Tathatà, nghĩa là căn nguyên của vạn pháp, cũng gọi là bản thể chân thật của vũ trụ. Vấn đề Chân Như có rất nhiều kinh luận giải thích.
Duy Thức Luận định nghĩa Chân Như: “Chân vị chân thật, hiển phi hư vọng; Như vị như thường, biểu vô biến dịch. Vị thử chân thật ư nhất thiết pháp, thường như tính, cố viết chân như.”

Dịch nghĩa:

Chân là chân thật, hiển nhiên không phải hư vọng; Như là sự trường tồn, chỉ bày cái lý không thay đổi. Hai chữ Chân Như là nói lên cái nguyên lý chân thật của tất cả pháp và thể hiện cái tính trường tồn của nó, vì thế nên gọi là Chân Như.
Phật Địa Kinh Luận, quyển 7 có ghi: “Chân Như chính là thật tính của tất cả hiện tượng. Cái tướng của tất cả hiện tượng tuy có các thứ sai biệt, nhưng thật tính của chúng thì chỉ có một vị, so với tất cả pháp không phải một, không phải khác, lìa ngôn ngữ, lìa cả suy luận và khảo cứu. Thật tính này xa lìa quan điểm lầm lỗi và hư ngụy, nên gọi là Chân Như.”
Kinh Đại Bát Nhã, quyển 360 giải thích Chân Như gồm có mười hai nguyên lý Không. Mười hai Chân Như gồm có:
1. Chân Như: Chân là chân thật và Như là như thường, nghĩa là thể tính chân thật của các pháp thì như thường, nên gọi là Chân Như.

2. Pháp Giới: Giới là nghĩa sở y (là nghĩa chỗ nương tựa). Chân Như là chỗ nương tựa (sở y) của các pháp.

3. Pháp Tánh: nghĩa là thể tính của các pháp thì Chân Như.

4. Bất Hư Vọng Tánh: nghĩa là pháp tính chân thật đã lìa hẳn hư vọng, nên gọi là Chân Như.

5. Bất Biến Dị Tánh: nghĩa là bản thể của các pháp thì không biến đổi, nên gọi là Chân Như.

6. Bình Đẳng Tánh: nghĩa là Chân Như sau khi lìa hẳn các tướng sai biệt của các pháp đều duy nhất bình đẳng không có hai.

7. Ly Sanh Tánh: nghĩa là Chân Như đã lìa hẳn sự sinh diệt.

8. Pháp Định: nghĩa là pháp tính thì an trụ và thường hằng nên gọi là Chân Như.

9. Pháp Trụ: nghĩa là ngôi vị của các pháp thì thường trụ nơi Chân Như.

10. Thật Tế: nghĩa là nguyên lý của Chân Như thì rất thật tế đến chỗ cùng cực.

11. Hư Không Giới: nghĩa là lý thể của Chân Như thì biến khắp pháp giới.

12. Bất Tư Nghì Giới: nghĩa là lý thể của Chân Như thì không thể nghĩ bàn.
Bao nhiêu kinh luận cũng đủ chứng minh được giá trị của nguyên lý Chân Như. Chân Như là thể tính thường hằng, không sinh không diệt của vạn pháp và vạn pháp thường an trụ trong Chân Như, chọn Chân Như làm thể tính của mình. Lý do đó, Thiền sư Khuông Việt cho rằng, vạn pháp đồng một thể tính Chân Như thế nên có câu: “Hội đắc chân như thể tự đồng.”
Tóm lại, Diệu Hư Không là chỉ cho Tánh Hư Không của Tạng Như Lai nơi Tâm Chân Như. Tánh Hư Không này làm nền tảng sinh ra muôn pháp một cách mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, nên gọi là Diệu Hư Không. Tâm Chân Như tự nó thuộc về loại trường tồn bất diệt thì Diệu Hư Không lẽ dĩ nhiên bản tính cũng thuộc về loại thường hằng bất biến. Bản thể của muôn pháp (vạn vật) đã là Tâm Chân Như thì bản tính của muôn pháp chính là Diệu Hư Không.

Diệu Hư Không là những nguyên lý duyên sinh để biến hiện ra hình tướng của muôn pháp và hình tướng của muôn pháp thì có sinh có diệt (hữu thủy hữu chung) theo nguyên lý duyên sinh, nhưng thể tính của muôn pháp thì thuộc về Chân Như cho nên không có vấn đề sinh diệt (vô thủy vô chung). Từ đó Thiền sư Khuông Việt mới nói lên hai câu thi:

“Thủy chung vô vật diệu hư không,
Hội đắc chân như thể tự đồng.”
 
(Không một vật nào có Thủy và có Chung, chỉ có Hư Không mới thật sự là nhiệm mầu. Nếu ngộ được Chân Như thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm).

C. MỤC ĐÍCH CỦA THIỀN SƯ KHUÔNG VIỆT
Khi Đa Bảo hỏi về sự khởi đầu và sự kết thúc của việc học đạo, Thiền sư Khuông Việt trả lời bằng hai câu thi: “Thủy chung vô vật diệu hư không, hội đắc chân như thể tự đồng.”
Thiền sư trả lời hai câu thi này có mục đích: 
1- Thiền môn chủ trương cho vấn đề tu chứng là trên hết và xem thường sự học rộng cũng như sự hiểu biết nhiều. Thiền môn quan niệm rằng, người học rộng hiểu biết nhiều mà không tu chứng thì cũng vô ích. Người học rộng hiểu biết nhiều chỉ là một lý thuyết gia, chuyên môn lý luận suông, không thực tế trên con đường đạt đạo. Còn kẻ chuyên môn tu tập làm đầu, mặc dù họ không được học rộng, không được hiểu biết sâu, nhưng khi đạt đạo thì cũng thông bác tất cả giống như người có học.

Vì lý do đó, Thiền môn chú trọng nơi sự tu tập nhiều hơn sự học hỏi; theo các vị Thiền sư nhận thức, sự học hỏi làm trở ngại cho sự tu chứng và những điều tu chứng theo họ thì khác xa mà cũng không có trong vấn đề học hỏi.

Nhưng theo thời xưa, đức Phật dạy trong các kinh điển, các đệ tử phải thường xuyên tu học theo ba môn huệ học là “Văn Huệ, Tư Huệ và Tu Huệ” để được chứng đắc chân chính. Văn Huệ là trí tuệ do học kinh nghe pháp được thành tựu. Tư Huệ là trí tuệ do suy nghiệm, quán chiếu và giác ngộ lý nhiệm mầu trong các kinh luận. Tu Huệ là trí tuệ do công phu tu tập được chứng ngộ và cũng có chỗ gọi là được chứng đắc trong sự đạt đạo.

Theo đức Phật, ba môn Huệ Học này là ba yếu tố rất cần thiết không thể thiếu trên con đường giải thoát. Người tu hành nếu như thiếu một trong ba môn Huệ Học nói trên thì không thể đạt đạo cũng giống như một cái ghế ba chân đã thiếu đi một chân thì không thể nào ngồi vững được.

Ngày nay các Thiền sư thì canh tân theo quan niệm của họ. Trong ba môn học căn bản của đức Phật chỉ dạy vừa trình bày trên, các Thiền sư chỉ chuyên hành trì một phương diện Tu Huệ để mong được chứng đắc và khinh thường hình thức Văn Huệ. Đúng theo lĩnh vực Văn Huệ, các thiền sinh phải trải qua thời gian tu học kinh luận theo khóa trình đã vạch sẵn, nghĩa là các thiền sinh phải hoàn tất chương trình tu học từ Sơ Cấp, Trung Cấp và cho đến Cao Cấp Phật Học do các Thiền sư soạn thảo. Những khóa trình tu học này đều được quy định “thời gian khởi đầu và thời gian kết thúc” là bao nhiêu năm.
Còn lĩnh vực Tu Huệ thì khác hơn, tùy theo căn cơ lanh lợi hay đần độn trong việc đạt đạo của các thiền sinh, nghĩa là thiền sinh nào có căn cơ thông minh lanh lợi thì đạt đạo nhanh chóng hơn và thiền sinh nào có căn cơ đần độn kém cõi thì lĩnh hội chậm chạp hơn trong việc hành trì, cho nên Thiền môn không có quy định thời gian khởi đầu cho công trình tu tập và cũng như thời gian kết thúc cho vấn đề chứng đắc. Nguyên vì chủ trương Tu Huệ trên hết của các Thiền môn, Thiền sư Khuông Việt liền trả lời câu hỏi của Đa Bảo là:
“Thủy chung vô vật diệu hư không,
Hội đắc chân như thể tự đồng.”
(Không một vật nào có Thủy và có Chung, chỉ có Hư Không mới thực sự là nhiệm mầu. Nếu ngộ được Chân Như thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm).
2. Mục đích thứ hai, Thiền sư Khuông Việt trả lời bằng hai câu thi trên nhằm trắc nghiệm tư tưởng và đánh giá trình độ thông bác của Đa Bảo trước khi cho nhập môn. Một vị Thiền sư mỗi khi nhận một vị đệ tử nào phải nắm vững được tâm yếu cầu đạo của vị đệ tử đó để cho tâm truyền có thể chính xác hơn. Muốn nắm vững được tâm yếu của đệ tử, Thiền sư trước hết phải đánh giá trình độ, đo đạc khả năng và tìm hiểu khuynh hướng nhận thức của thiền sinh bằng phương pháp trắc nghiệm tư tưởng. Nhờ thế Thiền sư mới thật sự nắm vững được tâm yếu và dễ dàng phân loại khả năng hành trì của mỗi thiền sinh.

Đứng trong chiều hướng này, Thiền sư Khuông Việt liền trả lời câu hỏi của Đa Bảo qua hai câu thi: “Thủy chung vô vật diệu hư không, hội đắc chân như thể tự đồng” mà trong đó hàm chứa cả hai ẩn ý nói trên. Đa Bảo cũng là một nhà thông bác, sau khi nghe qua hai câu thi kệ của thầy liền tỏ ngộ ngay và xin thọ giáo với Thiền sư Khuông Việt.

3- Hơn nữa “Thủy chung vô vật diệu hư không, hội đắc chân như thể tự đồng” là hai câu Thoại Đầu mà Thiền sư Khuông Việt trao truyền cho Đa Bảo làm phương châm tu tập để quán chiếu. Thiền sinh Đa Bảo tu tập quán chiếu hai câu thị kệ nói trên cho đến khi nào ngộ được nguyên lý và sự dung thông về tính tướng của vạn pháp là chừng đó mới chứng tỏ được mình đã đạt đạo.
D. GIÁ TRỊ THI KỆ THỊ TỊCH
Thiền sư Khuông Việt trước khi viên tịch gọi Đa Bảo đến đọc bài thi kệ Thị Tịch để di chúc và nội dung của bài thi kệ Thị Tịch như dưới đây:
“Mộc trung nguyên hữu hỏa,
Nguyên hỏa phục hoàn sinh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toản toại hà do manh.”
Thích Mật Thể dịch:

Trong cây vốn có lửa, tia lửa mới sáng lòa.
Nếu bảo cây không lửa, cọ sát sao lại ra.
Ý nghĩa của bài thi kệ Thị Tịch được giải thích như sau:

Thi kệ Thị Tịch là loại thi kệ có tính cách Di Chúc hơn là loại Tâm Truyền. So với thi kệ Thủy Chung, thi kệ Thị Tịch không ngoài mục đích làm phương châm trong lĩnh vực truyền thừa của Thiền tông hơn là khai thị mà Thiền sư Khuông Việt muốn Đa Bảo trong việc kế thừa phải đi đúng đường hướng Tâm Truyền của Thiền tông. Yếu chỉ của thi kệ Thị Tịch mượn lửa là một trong những sự vật để ám chỉ tâm linh mà Thiền sư Khuông Việt di chúc cho Đa Bảo. Ở đây Thiền sư không phải đề cao vật chất trên phương diện Tâm Truyền.
Theo Thiền sư Khuông Việt, trạng thái của tâm linh cũng giống như trạng thái của lửa và sự hiện hữu của tâm linh trong thân thể con người cũng giống như sự hiện hữu của lửa trong thân cây. Chúng ta không thể nhìn thấy hình tướng của tâm linh như thế nào và chỉ biết khi nó tác dụng sinh ra tư tưởng cũng giống như chúng ta không thể nhìn thấy hình tướng của lửa như thế nào và chỉ biết khi nó tác dụng qua sự cọ sát thành tia sáng. tâm linh giả sử không thật có trong thân thể con người thì làm sao có tư tưởng cũng giống như lửa giả sử không thật có trong thân cây thì làm sao có tia sáng.
Hơn nữa trong thân thể con người, tâm linh vốn có nguyên thể riêng và nó không phải do vật chất sinh ra, vì nó không cùng một bản chất với vật chất; cũng như lửa vốn có nguyên thể riêng (Mộc trung nguyên hữu hỏa) và nó không phải do thân cây sinh ra, vì nó không cùng một bản chất với thân cây. tâm linh mặc dù không có não bộ thì không thể phát sinh ra tư tưởng được, cũng giống như lửa mặc dù không có thân cây thì không thể phát sinh ra tia sáng được. Người ta thật sự lầm lẫn nếu như cho rằng tâm linh phát sinh từ nơi vật chất (não bộ) cũng giống như có kẻ bảo rằng ánh sáng điện phát sinh từ nơi bóng đèn. Đúng hơn, dòng điện nương nơi bóng đèn để phát sinh ra ánh sáng cũng giống như tâm linh nương nơi não bộ để phát sinh ra tư tưởng.
Thật sự Thiền sư Khuông Việt đã khai thị cho Đa Bảo từ lâu và Đa Bảo cũng đã đắc pháp tự bao giờ bằng lối Tâm Truyền của thầy. Vạn pháp về phương diện lý tính theo Thiền sư thì đồng một bản thể chân như sinh ra với hình thức duyên khởi, cũng tương tợ như các lượn sóng khác nhau đều cùng một bản thể nước sinh ra với hình thức duyên khởi. Nhưng về phương diện sự tướng, tâm linh và vật chất của vạn pháp trên lĩnh vực tác dụng thì có khác nhau, một bên là Chủ và một bên là Khách, nghĩa là tâm linh luôn luôn làm chủ sự vật, dẫn đầu cả mọi việc (5), có khả năng quyết định sự sinh tồn của muôn loài chúng sinh; còn vật chất thì vô tri giác và luôn luôn ở tư thế bị động trong sự sinh tồn của các pháp.

Thiền sư muốn cho Đa Bảo lĩnh hội một lần chót nữa giữa lý và sự, giữa tính và tướng của vạn pháp ở mọi khía cạnh thể và dụng, cũng như phân loại rõ ràng giữa Tâm và Vật ở tư thế Chủ và Khách trong việc truyền thừa. Thế nên trước khi viên tịch, Thiền sư Khuông Việt di chúc cuối cùng về vấn đề này cho Đa Bảo với thi kệ Thị Tịch:

“Mộc trung nguyên hữu hỏa,
Nguyên hỏa phục hoàn sinh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toản toại hà do manh.”
Đa Bảo hiểu được thâm ý của thầy liền sụp xuống lạy và cũng từ đó Thiền sư Khuông Việt an tâm ra đi một cách tự tại trong tư thế chấp tay viên tịch.
Tóm lại, qua một vài thi kệ vừa trình bày, chúng ta nhận thấy Thiền sư Khuông Việt là một con người thật sự đắc đạo của hệ phái Vô Ngôn Thông, một Tăng Thống cao minh đáng quy ngưỡng của Phật giáo Việt Nam và cũng là một Quốc Sư lỗi lạc của triều đại nhà Đinh mà cho đến ngày nay Thiền sư vẫn còn dư âm trong lịch sử Việt Nam. Những tư tưởng ẩn chứa trong các thi kệ cũng đủ chứng minh một cách cụ thể sự chứng đắc của ngài. Đối với giáo lý cao thâm trong Phật giáo, Thiền sư rất thông bác giữa sự và lý, giữa tướng và tính trong mọi lĩnh vực thể và dụng với hình thức duyên khởi của muôn pháp.

Mặc dù những điều thông bác này được gói gọn bóng bẩy trong các thi kệ giản đơn, chúng ta đem các thi kệ ra quán chiếu cũng có thể nhận thấy được phần nào tư tưởng sâu xa của ngài. Chúng ta vô cùng vui mừng đã có được một Thiền sư Khuông Việt là người đầu tiên khơi nguồn sinh mệnh của đạo pháp với danh nghĩa Tăng Thống và cũng là người đầu tiên khai thông sinh lộ cho dân tộc Việt Nam với danh nghĩa Quốc Sư Khuông Việt. Nhờ Thiền sư sinh mệnh đạo pháp và dân tộc hòa hợp nhịp nhàng, dung thông chuyển hóa, nẩy nở phát triển trên khắp mọi nẻo đường đất nước, trải dài từ thế kỷ thứ IX cho đến ngày nay. Thật là lành thay cho Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam muôn đời bất diệt.

Tác giả Thích Thắng Hoan
Trích trong Tư tưởng Phật giáo trong thi văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh
Còn nữa…
Chú thích:
(1) Thiền Uyển Tập Anh, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, nhà xuất bản Văn học Hà Nội 1990, trang 42
(2) Văn học Lý Trần, tập I, trang 208 của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội
(3) Việt Nam Phật giáo Sử Lược, trang 109, của Thích Mật Thể
(4) 5 Ấm,6 Nhập, 18 Giới:
a. 5 Ấm là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức,
b. 6 Nhập là: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý,
c. 18 Giới là: 6 Căn, 6 Trần và 6 Thức.
(5) Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB